Học hành sa sút là điều không sinh viên nào mong muốn, chẳng ai muốn mình bị gán mác là học dở, học tệ, học hành sa sút, chểnh mảng,… Hầu như tất cả sinh viên đại học đều ý thức được rằng mình cần phải cố gắng chăm chỉ, tập trung và nghiêm túc học hành, như thế thì mới có thể vững vàng kiến thức, đạt điểm tốt và đạt xếp loại tốt nghiệp cao, mở rộng cơ hội việc làm khi ra trường đi làm sau này. Tuy nhiên, một số sinh viên dù có cố gắng học tập, nhưng lại ngày càng học hành sa sút vì đang mắc phải 4 hiểu lầm tai hại này:
>> Điểm thấp có phải do mình bất tài, vô dụng, kém thông minh?
1. Học hành sa sút vì không đọc thêm tài liệu
Hiểu lầm đầu tiên và cũng khá phổ biến ở một bộ phận sinh viên, đó chính là cho rằng chỉ cần tập trung nghe giảng trên lớp, rồi về nhà chăm chỉ làm bài tập là đủ, không cần đọc thêm tài liệu bên ngoài. Đây chính là một hiểu lầm cực kỳ tai hại, và là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả học hành sa sút của sinh viên đại học. Đồng ý rằng khi tập trung nghe giảng, chăm chỉ làm bài tập thì các em đã nắm chắc được khoảng 70% kiến thức môn học, nhưng lỡ đâu đề kiểm tra, đề thi lại rơi vào 30% còn lại thì sao? Chưa kể việc nghe giảng trên lớp nhiều khi cũng có những chủ điểm kiến thức mình chưa hiểu, chưa rõ, nếu không chủ động tìm hiểu, đọc thêm tài liệu nâng cao bên ngoài, thì các em sẽ bị mơ hồ kiến thức, thậm chí có thể hiểu sai lệch kiến thức môn học, gây ảnh hưởng liên đới tới các nội dung kiến thức liên quan sau này. Hiểu lầm này càng kéo dài, thì sinh viên sẽ càng có nhiều lỗ hổng về kiến thức, dẫn tới kết quả học hành sa sút.
2. Học hành sa sút vì học nhóm không đúng cách
Học nhóm là một trong những phương pháp được đông đảo sinh viên lựa chọn, vì nó tận dụng lợi thế của số đông, tức là khi học chung với nhiều bạn khác, thì các em sẽ phát hiện được nhiều lỗi sai thường gặp, hoặc nhiều điểm kiến thức quan trọng cần lưu ý, từ đó, cả nhóm sẽ tiếp thu được kiến thức môn học toàn diện hơn. Ngoài ra, khi có bất kỳ điểm nào chưa rõ, chưa hiểu trong nội dung bài học, thì các em cũng sẽ được những bạn khác giải đáp. Bên cạnh đó, việc học nhóm cũng tạo không khí học tập vui vẻ, hào hứng, tạo động lực để sinh viên chăm chỉ hơn, lỡ mà có lười biếng thì cũng bị tụi bạn trong nhóm rủ rê đi học, thì làm sao mà trốn được. Tuy nhiên, nếu học nhóm không đúng cách thì cũng có thể khiến sinh viên học hành sa sút, chẳng hạn như đi học nhóm nhưng lại chưa tập trung, chưa đủ nghiêm túc, ngồi học được một tí lại lo tám chuyện, ăn uống, bấm điện thoại, săn sale,… như vậy thì giống như họp mặt bạn bè, rủ nhau vô quán uống nước, tán gẫu, chứ chẳng thể gọi là học nhóm được. Tự dưng thấy mình cũng chăm chỉ, tuần nào cũng học nhóm 3-4 lần, nhưng thực chất những buổi đó lại không hề chất lượng, chẳng học hỏi, tiếp thu được kiến thức gì, mà chỉ thấy mất thời gian vô ích.
>> Tranh cãi nảy lửa khi học nhóm thì giải quyết thế nào?
3. Học hành sa sút vì sinh viên không quan trọng điểm số
Chính việc hiểu lầm rằng không nên quan trọng điểm số nên đã khiến nhiều sinh viên học hành sa sút. Đồng ý rằng đi học thì chuyện nắm vững kiến thức quan trọng hơn chuyện điểm số, tức là sinh viên không nên mắc bệnh thành tích, chạy theo điểm số một cách bất chấp, để được những con điểm cao, hào nhoáng, nhưng thực chất mình lại chưa vững kiến thức, nhất là các môn chuyên ngành liên quan tới công việc sau này. Tuy nhiên, nếu đi học mà không quan trọng điểm số, thấy mình bị điểm thấp, điểm kém cũng mặc kệ, không sợ, không lo lắng gì, thì nó sẽ khiến các em bị mất đi động lực học tập, sẽ không còn nỗ lực, cố gắng phấn đấu để đạt kết quả học tập tốt hơn trong tương lai, mà chỉ khăng khăng bám lấy lý do rằng “điểm số không quan trọng” để lấp liếm cho sự thiếu cố gắng trong học tập của mình. Về lâu dài, chính điều này sẽ khiến sinh viên ngày càng học hành sa sút, thậm chí vừa bị điểm kém, vừa chẳng nắm vững kiến thức.
4. Học hành sa sút vì lười giải đề, cho rằng vững kiến thức là được
Một hiểu lầm cũng khá phổ biến khiến sinh viên học hành sa sút, đó chính là lười giải đề, cho rằng mình nắm vững kiến thức là được, chỉ cần hiểu bài, thuộc bài thì vào phòng thi sẽ tuỳ cơ ứng biến, chắc chắn sẽ làm được bài, đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, chính sự chủ quan đó đã khiến không ít sinh viên phải hối hận, bị điểm kém, chỉ vì những lỗi sai không đáng có do mình chưa quen với cấu trúc đề thi và cách giải đề. Rồi sau đó, các em lại ước rằng giá như mình chăm chỉ giải đề hơn thì sẽ đạt kết quả tốt hơn, đã quá muộn màng. Trăm hay không bằng tay quen, đồng ý rằng việc nắm vững kiến thức sẽ giúp sinh viên tự tin bước vào phòng thi và chấp hết mọi thể loại kiến thức, tuy nhiên, thi cử nó cũng có nhiều yếu tố tác động, nếu chỉ vững kiến thức nhưng lạ lẫm với cấu trúc đề thi, dẫn tới một số sai sót, hoặc chưa quen giải đề khiến mình làm bài chậm, không đủ thời gian, hết giờ nhưng vẫn chưa làm xong, thì sinh viên sẽ ngày càng học hành sa sút, đạt kết quả kém. Đây sẽ là điều cực kỳ đáng tiếc, chẳng sinh viên nào mong muốn mình rơi vào trường hợp “học tài thi phận” như thế!\
Trên đây là 4 hiểu lầm tai hại khiến sinh viên ngày càng học hành sa sút. Nếu bản thân các em đang mắc phải một trong những điều này thì hãy nhanh chóng khắc phục, để tránh rơi vào những trường hợp đáng tiếc, khiến sau này mình phải hối hận suốt một thời gian dài. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> 5 lưu ý giúp sinh viên tránh kiệt sức khi ôn thi học kỳ
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.