Chắc hẳn bạn đã nhiều lần nghe tới trường hợp ứng viên bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, có những hành vi, lời nói thiểu chuẩn mực, khiến người phỏng vấn thấy không có thiện cảm. Có bao giờ bạn nghĩ tới trường hợp ngược lại chưa, rằng ứng viên rất lịch sự, cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói, tác phong, nhưng nhà tuyển dụng thì lại xuề xoà, thiếu chuyên nghiệp, có thái độ kỳ cục khiến bạn cảm thấy ngỡ ngàng, ngơ ngác, bật ngửa. Vậy đi phỏng vấn mà không có thiện cảm với nhà tuyển dụng thì phải làm sao? Hãy cùng giải đáp trong bài viết này nhé!
>> Phỏng vấn online có khó không, làm sao để trúng tuyển?
Vì sao ứng viên không có thiện cảm với nhà tuyển dụng?
Trước khi giải đáp vấn đề đi phỏng vấn mà không có thiện cảm với nhà tuyển dụng, thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem vì sao ứng viên lại không có thiện cảm, lại thấy có gì đó sai sai khi đối diện với những người được gọi là “nhà tuyển dụng”. Thông thường, đa số chúng ta sẽ hơi rén khi đối diện với buổi phỏng vấn, khi gặp mặt trực tiếp nhà tuyển dụng khó tính, tức là cho dù họ có thể hiện sự lạnh lùng, khó tính, hỏi xoáy quá nhiều, thì mình cũng ráng nương theo, trả lời một cách mềm mỏng, khéo léo, giữ thái độ bình tĩnh, thân thiện. Tuy nhiên, nếu tự dưng bạn gặp phải một nhà tuyển dụng khác thường, không giống những người mình đã từng gặp trước đây, chẳng hạn như tính cách hống hách, trịnh thượng, nói chuyện kiểu bề trên, xem thường người khác, hoặc vô tình bạn chứng kiến người đó quát mắng nhân viên lớn tiếng, bằng những từ ngữ thô tục, chẳng khác gì đang chửi con cái trong nhà, thì bạn sẽ có một góc nhìn khác, sẽ không có thiện cảm với người ấy.
Hoặc cũng có thể bạn thấy những điểm xuề xoà, thiếu chỉn chu, thiếu chuyên nghiệp từ phía nhà tuyển dụng, khiến bạn cảm thấy ngán ngẩm, và không có thiện cảm luôn. Chẳng hạn như hẹn sai giờ, hẹn phỏng vấn nhầm địa điểm, hoặc bạn tới đúng giờ hẹn nhưng lại phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ, hoặc phòng phỏng vấn quá bừa bộn, đồ đạc vứt lung tung, thiếu tôn trọng ứng viên, hoặc thậm chí còn có trường hợp treo đầu dê, bán thịt chó, đăng thông tin tuyển dụng vị trí này, nhưng tới khi đi phỏng vấn lại lùa gà, đẩy bạn sang vị trí khác không liên quan, với mức lương cũng thấp hơn so với tin tuyển dụng, và bạn thấy nhà tuyển dụng hoàn toàn tỉnh bơ khi làm điều này…
Nhà tuyển dụng đang khó tính, khắt khe, hay thật sự kỳ cục?
Bên cạnh các lý do cụ thể nêu trên, trong thực tế, chuyện ứng viên không có thiện cảm với nhà tuyển dụng có thể đến từ những nguyên nhân khác nữa, hoặc có khi cũng chỉ đơn giản là cảm xúc thoáng qua, cảm thấy không hợp, có gì đó sai sai, không có thiện cảm khi giao tiếp, nói chuyện với nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng đây là cơ hội việc làm của mình, bạn đã tìm kiếm công việc, đọc kỹ mô tả công việc, thấy hứng thú, phù hợp thì mới nộp CV apply, nên bạn cần phải đảm bảo sự khách quan, không để cảm tính xen vào, khiến mình đánh giá sai về nhà tuyển dụng, rồi tự tước đi cơ hội việc làm của mình. Bạn cần cân nhắc lại thật kỹ xem liệu nhà tuyển dụng chỉ đang quá khó tính, khắt khe, yêu cầu cao, đòi hỏi nhiều ở ứng viên, khiến bạn thấy quá áp lực, hay thật sự họ là một người kỳ cục, khiến bạn không có thiện cảm?
Nếu chỉ đơn thuần là nhà tuyển dụng quá khó tính, thì bạn cần phải vượt qua được điều đó, chính sự khó tính, khắt khe đó có thể sẽ giúp bạn học hỏi, tiến bộ và phát triển bản thân nhiều hơn khi làm việc trong công ty đó. Còn nếu thật sự nhà tuyển dụng khá kỳ cục, với những lý do rõ rành rành như chúng ta đã liệt kê ở phần trước, thì lúc này bạn cần phải có hướng xử lý thoả đáng, tránh trường hợp mất bình tĩnh, có những hành vi không chuẩn mực, thiếu chuyên nghiệp, gây mất hình tượng của bản thân. Vậy không có thiện cảm với nhà tuyển dụng thì phải làm sao?
>> Cách trả lời 5 câu hỏi phỏng vấn hóc búa thường gặp khi ứng tuyển
Không có thiện cảm với nhà tuyển dụng thì phải làm sao?
Trong buổi phỏng vấn, những vấn đề khiến bạn thấy khó chịu, không thoải mái, không có thiện cảm với nhà tuyển dụng có thể sẽ khiến bạn bị phân tâm, mất tập trung, thậm chí còn có những luồng suy nghĩ tiêu cực, có thể dẫn tới những hành vi và thái độ không phù hợp. Bạn không nên để những điều tiêu cực đó bộc phát, mặc dù bạn đang không có thiện cảm, nhưng ít nhiều gì thì đây cũng là buổi phỏng vấn, người ta đang là nhà tuyển dụng, và họ có quyền hỏi, có quyền đánh giá mình. Cho dù bạn không còn hào hứng, không còn nhu cầu làm việc tại đây, xác định luôn là không muốn gặp lại họ trong tương lai, thì bạn cũng không nên tỏ thái độ khó chịu, bực bội ra mặt, vì như thế thì bạn cũng sẽ tự làm xấu hình tượng của mình, biến mình trở thành một ứng viên bỗ bã, vô duyên, thiếu chuyên nghiệp.
Thay vào đó, bạn cần phải duy trì thái độ bình tĩnh, lịch sự xuyên suốt, cho tới khi kết thúc buổi phỏng vấn. Hãy tập trung vào chuyện mình đang đi phỏng vấn, người ta hỏi gì thì mình cứ trả lời một cách thoải mái, tự nhiên, có gì nói đó, như một buổi phỏng vấn bình thường. Hãy luôn tự nhủ trong đầu rằng mình phải chuyên nghiệp, cho dù trước mắt bạn đang là một người kỳ cục, chẳng có thiện cảm chút nào, nhưng bạn vẫn phải chuyên nghiệp, đó là một tinh thần mà bạn luôn phải nhớ dù trong bất kỳ tình huống nào, chứ không chỉ riêng gì buổi phỏng vấn này. Tới khi kết thúc phỏng vấn, đi về nhà, lúc này bạn có thể gạt bỏ những điều tiêu cực kia sang một bên, quên công ty đó đi, rồi vô tư apply những công việc khác, chỉ thế thôi, đừng bận tâm nhiều chi cho mệt, cứ đơn giản vậy cho khoẻ.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng đi phỏng vấn mà không có thiện cảm với nhà tuyển dụng thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Phỏng vấn xin việc xong bao lâu sẽ có kết quả?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.