Home Học tậpHọc hành, thi cử 5 Thói Quen Xấu Sinh Viên Nên Bỏ Ngay Nếu Muốn Học Giỏi

5 Thói Quen Xấu Sinh Viên Nên Bỏ Ngay Nếu Muốn Học Giỏi

by Hoàng Khôi Phạm
5 Thói Quen Xấu Sinh Viên Nên Bỏ Ngay Nếu Muốn Học Giỏi

Đa số sinh viên đều muốn mình học khá – giỏi, hay có điểm trung bình 7.0 – 8.0 trở lên. Rất nhiều bạn cố gắng bằng cách học ngày học đêm, lúc gần tới kỳ thi cũng rất nỗ lực ôn tập nhưng kết quả lại chẳng như mình mong đợi. Tại sao lại như thế? Cùng anh điểm qua 5 thói quen xấu sẽ gây ảnh hưởng xấu thành thích học tập của các em nha.

>> Các bí quyết học hành, thi cử hữu ích cho sinh viên

1. Thức khuya – dậy trễ – Combo thói quen xấu phổ biến nhất

Combo thức khuya – dậy trễ sẽ là nguyên nhân chính khiến các em đi học muộn hoặc thậm chí là “cúp” luôn những tiết học buổi sáng. Đây là một thói quen xấu và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của các em. Đừng nghĩ đơn giản là đi học trễ một tí hay cúp học một vài buổi thì chẳng sao, chỉ cần mượn vở của bạn hoặc đọc sách bù lại là được.

Thời gian để các em tự học lại các kiến thức đó thường sẽ gấp 2-3 lần so với việc được nghe thầy cô giảng bài kèm theo các ví dụ minh hoạ dễ nhớ. Mà chưa chắc các em tự xem lại thì sẽ hiểu đúng ý, nhỡ đâu các em hiểu sai bài học thì sao? Nhỡ kiến thức mà mình bỏ lỡ hoặc hiểu sai đó lại có trong bài kiểm tra, bài thi thì sao?

Ngoài ra, khi gần đến kỳ thi hoặc có các bài kiểm tra quan trọng thì anh thấy các em thường thức khuya để học. Tuy nhiên, nếu ngủ sớm và dậy sớm để học thì các em sẽ tiếp thu bài hiệu quả hơn và tránh được việc ngủ quên, lỡ mất giờ thi hay giờ kiểm tra.

Nếu đang đọc bài này sau 11h thì các em hãy tạm dừng, đặt báo thức và ngủ sớm nhé. Sang ngày mai rồi đọc tiếp cũng không muộn đâu. Hãy tạo cho mình thói quen ngủ sớm – dậy sớm ngay từ hôm nay.

2. Nghiện điện thoại – Thói quen xấu khó bỏ

Chơi game, lướt facebook, chat, nghe nhạc, xem phim,… trên điện thoại là thú vui để thư giãn của sinh viên. Điều đó hoàn toàn không ai ngăn cấm. Tuy nhiên, các em nên biết giới hạn thời gian sử dụng điện thoại của mình lại, tránh bị nghiện quá mức vì nó là một thói quen xấu khó bỏ, sẽ làm mất rất nhiều thời gian và xao nhãng việc học.

Giả sử các em dành cả buổi tối để dùng điện thoại thì thời gian đâu mà học. Hay là quyết định dành cả buổi tối để học nhưng cứ học 10ph rồi lại nghịch điện thoại hết 30ph thì học được gì, chưa kể việc học mà cứ ngắt quãng, xao nhãng như thế thì sẽ rất khó tiếp thu, học trước quên sau,…

Theo cá nhân anh thấy thì mỗi ngày các em nên sử dụng điện thoại tầm 1 tiếng thôi, nếu thật sự muốn tập trung để học tốt. À, đó là tính riêng thời gian dùng điện thoại để thư giãn thôi nhé. Còn nếu các em dùng nó để học tập (qua các app hoặc xem video học tiếng Anh chẳng hạn) thì cứ thoải mái nha.

>> 20 điều tôi ước tôi được biết trước khi tốt nghiệp

3. Không tập trung nghe giảng

Nội dung các bài học thường sẽ rất liên kết với nhau, nếu các em lơ đãng, không tập trung nghe giảng vào đầu giờ, thì những phần kiến thức tiếp theo của buổi học đó nhiều khi các em sẽ chẳng hiểu được, ngồi học mà cứ như vịt nghe sấm. Hoặc tệ hơn, nếu các em không tập trung nghe giảng, lo làm việc riêng hoặc ngủ gật ngay trong các buổi học đầu tiên, thì các em sẽ bị mất kiến thức nền tảng của môn học đó, gây khó khăn rất lớn trong việc tiếp thu bài trong các buổi học tiếp theo. Tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập của mình rồi. Bỏ ngay thói quen xấu này nhé!

4. Lười làm bài tập

Cho dù các em rất chăm chỉ, đi học đầy đủ, thậm chí rất chăm chú nghe giảng nhưng lại lười nhác khi phải làm bài tập thì cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập.

Thứ nhất, nếu không làm bài tập thì các em sẽ rất dễ quên công thức, không biết công thức nào nên áp dụng cho dạng bài nào, hoặc tệ hơn là tẩu hoả nhập ma, áp dụng nhầm công thức này cho bài nọ.

Thứ hai, tốc độ làm bài kiểm tra, bài thi của các em sẽ bị chậm vì không quen với việc giải bài tập. Nhiều khi hết giờ làm bài mà mình lại còn chưa làm xong dù biết cách làm. Như vậy sẽ rất uổng luôn.

Thứ 3, bài tập là cách để mình ứng dụng kiến thức vào thực tế, nếu lười làm bài tập (đặc biệt là các bài tập về tình huống) thì kiến thức mãi chỉ là kiến thức suông, sau này đi làm các em sẽ khó lòng áp dụng được kiến thức đã học vào thực tế, từ đó, sẽ mất nhiều thời gian để loay hoay với các công việc được giao, gây ấn tượng xấu với cấp trên ngay từ những ngày làm việc đầu tiên. Đây là ý anh mở rộng thêm để các em thấy được tầm quan trọng của việc làm bài tập, chứ nó không liên quan đến kết quả học tập của các em.

Này, mở sách vở ra và làm bài tập ngay thôi!

>> Đừng để sắp tốt nghiệp lại hối tiếc vì 4 năm đại học không cố gắng

5. Phụ thuộc vào bạn cùng nhóm

Không hiểu bài thì hỏi bạn, không làm bài được thì chờ bạn nhắc, thuyết trình hay làm bài tập nhóm thì có bạn “gánh team”,… nhưng như vậy thì mình đi học để làm gì? Nếu bị phụ thuộc vào bạn khác như vậy thì làm sao mình tiến bộ được. Học là để tiếp thu kiến thức cho mình mà. Các em đừng để mình mắc phải thói quen xấu này nha.

Hơn nữa, bạn đâu có lúc nào cũng giúp mình được. Bạn cũng cần thời gian để học, đâu dư thời gian mà cứ giảng bài lại cho mình. Bạn cũng chật vật học bài để làm kiểm tra, giờ phải chỉ bài cho mình thì có bất cong không? Bạn “gánh team” khi làm bài tập nhóm thì bạn có nhiều kiến thức để làm tốt bài thi, còn mình chẳng có kiến thức gì thì tới lúc đi thi ai “gánh” cho mình? Chính vì thế, các em hãy tự lực cánh sinh ngay từ hôm nay nhé. Học nhóm thì tốt, nhưng nhớ đừng quá phụ thuộc vào bạn cùng nhóm nha.

Cùng đếm lại xem mình đang lỡ có bao nhiêu thói quen trong 5 thói quen xấu ở trên nha. Nếu mình đang có 1 trong những thói quen này thì nên bỏ ngay thôi. Anh tin rằng điều đó sẽ giúp các em học tốt và tiến bộ rõ rệt trong kết quả học tập.

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe https://bit.ly/TTVD-HoiDap


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích