4 Thách Thức Tiềm Ẩn Khi Sinh Viên Muốn Khởi Nghiệp

Khởi nghiệp là điều không hề dễ dàng, nó thường đi kèm với rất nhiều thách thức, người đã ra trường đi làm, đã có kinh nghiệm, trải nghiệm, có nhiều va chạm trong cuộc sống vẫn có thể thất bại khi khởi nghiệp, chứ huống chi các em chỉ đang là sinh viên, còn đang trong độ tuổi ăn học, chưa có nhiều trải nghiệm trong việc vận hành, kinh doanh, xử lý tình huống, quản lý ngân sách,… Dưới đây là 4 thách thức tiềm ẩn khi sinh viên muốn khởi nghiệp, không phải để doạ cho các em sợ, mà để các em biết & lưu ý, để có thể khởi nghiệp tốt hơn sau khi đã cân nhắc kỹ:

>> Sinh viên nên khởi nghiệp hay đi làm thêm?

1. Khởi nghiệp: Thực tế không như mình nghĩ

Sinh viên khi còn đang đi học, các em thường sẽ có nhiều ý tưởng này kia, cho rằng thực tế cũng sẽ như mình nghĩ, chuyện khởi nghiệp kinh doanh cũng giống như khi mình làm các bài thuyết trình, tiểu luận trên trường, nhất là với các bạn bên khối ngành kinh tế, thường xuyên làm các dự án kinh doanh trong những môn học liên quan, thấy bài làm của mình được thầy cô khen, chấm điểm tốt, thì cũng tự cho rằng nếu lấy ý tưởng, lấy nội dung đó áp dụng vào thực tế để khởi nghiệp thì sẽ thành công.

Tuy nhiên, đó là một quan điểm chưa chính xác, khi bắt đầu khởi nghiệp thì sinh viên sẽ thấy rằng đây là 1 thách thức lớn mà mình phải đối mặt, đó là thực tế không đơn giản như mình nghĩ, tự nhiên có nhiều yếu tố này kia tác động vào nữa, chẳng hạn như phát sinh thêm vấn đề này kia, chi phí này kia, trục trặc này kia, những điều mà trong plan, trên bản kế hoạch khởi nghiệp của mình không có, không nghĩ tới, nhưng bây giờ vào thực tế sẽ có.

2. Kiếm tiền không dễ như sinh viên tưởng

Kiếm tiền nếu dễ thì ai cũng giàu hết rồi, nếu khởi nghiệp dễ kiếm lời thì ai cũng làm chủ hết rồi. Sinh viên hãy ghi nhớ điều này để hình dung được rõ hơn về thách thức tiếp theo mà mình sẽ phải đối mặt khi khởi nghiệp, đó là khi bắt đầu vào hành trình kinh doanh khởi nghiệp, với mong muốn kiếm tiền, kiếm lời, thì chuyện đó sẽ không dễ như các em vẫn tưởng.

Trên lý thuyết mình có thể tính rằng 1 sản phẩm đó giá vốn bao nhiêu, bán bao nhiêu, lời bao nhiêu, rồi mỗi ngày bán được 20-30 sản phẩm lời bao nhiêu, nhân lên mỗi tháng sẽ thu về bao nhiêu. Đó là lý thuyết, chứ thực tế sẽ có nhiều điều phức tạp hơn tác động vào, chẳng hạn như có thêm chi phí phát sinh này kia, đẩy giá vốn sản phẩm lên, hoặc quảng bá chưa tốt, tốn tiền PR, marketing mà số lượng bán được mỗi ngày không như kỳ vọng, bây giờ đẩy thêm ngân sách marketing thì lại khó lời, mà tăng giá bán lên thì cũng khó cạnh tranh với các đối thủ, các sản phẩm thay thế khác, chưa kể tới vấn đề chất lượng sản phẩm, ví dụ như bán đồ ăn, đồ uống, thì liệu nó có đảm bảo chất lượng, có đủ ngon, hấp dẫn để người ta dùng 1 lần thấy thích rồi quay lại mua thêm không, hay dùng xong thấy không thích, không ngon rồi đi luôn, thậm chí còn chê bai, tiếng xấu đồn xa, mấy ngày sau cứ càng lúc lượng khách càng ít đi?

>> Càng nhiều mối quan hệ càng khởi nghiệp thành công?

3. Lơ là việc học khi sinh viên mải mê khởi nghiệp

Ở trên là các thách thức về chuyện khởi nghiệp để sinh viên thấy rằng để khởi nghiệp thành công là điều không hề dễ dàng, không đơn giản như mình nghĩ, kiếm tiền không dễ như mình tưởng, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tự lường trước được nhiều tình huống phát sinh để vạch trước phương án xử lý, thì sinh viên sẽ dễ bị rối, bị loạng choạng và khởi nghiệp thất bại.

Còn nếu sau khi điểm qua 2 thách thức này, các em có cách xử lý khéo léo, có phương án cụ thể, khả thi, thì vẫn có khả năng khởi nghiệp thành công, có thể lời nhiều hoặc ít, nhưng miễn sao có lời thì tự dưng sinh viên cũng sẽ hào hứng hơn, có động lực & muốn dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn cho dự án kinh doanh của mình. Và khi đó, thách thức tiếp theo sẽ xuất hiện, chính là sinh viên mải mê khởi nghiệp nên lơ là việc học, để kết quả học tập sa sút, bị điểm kém, không nắm vững kiến thức. Hãy nhớ rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là học tập, cho dù có đam mê khởi nghiệp, đang gặp nhiều thuận lợi khi khởi nghiệp, thì các em cũng nên cân bằng thời gian, dành đủ thời gian để học bài, ôn bài, chứ để kết quả học tập tệ quá thì nhiều khi phụ huynh cũng sẽ ngăn cấm, không cho phép khởi nghiệp nữa.

4. Kiệt sức khi không có thời gian nghỉ ngơi

Cho dù cân bằng thời gian hợp lý, dành đủ thời gian để tập trung học, và cũng có thời gian để quan tâm, điều hành dự án khởi nghiệp của mình, thì sinh viên vẫn có khả năng phải đối diện với thách thức tiếp theo, đó chính là bị đuối, bị kiệt sức, khi lúc nào cũng xoay quanh chuyện học hành, làm việc, quần quật ngày nào cũng thế, thì sức nào mà chịu nổi, nếu sức khoẻ không ổn, hoặc thể trạng các em yếu, dễ bị bệnh này kia, thì khi khởi nghiệp hoàn toàn có thể đối mặt với chuyện bị kiệt sức. Nếu được thì sinh viên hãy thực hiện kế hoạch khởi nghiệp cùng với 1-2 người bạn nữa, để có thể cùng share việc với nhau, đảm bảo ai cũng có thời gian nghỉ ngơi, ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, thì sẽ hạn chế được rủi ro bị kiệt sức.

Bài viết này đã điểm qua 4 thách thức tiềm ẩn khi sinh viên muốn khởi nghiệp để các em hình dung rõ về chuyện khởi nghiệp và lưu ý trước từ đầu, giúp tăng khả năng khởi nghiệp thành công, tránh bị gặp trục trặc giữa chừng. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Tân Sinh Viên Thấy Mình Học Kém Thì Phải Làm Sao?

Học Song Ngành & Văn Bằng 2 Khác Nhau Thế Nào?

Sinh Viên Thuê Trọ Ở Ghép & Cách Chọn Bạn Cùng Phòng