Home Công việc Tự Tin Tìm Việc (Tập 12) – Tiêu Chí Đánh Giá & Tác Phong Chuyên Nghiệp

Tự Tin Tìm Việc (Tập 12) – Tiêu Chí Đánh Giá & Tác Phong Chuyên Nghiệp

by Hoàng Khôi Phạm
Tự Tin Tìm Việc (Tập 12) - Tiêu Chí Đánh Giá & Tác Phong Chuyên Nghiệp

Sau khi tìm hiểu các chứng chỉ làm đẹp CV trong Tự Tin Vào Đời (Tập 11), thì trong Tập 12 này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tác phong chuyên nghiệp & các tiêu chí đánh giá khi phỏng vấn, đồng thời giải đáp xem đi phỏng vấn xong bao nhiêu ngày sẽ có kết quả?

1. Đọc mô tả công việc làm sao để đánh giá sự phù hợp?

Rải CV tràn lan khi chưa đọc kỹ mô tả công việc là một sai lầm, khiến bạn lao vào các công việc không phù hợp, gửi CV cho 10-20 công ty mà không được mời đi phỏng vấn, rồi lại bị nản chí. Có 5 tiêu chí cơ bản cần chú ý khi đọc mô tả công việc, là số năm kinh nghiệm, giới tính, địa điểm làm việc, yêu cầu kiến thức và yêu cầu về năng lực làm việc riêng cho từng vị trí ứng tuyển. Nếu công việc yêu cầu 2 năm kinh nghiệm, mà mình chỉ mới ra trường, thì chắc chắn là không phù hợp. Nếu công việc yêu cầu nữ, mà mình là nam thì cũng không phù hợp, có ráng nộp CV thì cũng bị loại.

Nếu công việc tuyển ở Hà Nội, mà bạn ở TP.HCM thì cũng không phù hợp, trừ khi bạn chịu bay ra Hà Nội làm. Hoặc công việc cần kiến thức kế toán, mà bạn học marketing thì cũng không phù hợp. Sàng lọc các tiêu chí trên cũng đơn giản, nhìn lướt qua 1 tí là xong, thậm chí một số website tuyển dụng còn có tính năng lọc theo khu vực, giới tính, năm kinh nghiệm, tự động loại các việc không hợp tiêu chí. Còn tiêu chí cuối là năng lực làm việc, thì mỗi công việc sẽ có list yêu cầu riêng, bạn cứ check kỹ nếu mình đáp ứng từ 80% trở lên thì hãy mạnh dạn ứng tuyển, nếu chỉ đáp ứng 50% thì nên tìm việc khác. 

2. Cách rèn luyện tác phong chuyên nghiệp khi phỏng vấn

Không ít ứng viên có năng lực ổn, kiến thức & kinh nghiệm cũng không tới nỗi tệ, nhưng cuối cùng lại bị loại vì thiếu chuyên nghiệp. Làm sao để rèn luyện tác phong chuyên nghiệp khi phỏng vấn?

  • Đầu tiên, bạn cần chuyên nghiệp trong trang phục, lựa chọn quần áo lịch sự, chỉn chu, an toàn nhất là áo sơ mi trơn và quần tây tối màu, lưu ý đầu tóc gọn gàng và không đeo dép khi đi phỏng vấn.
  • Tiếp theo, hãy chuyên nghiệp về tác phong, gặp nhà tuyển dụng hoặc các nhân viên trong công ty hãy gật đầu chào, không nên ngó lơ bất kỳ ai, khi cần thiết hãy nhớ cảm ơn.
  • Khi đứng lên, ngồi xuống cần kéo ghế nhẹ nhàng, không gây ra tiếng động lớn, và nhớ kéo ghế về vị trí cũ cho ngăn nắp trước khi ra về, những điều nhỏ cũng có thể khiến nhà tuyển dụng chú ý.
  • Khi giao tiếp, trả lời phỏng vấn không được nói trống không, phải có chủ ngữ, nói chuyện lịch sự, dùng từ ngữ một cách chọn lọc, giữ phép lịch sự nhất định, chứ không nên thoải mái như nói với bạn bè.
  • Cuối buổi phỏng vấn, hãy đặt 1-2 câu hỏi cho nhà tuyển dụng để thể hiện rằng mình quan tâm tới công việc này, đang nghiêm túc ứng tuyển, và đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng, cảm ơn HR trước khi về.

3. Các tiêu chí thường dùng để đánh giá khi phỏng vấn

Bạn có năng lực ổn và tự tin, nhưng chưa chắc sẽ được nhận nếu trong buổi phỏng vấn bạn chưa thoả mãn tốt toàn bộ những tiêu chí đánh giá của nhà tuyển dụng, vậy đó thường là các tiêu chí nào?

  • Quan trọng nhất là kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành, phải vững vàng thì mới tăng khả năng hoàn thành tốt công việc, mới có thể thuyết phục nhà tuyển dụng tin tưởng và lựa chọn mình.
  • Kế đến là các kỹ năng mềm liên quan tới công việc và những phẩm chất cần có, chẳng hạn như tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, chăm chỉ, năng động và sáng tạo, để luôn năng nổ và tích cực khi làm việc.
  • Khả năng gắn bó cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá, thể hiện qua việc bạn đã tìm hiểu kỹ về công ty, có định hướng lâu dài với ngành, đặt câu hỏi để làm rõ về công việc ở cuối buổi phỏng vấn.
  • Tác phong và thái độ trong buổi phỏng vấn cũng có thể là tiêu chí đánh giá, nếu bạn có tác phong/trang phục chưa chỉn chu hoặc thái độ không tích cực, kỳ lạ, thì có khả năng sẽ bị mất điểm.

Ngoài ra, từng công việc sẽ có thêm các tiêu chí riêng khác, thường được thể hiện trong mô tả công việc, ai càng nhiều điểm phù hợp, được đánh giá càng gần với hình mẫu của vị trí đó thì càng tăng khả năng được chọn.

4. Đi phỏng vấn xong bao nhiêu ngày sẽ có kết quả?

Bên cạnh các câu hỏi phỏng vấn thường gặp & lưu ý về trang phục, tác phong khi đi phỏng vấn, nhiều sinh viên mới ra trường cũng lăn tăn rằng phỏng vấn xong bao nhiêu ngày sẽ có kết quả? Điều này nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào quy trình tuyển dụng của mỗi công ty, số lượng ứng viên apply, đi phỏng vấn cho vị trí đó nhiều hay ít, và mức độ cấp bách của vị trí mà công ty cần tuyển. Thường thì thời gian ứng viên cần chờ để có kết quả sau khi phỏng vấn sẽ từ 3-4 ngày làm việc, cũng có 1 số trường hợp lâu hơn hoặc nhanh hơn, nhưng dù lâu nhất cũng không quá 10 ngày làm việc. Nếu quá thời gian này mà bạn vẫn chưa có được phản hồi, thì cứ mạnh dạn hỏi lại phía công ty, HR, không có gì phải ngại, vì đây là cơ hội việc làm của mình, hỏi kết quả chứ đâu làm gì quá đáng.

Bài viết này đã giúp bạn nắm được cách xác định công việc phù hợp để apply, một số lưu ý để có tác phong chuyên nghiệp khi ứng tuyển và các tiêu chí đánh giá khi phỏng vấn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích