Home Công việc Thử Việc Thất Bại, Làm Sao Để Đối Mặt Và Rút Kinh Nghiệm?

Thử Việc Thất Bại, Làm Sao Để Đối Mặt Và Rút Kinh Nghiệm?

by Hoàng Khôi Phạm
Thử Việc Thất Bại, Làm Sao Để Đối Mặt Và Rút Kinh Nghiệm?

Thử việc thường kéo dài 2 tháng, với mức lương thử việc thường sẽ bằng 85% so với lương chính thức, các công việc bạn đảm nhiệm khi thử việc cũng sẽ đơn giản hơn, và đa số mọi người sẽ đều thuận lợi vượt qua giai đoạn này, được ký hợp đồng trở thành nhân viên chính thức sau khi kết thúc thử việc. Nhưng cũng có một số người thử việc thất bại và cảm thấy đây là một điều đáng xấu hổ, không biết làm sao để vượt qua. Vậy thử việc thất bại thì làm sao để đối mặt và rút kinh nghiệm? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!

>> Vì sao phải thử việc trước khi làm nhân viên chính thức?

Giai đoạn thử việc quan trọng thế nào?

Vì sao phải thử việc, sao không vào làm việc chính thức luôn? Đây là những lăn tăn thường gặp của các bạn sinh viên mới ra trường, khi các em lần đầu tìm việc làm và thắc mắc rằng sao phải trải qua giai đoạn thử việc để làm gì, nó quan trọng thế nào? Về bản chất, 2 tháng thử việc là khoảng thời gian để nhân viên mới làm quen với đồng nghiệp, với môi trường và quy trình làm việc, đồng thời, khi đó, bạn cũng sẽ được training để học hỏi, nắm rõ các sản phẩm, dịch vụ, chuyên môn/nghiệp vụ liên quan tới công việc.

Nó giống như giai đoạn nền tảng cần có để học hỏi, làm quen với công việc và hoà nhập với đồng nghiệp, để xem ai phù hợp, ai thích nghi nhanh và có khả năng gắn bó lâu dài? Ngược lại, nếu ai cảm thấy mình không quen, không thích nghi được, hoặc công việc thực tế không như mình nghĩ, vượt quá khả năng, thì có thể tự xin rút sau khi thử việc, hoặc công ty cũng có thể tự đánh giá rằng nhân viên này chưa đạt, không ký hợp đồng chính thức để tránh mất thời gian của đôi bên. Nghe có vẻ khá buồn và phũ phàng, nhất là khi các nhiệm vụ khi thử việc cũng không quá khó. Vậy cảm giác không được nhận sau thử việc sẽ ra sao?

Cảm giác không được nhận sau thử việc sẽ ra sao?

Khi không được nhận sau khi thử việc, bạn sẽ đối mặt với cảm giác buồn bã, tiếc nuối, mà càng thích công việc này thì bạn sẽ càng tiếc hơn, đồng thời, tự trách bản thân năng lực yếu kém, rằng tại sao không cố gắng hơn, tập trung hơn để mang về kết quả thử việc tốt hơn? Một số người cũng có cảm giác bực bội, trách móc rằng công ty quá khắt khe, mới thử việc thôi mà đã đánh giá gắt gao rồi, sao không cho mình thêm cơ hội?

Rồi khi nhìn xung quanh, thấy những bạn đồng nghiệp vào thử việc cùng đợt với mình được chọn làm nhân viên chính thức, trong khi mình lại bị trượt, thử việc thất bại, thì sẽ càng tủi thân, tự ti về năng lực hơn, cho rằng mình quá tệ, người ta làm được mà mình không làm được, mới có chuyện thử việc đơn giản mà cũng làm không xong, thì sau này sẽ làm nên trò trống gì, hay chỉ là kẻ bất tài vô dụng, rồi sẽ bị thất nghiệp, không có công ty nào thèm nhận? Nếu không vững tâm lý và hay suy nghĩ tiêu cực, thì những cảm xúc này sẽ đè nặng lấy bạn, càng nghĩ tới sẽ càng thấy mệt mỏi, áp lực, bế tắc và tiêu cực hơn. Và chắc chắn những điều đó không hề tốt cho bạn, nó sẽ kéo bạn lại, ghì bạn xuống, nếu không sớm vực dậy thì tương lai còn tồi tệ hơn. Để giải quyết vấn đề này thì trước tiên, bạn hãy thử nhìn lại xem những nguyên nhân nào khiến mình thử việc thất bại?

>> Nhân viên thử việc bị trừ 10% thuế TNCN – Đúng hay sai?

Nguyên nhân thường gặp khiến thử việc thất bại

Tuỳ từng công ty, tính chất công việc và trường hợp cụ thể của mỗi người, thì sẽ có những lý do khác nhau khiến thử việc bị thất bại, nhưng thường sẽ xoay quanh các nguyên nhân sau:

  • Kết quả thử việc không tốt, không hoàn thành được như kỳ vọng của cấp trên, được giao cho nhiều việc nhưng hoàn thành không được bao nhiêu, hoặc khi làm xong thì kết quả cũng chỉ ở mức trung bình tầm 60%, chứ không tốt, không đủ để công ty yên tâm ký hợp đồng lao động chính thức;
  • Nhân viên nói quá về bản thân khi phỏng vấn, tới khi thử việc thì công ty nhận ra điều này, rằng năng lực của nhân viên không tới mức như đã chia sẻ lúc phỏng vấn, vừa thất vọng vì hiệu quả công việc kém, vừa thất vọng vì nhân viên này gian dối, thiếu trung thực, phóng đại khả năng của bản thân;
  • Thái độ làm việc không tốt, không tập trung, thiếu chuyên nghiệp, không có tinh thần trách nhiệm với công việc, hoặc cho rằng thử việc lương thấp hơn chính thức nên chỉ làm việc ở mức sương sương, không cố gắng hết mình, với thái độ này thì công ty sẽ không ký hợp đồng chính thức, ai mà biết sau này lỡ làm việc chính thức thì còn chuyện gì xảy ra nữa, năng lực có thể trau dồi chứ thái độ thì khó mà sửa được;
  • Năng lực và thái độ làm việc của bạn cũng ổn, nhưng khi so với các nhân viên thử việc khác thì lại chưa bằng, công ty đành chọn những người tốt hơn và từ chối bạn.

Thử việc thất bại, làm sao để đối mặt và rút kinh nghiệm?

Dù thử việc thất bại vì bất kỳ nguyên nhân nào, thì đây cũng được xem như một thất bại mà bạn đã trải qua, mà khi gặp thất bại thì mình phải mạnh mẽ đối mặt, vượt qua và tìm cách rút ra những bài học kinh nghiệm để bản thân vững vàng hơn, nâng cao năng lực hơn và không để lặp lại thất bại ấy trong tương lai nữa. Bây giờ bạn thử việc thất bại, nhưng nếu rút kinh nghiệm thì sau này bạn sẽ làm tốt hơn nhiều, và khả năng sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng tương tự trong tương lai nữa. Vậy nếu thử việc thất bại thì làm sao để đối mặt và vượt qua?

Đầu tiên, bạn hãy gạt bỏ những cảm xúc buồn bực, tiêu cực sang một bên, hãy buồn 1 vài ngày thôi, rồi phải vực dậy tinh thần để bước tiếp, chứ để những điều đó vây quanh mãi thì làm sao mà tập trung cho lần thử việc sau được. Tiếp theo, bạn cần phải nhìn lại những nguyên nhân khiến mình thử việc thất bại. Đa số sẽ đều đến từ bản thân bạn, chẳng hạn như năng lực làm việc chưa tốt, mang lại kết quả thử việc kém, hoặc có thái độ chưa tốt, thiếu tập trung khi thử việc, thì hãy rút kinh nghiệm sâu sắc, lần lượt xử lý triệt để từng nguyên nhân. Hãy nhận thức rằng đó là những điểm yếu, những điều chưa tốt của bản thân, khi bạn sửa & khắc phục được thì nó vừa giúp bạn nâng cao năng lực, vừa tăng khả năng thử việc thành công trong tương lai, không còn lo phải đối mặt với chuyện thử việc thất bại nữa.

Tất nhiên, bạn cần lưu ý 1 điều quan trọng rằng để rút kinh nghiệm, trau dồi năng lực bản thân và có thái độ nghiêm túc hơn với công việc, thì đó là một quá trình thay đổi dần, bạn cần cho mình thời gian chứ không nên bắt ép quá gấp gáp, vì càng gấp thì bạn sẽ càng mệt mỏi, áp lực hơn. Hoặc nếu bạn cần phải tìm việc mới ngay, chứ không chờ lâu thêm được, thì ngay lúc này, hãy nhìn lại xem điều gì có thể thay đổi nhanh hơn thì ưu tiên chỉnh nó trước, được tới đâu hay tới đó, đồng thời, trong lần thử việc tiếp theo hãy tập trung và nghiêm túc hơn, khi được training, hướng dẫn gì thì chú tâm và ghi nhớ kỹ, thì điều đó cũng giúp bạn học hỏi và thích nghi nhanh hơn, tăng cơ hội được nhận sau khi thử việc.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng nếu thử việc thất bại thì làm sao để đối mặt và rút kinh nghiệm? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> 5 điều cần đọc kỹ trước khi ký hợp đồng thử việc

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích