Gợi Ý Trả Lời 3 Câu Hỏi Phỏng Vấn Thực Tập Sinh Phổ Biến Nhất

Dù muốn hay không thì tất cả sinh viên đều phải trải qua một kỳ thực tập đầy thử thách trước khi ra trường. Đây cũng chính là cơ hội để các em học hỏi được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hữu ích, đồng thời, cũng là lúc các em vận dụng những kiến thức đã học tập trên trường vào thực tế. Anh biết nhiều bạn sinh viên rất lo lắng, vì chưa từng đi phỏng vấn bao giờ, tất nhiên cũng chưa từng làm việc trong môi trường công sở. Lần đầu tiên phải viết CV, lần đầu tiên đi phỏng vấn, chắc chắn không khỏi bỡ ngỡ, run đến mức chẳng biết nói gì hoặc đưa ra câu trả lời không đủ thuyết phục trong buổi phỏng vấn, rồi vô tình đánh mất cơ hội thực tập mà đáng lẽ ra mình hoàn toàn có thể đạt được. Vậy để các em tự tin hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng và đạt kết quả phỏng vấn tốt nhất, anh sẽ gợi ý cách trả lời 3 câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh phổ biến nhất nhé.

>> Bí quyết tìm chỗ thực tập để làm khoá luận tốt nghiệp

1. Câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh phổ biến nhất: “Lý do em lựa chọn ứng tuyển vị trí này?”

Đây không đơn thuần là câu hỏi cho thực tập sinh, mà còn là câu hỏi tuyển dụng nhân viên mà hầu hết công ty sẽ đặt ra với ứng viên, thậm chí còn là câu hỏi đầu tiên trong buổi phỏng vấn nữa cơ. Vì thế, để tạo nên ấn tượng đầu tiên thật tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng, thì chắc chắn các em cần hiểu thật rõ câu hỏi và có sự chuẩn bị chu đáo, trả lời đủ các ý cần thiết.

Khi đặt ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn đánh giá xem sinh viên đã thực sự tìm hiểu rõ về công ty, về vị trí ứng tuyển hay chưa. Họ đặc biệt không thích những ứng viên rải đơn hàng chục công ty mà chưa tìm hiểu gì cả.

Vì thế, trong câu trả lời của mình, các em cần phải nêu ra rằng mình đã tìm hiểu rõ về công ty, biết công ty đang làm trong lĩnh vực gì, quy mô thế nào, có bao nhiêu chi nhánh, sản phẩm/dịch vụ mà công ty đang cung cấp là gì,… Tiếp theo, các em cần thể hiện cho nhà tuyển dụng biết rằng mình đã tìm hiểu kỹ về vị trí mà mình ứng tuyển, biết vị trí này yêu cầu kiến thức, kỹ năng gì, biết công việc sau này mình sẽ làm khi được nhận vào thực tập là gì. Trả lời tới đây thì các em sẽ được đánh giá ở mức khá.

Nếu muốn được nhà tuyển dụng đánh giá ở mức tốt hay xuất sắc thì các em cần chia sẻ về định hướng nghề nghiệp trong tương lai của mình, thể hiện rằng mình muốn gắn bó với nghề này, muốn gắn bó lâu dài với công ty chứ không phải đây chỉ là một cuộc dạo chơi kéo dài 3 tháng trong kỳ thực tập.

>> 10 câu hỏi về kỹ năng xử lý tình huống phổ biến nhất khi phỏng vấn

2. Vì sao công ty nên lựa chọn em cho vị trí thực tập này?

Đây là lúc các em thể hiện bản lĩnh của mình. Nhà tuyển dụng muốn các em tự đánh giá năng lực của bản thân. Tất nhiên họ cũng cần các em hiểu rõ về vị trí mà mình đang muốn thực tập để từ đó sẽ đưa ra được những so sánh xem vì sao mình phù hợp với vị trí ấy.

Trước tiên, các em cần nhắc lại các yêu cầu và mô tả công việc cho vị trí mà mình ứng tuyển. Sau đó, các em sẽ liệt kê những kiến thức, kỹ năng mà mình đang có mà phù hợp với vị trí ấy. Còn về kinh nghiệm thì các em đừng quá lo lắng, nhà tuyển dụng biết rằng họ đang phỏng vấn thực tập sinh nên không đòi hỏi các em phải có nhiều kinh nghiệm đâu. Trả lời đến đây thì các em sẽ được đánh giá ở mức khá.

Nếu muốn được nhà tuyển dụng đánh giá ở mức tốt hay xuất sắc thì các em cần thể hiện và chứng minh cho họ thấy rằng mình là một người có khả năng học hỏi tốt khi được các anh chị đi trước hướng dẫn. Đồng thời, các em cũng cần hình dung trước xem khi được nhận vào thực tập thì mình sẽ đóng góp được gì cho công ty. Đó không cần phải là một điều gì đó to lớn, chỉ cần là những thay đổi nhỏ nhưng hữu ích cho công ty là được. Vì đa số các em khi thực tập sẽ phải làm khoá luận tốt nghiệp, mà mục đích cuối cùng của khoá luận thường sẽ là đưa ra giải pháp để giúp công ty hoạt động tốt hơn nên chắc chắn ít nhiều gì thì cũng sẽ có được những đóng góp hữu ích cho công ty.

>> Những đều nên – không nên khi phỏng vấn

3. Em mong muốn sẽ học hỏi được gì sau kỳ thực tập?

Đây chính là một cách để nhà tuyển dụng kiểm tra lại xem các em có thật sự là một người ham học hỏi hay không. Vì như đoạn trên anh có nói, họ luôn đánh giá cao những sinh viên có khả năng học hỏi tốt. Họ sẽ đặc biệt không hài lòng với những sinh viên chỉ đi thực tập theo quy định, yêu cầu của trường rằng phải đi thực tập để làm khoá luận tốt nghiệp, để được ra trường.

Để trả lời câu hỏi này, các em phải thể hiện được mình là một người có mục tiêu, mục đích rõ ràng khi quyết định đi thực tập. Đó có thể là vì các em muốn được trải nghiệm công việc thực tế, muốn học hỏi thêm nhiều kỹ năng và kiến thức mà trên trường không dạy, muốn được ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Trả lời đến đây thì các em sẽ được đánh giá ở mức khá.

Nếu muốn được nhà tuyển dụng đánh giá ở mức tốt hay xuất sắc thì các em cần có câu trả lời cụ thể hơn, rằng mình muốn được học hỏi những điều cụ thể gì, những kiến thức gì, những kỹ năng nào,…

Tổng kết

Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong tương lai, khi phỏng vấn vị trí thực tập sinh nhe. Hãy cố gắng tìm cho mình một công việc thực tập thật tốt và chuẩn bị thật kỹ lưỡng để nhận được cái gật đầu đồng ý từ nhà tuyển dụng nha.

À các em đừng quên rằng đây chỉ là gợi ý thôi, tuỳ mỗi người sẽ có những phiên bản khác nhau, chẳng ai giống ai cả. Các em hãy chọn lọc những gì mình thật sự có để trả lời nhà tuyển dụng, chứ đừng vẽ ra một câu trả lời hoàn hảo nhưng lại không đúng với bản thân mình nha. Đấy không phải là yêu mình đâu, mà đấy là ghét mình rồi. Vì lỡ được nhận vào thực tập mà các em thể hiện không đúng như đã nói trong buổi phỏng vấn thì công ty hoàn toàn có thể loại các em, không để các em tiếp tục thực tập vì năng lực chưa đủ và còn vì mình không trung thực nữa đấy.

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý

Đừng Chê Bai Nhân Viên Mới, Hãy Giúp Đỡ Họ