5 Nguyên Nhân Khiến Sinh Viên Dễ Bị Rớt Môn

Rớt môn là nỗi lo lắng của rất nhiều sinh viên, đặc biệt là khi kỳ thi đến gần mà khối lượng kiến thức phải ôn tập quá nhiều. Điều đáng buồn chính là tỷ lệ sinh viên rớt môn ở đại học đang ngày càng tăng cao. Đồng ý rằng qua môn ở đại học là điều không dễ dàng, nhưng vì sao nhiều bạn sinh viên vẫn làm được, mà mình lại không, lại bị rớt môn? Nếu đã & đang liên tục bị rớt môn, đây là hồi chuông cảnh tỉnh để sinh viên sớm thay đổi phương pháp học, tránh mắc phải các nguyên nhân thường gặp khiến các em dễ bị rớt môn!

>> Rớt môn khiến sinh viên bị trễ tốt nghiệp – Thật hay không?

1. Dành quá ít thời gian cho việc học

Nhiều bạn sinh viên hỏi Tự Tin Vào Đời rằng làm sao để kéo kết quả học tập đi lên, để đạt điểm số cao hơn? Để trả lời câu hỏi này, thì mỗi bạn sinh viên cần tự nhìn lại xem liệu mình có dành đủ thời gian cho việc học chưa? Nếu đang dành quá ít thời gian, không đủ để học, ôn bài, thực hành kiến thức, thì sinh viên sẽ khó lòng học tốt, là nguyên nhân khiến các em dễ bị rớt môn. Thông thường, mỗi ngày sinh viên sẽ học trên trường khoảng 4-5 tiếng, về nhà các em nên tự ôn bài, làm bài tập hoặc học nhóm cùng bạn bè khoảng 2-3 tiếng, tổng khoảng 6-8 tiếng/ngày cho việc học.

Bạn nào đang dành ít thời gian hơn con số này thì nên cân nhắc lại, giảm bớt thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí, cân chỉnh lại thời gian đi làm thêm cho hợp lý hơn, tránh để chúng ảnh hưởng không tốt tới kết quả học tập của mình.

2. Nguyên nhân rớt môn: Lười học, thiếu động lực

Lười học, thấy sách vở là buồn ngủ, nghe giảng viên giảng bài cũng thấy buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài. Đó là vì các em đang để sự lười biếng lấn át, là hệ quả của việc thiếu động lực học tập, cứ nghĩ tới việc học là thấy chán, thì làm sao mà học tốt, và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên dễ bị rớt môn.

Lười biếng vừa kéo kết quả học tập đi xuống, vừa khiến sinh viên bị đánh giá không tốt, khiến hình tượng của mình bị xấu đi trong mắt mọi người xung quanh. Đừng để điều tiêu cực ấy kéo dài, các em hãy củng cố động lực học tập bằng cách nghĩ tới các lợi ích trong tương lai khi mình học tốt, nắm vững kiến thức, chẳng hạn như sẽ có công việc tốt, lương cao,… từ đó, sinh viên sẽ có động lực để chăm chỉ & cố gắng học hơn.

3. Không tập trung nghe giảng, không hiểu bài

Không tập trung nghe giảng là nguyên nhân chính khiến sinh viên không hiểu bài, không nắm kiến thức, cảm thấy càng học càng khô khan, khó hiểu, dễ bị điểm kém và có khả năng sẽ bị rớt môn. Nếu không muốn một loạt hệ quả tiêu cực ấy xảy ra với mình, thì sinh viên hãy bắt đầu thay đổi, từ 1 việc cực kỳ đơn giản chính là vào lớp hãy tập trung lắng nghe giảng, không lo ra, không làm việc riêng, bấm điện thoại, tám chuyện hay ngủ trong lớp.

Để tăng thêm sự tỉnh táo, sinh viên có thể uống 1 ly cafe trước buổi học, tập ngủ sớm để không bị ngái ngủ vào buổi học sáng hôm sau. Chỉ tầm 2-3 tháng áp dụng phương pháp này, khả năng rất cao rằng sinh viên sẽ cải thiện được kết quả học, tăng khoảng 20-30% điểm số so với hiện tại.

4. Rớt môn vì chưa hiểu rõ yêu cầu môn học

Một số sinh viên rơi vào trạng thái thấy mình cũng chăm chỉ, cố gắng học, nhưng cuối cùng kết quả lại không tốt, thậm chí còn bị rớt môn một cách đáng tiếc. Đó là vì sinh viên chưa hiểu rõ yêu cầu môn học, nhất là vào bài thi cuối kỳ, giản viên đã đưa ra trước một số tiêu chí, khoanh vùng phạm vi ôn tập, gợi ý cách ôn bài nhưng do không chú ý lắng nghe, dẫn tới việc học không đúng trọng tâm, làm bài không đạt yêu cầu mà giảng viên đã báo trước, nên cuối cùng lại bị điểm kém.

Hoặc cũng có thể môn học có bài thuyết trình, bài tiểu luận nhưng sinh viên chủ quan, cho rằng chúng không quan trọng nên không chịu phối hợp cùng cả nhóm, tới khi đánh giá mức độ tham gia bị liệt vào loại thấp nhất, thậm chí chỉ được 3-4 điểm vì không đóng góp gì nhiều cho bài làm. Hoặc cũng có thể sinh viên chưa nắm được cách tính điểm trung bình môn học, thay vì tập trung vào các đầu mục chiếm trọng số nhiều, thì lại tập trung vào những mục trọng số ít, và lại lơ là trong các mục có trọng số cao hơn, cuối cùng tổng điểm môn học bị thấp, có rủi ro bị rớt môn.

5. Nguyên nhân rớt môn: Học vẹt, học tủ

Học vẹt, học tủ là 2 cách học cực kỳ nguy hiểm và cũng là nguyên nhân khiến sinh viên dễ bị điểm kém, bị rớt môn. Xác suất trúng tủ hầu như rất thấp, khả năng sinh viên bị tủ đè cực kỳ cao, vậy mà nhiều bạn vẫn lạm dụng việc học tủ, cho dù lỡ may đề thi có ra trúng phần mình đã học thì đó chỉ là một sự may mắn nhất thời, còn trong đầu các em cũng không đọng lại kiến thức gì của môn học, thì cũng chẳng giúp ích gì cho tương lai của mình.

Còn việc học vẹt, học thuộc lòng nhưng chẳng hiểu gì cũng là cách học đối phó, thi xong quên luôn, nhầm lẫn các kiến thức với nhau, thì xem như mất công học cũng chẳng có ích gì, uổng phí công sức, thời gian, tiền bạc, mà còn có nguy cơ bị rớt môn nữa. Nếu bạn nào vẫn còn đang bị lậm 2 cách học tiêu cực này thì hãy bỏ ngay trước khi quá muộn. Bài viết này đã điểm qua 5 nguyên nhân khiến sinh viên dễ bị rớt môn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Cách Duy Trì Động Lực Học Tập Dài Hạn

Cách Thoát Cảm Giác Lạc Lõng Khi Mới Vào Đại Học

Cách Làm Tiểu Luận Điểm Cao Không Sao Chép Ý Tưởng