Khi mới ra trường đi làm, sẽ có rất nhiều điều khác biệt, khó khăn & áp lực hơn so với khi sinh viên còn đang đi học ở trường. Mặc dù khi đi học cũng có áp lực, nhưng nó sẽ chưa là gì so với các áp lực & trách nhiệm mà mình phải gánh vác khi đi làm, chưa kể tới nhiều vấn đề tác động khác như deadline, chất lượng, kết quả làm việc,… Nếu mới ra trường đi làm, các em nên xem qua bí quyết sinh tồn trong 1 năm làm việc đầu tiên nhé!
Cách kết thân & giao tiếp với anh chị đồng nghiệp
Khi đi học, xung quanh mình là bạn bè đồng trang lứa, bằng tuổi thì làm quen cũng dễ và giao tiếp thoải mái hơn. Cho dù sinh viên cũng sẽ có lúc tiếp xúc, giao tiếp với anh chị khoá trên, nhưng chung quy thì cũng trạc tuổi mình, chứ không có khoảng cách thế hệ gì quá nhiều. Tuy nhiên, khi đi làm sẽ khác, trong công ty sẽ có đa dạng lứa tuổi, cũng có các anh chị hơn mình 1-2 tuổi thôi, nhưng vẫn có các anh chị đi làm lâu năm, hơn mình cả 10-20 tuổi, khiến sinh viên mới ra trường đi làm cũng bị khớp, bị sượng, không biết nên làm quen, giao tiếp thế nào với các anh chị ấy, hay là cứ giữ khoảng cách kiểu dạ vâng, khách sáo cho đảm bảo tính lễ phép, đây là băn khoăn khá phổ biến của nhiều bạn trong 1 năm làm việc đầu tiên.
Và mấu chốt nằm ở chỗ mình vẫn làm quen, giao tiếp các chủ đề phù hợp, liên quan tới công việc, tới các sở thích cơ bản như ăn uống, thời tiết, thói quen tốt,… chứ cũng không nhất thiết phải nói tới những chủ đề quá riêng tư, cá nhân khi mình cũng là người mới, chưa đủ thân, hoặc ít nhiều cũng đang có khoảng cách về độ tuổi. Nếu muốn an toàn nhất thì các em cứ nói chuyện về công việc, về chuyên môn, nghiệp vụ, kiểu như mình là người ham học hỏi, mình thấy anh chị ấy giỏi/nhiều kinh nghiệm nên rất muốn được học hỏi từ anh chị ấy, thì đương nhiên họ cũng thấy vui và thoải mái chia sẻ nhiều điều về chuyên môn cho mình.
Bí quyết xử lý khi mới đi làm bị ma cũ bắt nạt
Mặc dù không phải công ty nào cũng gặp, nhưng biết đâu được, khi mới ra trường đi làm, các em cũng có thể rơi vào cảnh bị ma cũ bắt nạt ma mới, tức là có 1 số anh chị trong công ty đã làm lâu năm, cứ thấy có người mới vào làm trong 1 năm làm việc đầu tiên, thì mặc định sẽ bắt nạt, sai vặt, kêu làm này làm kia giùm mình, nếu nghe lời thì thiệt thòi, tự nhiên rước thêm việc vào thân, còn nếu từ chối thì sẽ bị gây khó dễ, nói ra nói vào, xỉa xói, khiến các em khó lòng tập trung làm xong việc của mình. Vừa mệt mỏi, vừa đau đầu, vậy có bí quyết nào để xử lý trường hợp này không?
Cách tốt nhất là các em hạn chế tiếp xúc với những người đó, trừ các vấn đề liên quan tới công việc, thì còn lại mình sẽ không dính líu. Đồng thời, cứ tập trung học hỏi, làm tốt công việc của mình, khi mình ngày càng quen việc và vững vàng hơn thì cũng chẳng còn là ma mới để người ta bắt nạt nữa.
Bí quyết sinh tồn trước các nhiệm vụ mới làm lần đầu
Khi mới làm việc 1 năm đầu tiên, các em sẽ dễ rơi vào trường hợp gặp những nhiệm vụ mới làm lần đầu, mới được giao chứ chưa từng làm trước đây. Khi đó, nhiều bạn sẽ cảm thấy lúng túng, không biết nên làm thế nào cho tối ưu, sợ mình làm sai, làm chậm hoặc làm được nhưng không đảm bảo chất lượng, không biết có ổn không, mà lỡ làm sai nhiều quá thì cũng mắc công bị sếp chửi, đánh giá này kia.
Ai cũng có “lần đầu làm chuyện ấy”, hồi ở đại học, các em cũng đã làm quen với việc lần đầu thuyết trình, làm tiểu luận, thi vấn đáp,… bây giờ đi làm mình gặp các nhiệm vụ mới thì cũng dần thích nghi tương tự như vậy thôi. Hãy tìm hiểu trên mạng hoặc hỏi các đồng nghiệp xung quanh để được hướng dẫn, rồi tự trình bày trước với sếp về cách mình dự định sẽ làm đối với nhiệm vụ ấy, lúc đó, sếp sẽ nghe và feedback để các em tối ưu cách làm hơn. Sau khi được sếp và các anh chị chỉ bảo, thì đương nhiên khả năng thành công sẽ cao hơn. Có thể lần đầu tiên sẽ chưa thật sự hoàn hảo, chưa tốt như kỳ vọng, nhưng cứ càng làm thì mình sẽ càng quen, càng rút được nhiều kinh nghiệm để tối ưu hơn trong những lần tiếp theo, và đây cũng là cách để chúng ta tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm làm việc đấy, chứ nếu các em cứ sợ, cứ ngại, không dám nhận nhiệm vụ mới thì sẽ giậm chân tại chỗ, đi làm lâu mà chẳng thấy học hỏi hay tiến bộ gì nhiều.
Làm sao học hỏi & tiến bộ nhanh trong năm đầu tiên đi làm?
Bên cạnh chuyện thích nghi với môi trường, giao tiếp với đồng nghiệp, xử lý các nhiệm vụ mới, vượt qua các khó khăn thường gặp trong 1 năm làm việc đầu tiên, thì nhiều bạn cũng quan tâm tới chuyện làm sao để mình học hỏi & tiến bộ nhanh, vì đó cũng là một giải pháp tối ưu để bản thân trở nên vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn để tiếp tục chinh chiến trong các năm làm việc tiếp theo, mình đi làm cũng sương sương mấy chục năm chứ đâu phải chỉ cần trải qua 1 năm đầu là xong.
Để học hỏi & tiến bộ về chuyên môn, kinh nghiệm, thì đương nhiên các em phải dấn thân vào công việc, phải lăn xả, nhiệt huyết, chủ động & chăm chỉ, khi làm bất kỳ công việc gì thì phải đặt cái tâm của mình vào, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, nếu cần thì hãy note lại, ghi chú những điều hay, những điểm mới trong công việc mà mình vừa học được, để sau này nhìn lại cũng sẽ dễ review, check và ôn lại cho vững hơn. Đó là lý thuyết chung, còn thực tế tiến bộ nhiều hay ít, nhanh hay chậm thì còn tuỳ vào mức độ nỗ lực, cố gắng và chuyên tâm làm việc trong 1 năm đầu tiên của mỗi người, dù thời gian cũng là 1 năm như nhau, nhưng ai chuyên tâm hơn, nhiệt huyết hơn thì thành quả gặt hái được sẽ nhiều hơn.
Bài viết này đã điểm qua một số bí quyết sinh tồn trong 1 năm làm việc đầu tiên cho sinh viên mới ra trường tham khảo. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Kiến thức đại học tới khi đi làm sau này có bị lỗi thời không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.