Không phải tự dưng mà nhiều giáo viên yêu cầu sinh viên phải chia nhóm để thuyết trình về bài học. Kỹ năng thuyết trình thật sự là kỹ năng vô cùng quan trọng, giúp ích rất nhiều cho các em trong công việc sau này nữa đấy.
Khi đi làm, những người có kỹ năng thuyết trình tốt thường sẽ dễ dàng đưa ra quan điểm, sáng kiến trong công việc và thuyết phục cấp trên thực hiện những điều ấy. Tất nhiên, nếu đạt được kết quả tốt thì nhân viên đó sẽ được thưởng nóng, tăng lương hoặc thăng tiến nhanh chóng. Ngược lại, những nhân viên không có kỹ năng thuyết trình sẽ ngại nêu ra quan điểm của mình vì không biết làm thế nào để thuyết trình cho cấp trên và đồng nghiệp hiểu được. Từ đó, gây cản trở lớn cho cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Vậy sinh viên cần lưu ý 5 yếu tố nào để nâng cao kỹ năng thuyết trình của bản thân?
1. Không ngại nói trước đám đông thì mới nâng cao được kỹ năng thuyết trình
Đầu tiên, các em cần gạt bỏ sự ngại ngùng sang một bên. Lúc xưa anh cũng ngại lắm, chẳng nghĩ là một ngày nào đó mình sẽ dám cầm micro để thuyết trình trước lớp đâu. Nhưng anh nhận ra được rằng nếu cứ mãi ngại ngùng, lo sợ như thế thì sau này làm sao đối mặt với các thử thách khó hơn được. Rồi nỗi sợ bị thua kém bạn bè, sau này đi làm lương thấp,… trở nên lớn hơn nỗi sợ nói trước đám đông.
Thế là anh quyết định sẽ phải cố gắng, phải rèn luyện từ từ để không còn ngại nói trước đám đông nữa. Lần đầu tiên sẽ khá khó khăn, nhưng dần dần rồi các em sẽ quen. Một tip nhỏ cho các em đó là khi nào run quá hoặc lỡ quên bài thì hãy dừng lại, im lặng đôi chút chứ đừng nói “à, ờ,…” nhé. Đây cũng chính là điều đầu tien các em cần lưu ý để nâng cao kỹ năng thuyết trình của bản thân.
>> 3 bước gạt bỏ sự ngại ngùng để có kỹ năng giao tiếp tốt
2. Chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung
Một trong những yếu tố quan trọng giúp các em tự tin khi thuyết trình trước đám đông chính là chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung. Tốt nhất các em hãy viết ra toàn bộ bài thuyết trình của mình, phần này sẽ nói câu gì, phần kia sẽ đặt câu hỏi nào cho người nghe,… Hãy cố gắng viết ra một cách chi tiết nhất, dự đoán trước các tình huống, các câu hỏi có thể được giáo viên hoặc các bạn trong lớp đặt ra, và chuẩn bị trước cách ứng xử và trả lời các câu hỏi ấy.
3. Chú ý đến slide thuyết trình
Slide thuyết trình chính là người bạn đồng hành, quyết định không nhỏ đến thành công của buổi thuyết trình. Nó giúp người nghe dễ dàng hình dung và hiểu được nội dung mà các em đang trình bày. Đồng thời, một slide thuyết trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, trình bày đẹp mắt và sử dụng các hiệu ứng phù hợp sẽ tạo thiện cảm rất nhiều cho người xem, giáo viên cũng sẽ đánh giá các em điểm cao hơn nếu có silde thuyết trình đẹp.
Một số lưu ý có thể giúp các em trình bày silde hiệu quả hơn chính là:
- Thống nhất một màu sắc chủ đạo;
- Hãy chọn lọc ý chính, không ghi ra quá nhiều chữ;
- Chèn vào các hình ảnh, biểu đồ, video minh hoạ.
4. Tập dợt kỹ lưỡng để nâng cao kỹ năng thuyết trình
Khi đã chuẩn bị xong nội dung và slide, các em cần phải tập dợt bài thuyết trình và căn chỉnh thời gian cho phù hợp. Thường giáo viên sẽ có giới hạn thời gian, nếu mình lỡ lố giờ thì sẽ bị trừ điểm. Sau này đi làm, các buổi họp để thuyết trình ý tưởng cũng có sự tham gia của rất nhiều người, đặc biệt là cấp lãnh đạo, thời gian của họ rất quý báu nên không thích những nhân viên nào thuyết trình lố thời gian đâu.
Bên cạnh thời lượng, các em cũng cần lưu ý sự ăn khớp của nội dung mà mình nói với slide mình chiếu lên màn hình. Tránh để việc nói một đằng mà slide một nẻo, sẽ gây phản cảm lớn cho người xem, họ sẽ đánh giá là các em thiếu sự chuẩn bị và khi tình huống ấy xảy ra sẽ khiến các em bị khớp, bị run, dễ dẫn đến quên lời hoặc nói sai ý trong phần tiếp theo.
>> 10 câu hỏi về kỹ năng xử lý tình huống phổ biến nhất khi phỏng vấn
5. Tập cách tương tác với người nghe
Bí quyết quan trọng để có một buổi thuyết trình thành công chính là sự tương tác 2 chiều. Nếu chỉ có 1 người nói và mọi người còn lại ngồi nghe thì sẽ thiếu đi sự tương tác, ảnh hưởng không tốt đến sự tiếp thu và nhiều khi còn gây ra nhàm chán.
Hãy chuẩn bị trước các câu hỏi có thể đặt ra để hỏi người nghe xuyên suốt buổi thuyết trình. Nhờ vậy, các em sẽ nắm được rằng người bên dưới có hiểu nội dung mình đang trình bày hay không và khiến họ phải tập trung, chú ý vào phần thuyết trình của các em (họ sẽ sợ lỡ các em đặt câu hỏi mà họ không trả lời được vì mất tập trung thì sẽ gây ấn tượng xấu với những người khác).
Đồng thời, cuối buổi thuyết trình, các em cũng cần để cho người nghe đặt câu hỏi và mình sẽ đích thân trả lời các thắc mắc ấy. Đừng lo sợ, vì nếu các em đã chuẩn bị kỹ thì sẽ trả lời được hết thôi!
—
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các em tự tin hơn và ngày càng nâng cao được kỹ năng thuyết trình của bản thân.
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.