Những ngày qua nhiều bạn hỏi anh về cách rải CV tìm việc sao cho hiệu quả, vì đa số các bạn đều đang rất sốc khi rải CV 20 chỗ thì mới được 1 chỗ gọi đi phỏng vấn. Điều này khiến các em hoang mang, hoài nghi về năng lực của bản thân và dễ dàng đưa ra quyết định sai lầm (rải CV đại, thiếu sự cân nhắc, công ty nào nhận thì mừng rỡ đồng ý ngay dù chưa chắc mình thích và chưa chắc công việc đó phù hợp).
Dưới đây anh sẽ liệt kê ra 7 điều sinh viên cần lưu ý khi lần đầu rải CV tìm việc, từ đó, sẽ giúp các em có được sự lựa chọn phù hợp nhất với mình (công việc phù hợp, công ty phù hợp), đồng thời, các em cũng sẽ gia tăng cơ hội được gọi đi phỏng vấn khi làm theo những điều này.
1. Xác định chính xác công việc mình muốn trước khi rải CV tìm việc
Đừng rải CV tìm việc tràn lan mà thiếu sự cân nhắc. Trước khi rải CV, các em cần xác định chính xác xem mình muốn làm trong lĩnh vực nào (ngành nào). Đây là điều quan trọng nhất. Anh biết có nhiều bạn ra trường rồi mà vẫn chưa xác định được mình muốn làm gì luôn, mà lại suy nghĩ rằng mình cứ trải nghiệm thử, nếu thấy không phù hợp thì đổi việc, còn nếu thấy công việc nào phù hợp thì làm luôn. Như thế sẽ mất thời gian của các em và của cả các công ty nhận các em vào làm.
Vì thế, các em cần xác định ngành mình muốn làm, đó thường sẽ là ngành mà các em theo học ở trường nếu trong quá trình học tập các em thấy mình phù hợp. Hoặc nếu vẫn còn hoang mang thì các em có thể tham khảo lời khuyên từ người thân, thầy cô hoặc các anh chị khoá trên (nên tham khảo nhiều người rồi quyết định chứ không nên chỉ hỏi 1-2 người). Ngoài ra, các em cũng có thể dựa vào mình muốn làm công việc có tính chất như thế nào (tiếp xúc với con người hay không, ngồi văn phòng hay thường đi ngoài đường,…) để có được quyết định đúng đắn.
2. Ưu tiên các công ty gần nhà
Sau khi xác định được chính xác công việc mà mình mong muốn thì bắt tay vào tìm việc ngay thôi. Các em có thể tham khảo các website tìm việc phù hợp nhất với sinh viên mới ra trường. Trên đó có rất nhiều công việc để mình lựa chọn.
Đầu tiên, các em cần lọc theo ngành mà mình muốn theo làm. Sau đó, anh khuyên các em nên ưu tiên lựa chọn các công ty gần nhà trước. Vì thật sự bây giờ có rất nhiều công ty đang tuyển dụng. Trong bán kính 6km xung quanh nơi ở của mình không thiếu công ty đâu. Nên các em cứ yên tâm chọn lựa, đừng vội chọn những nơi quá xa nhà vì đi làm xa nhà sẽ khiến các em mau nản và dễ dàng nghỉ việc. Các em sẽ mất thời gian di chuyển, buổi sáng đi làm kẹt xe, buổi chiều về nhà cũng kẹt xe, mất cả tiếng đồng hồ, chưa kể sẽ tốn xăng và rất mệt mỏi khi phải di chuyển một quãng đường xa để đi làm.
3. Đọc kỹ mô tả công việc trước khi rải CV tìm việc
Khi đã chọn được các công ty gần nhà và đúng ngành mình mong muốn, thì các em cần đọc kỹ mô tả công việc xem nó có đúng với mong muốn của mình không (về các công việc cần làm, môi trường làm việc, các em cũng có thể cân nhắc mức lương nữa).
Sau đó, các em cần nhìn lại bản thân xem liệu mình có đáp ứng được các yêu cầu của công việc đó hay không, nếu được nhận vào làm thì mình có thể hoàn thành tốt công việc hay không,… Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để tăng tỷ lệ được gọi đi phỏng vấn và được nhận vào làm việc. Chứ nếu các em bỏ qua bước này thì sẽ dễ rơi vào tình trạng như anh đề cập ở đầu bài là rải CV 20 chỗ nhưng được có 1 chỗ gọi đi phỏng vấn. Vì nếu thấy CV của các em không phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì công ty đâu có liên lạc với mình.
4. Làm nổi bật CV trước khi rải
Giữa hàng chục CV gửi về để apply cùng một vị trí, chưa kể phòng nhân sự còn phải tuyển một lúc rất nhiều vị trí, nên họ chỉ có thể dành ra một khoảng thời gian ngắn ngủi để lướt xem CV của các em. Vì thế, hãy làm CV của mình trở nên nổi bật bằng thiết kế đẹp mắt, chuyên nghiệp, ngắn gọn (đừng viết CV quá dài, tốt nhất là gói gọn trong 1 trang A4), nêu bật các điểm mạnh của mình về học vấn, kiến thức, kỹ năng, hoạt động ngoại khoá (vì sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nên mình làm nổi bật những cái khác để bù lại).
Còn nếu các em từng có kinh nghiệm làm việc (đi làm part time, thực tập) liên quan đến vị trí mình ứng tuyển thì cứ mạnh dạn ghi vào CV, và lưu ý ghi rõ những thành tích đạt được và những điều mình học được ở các công việc đó.
Các em cũng có thể tham khảo bài viết này để làm nổi bật CV của mình:
>> Xem các CV anh đã sửa cho các bạn sinh viên
>> Những điều nên và không nên khi viết CV
5. Tối ưu CV cho phù hợp với từng công ty
Đây là một điều vô cùng đơn giản, giúp gia tăng tỷ lệ được hẹn phỏng vấn, nhưng nhiều sinh viên mới ra trường thường bỏ qua. Vì mỗi công ty đều có mô tả công việc và yêu cầu tuyển dụng riêng (dù các em ứng tuyển cùng một vị trí), nên các em cần tối ưu CV của mình, thay đổi một tí để làm nổi bật những điều có trong mô tả và yêu cầu công việc của từng công ty. Ngoài ra, nếu rành về thiết kế, các em cũng có thể linh hoạt thay đổi màu chủ đạo của CV cho giống với màu logo của công ty mình ứng tuyển luôn.
Nhờ vậy, khi phòng nhân sự xem CV của các em, họ sẽ dễ dàng thấy các em có nhiều điểm phù hợp với công việc, khi đó, họ sẽ liên hệ các em để mời đi phỏng vấn.
6. Gửi email xin việc thật chuyên nghiệp
Nếu có 1 CV tuyệt vời nhưng email ứng tuyển sơ sài thì chưa chắc nhà tuyển dụng sẽ mở CV của các em ra xem đâu. Khi họ không xem CV thì tất nhiên các em bị loại ngay tại vòng giữ xe rồi. Vì thế, hãy gửi email xin việc thật chuyên nghiệp.
Đầu tiên, trong tiêu đề email, các em nên bao gồm đầy đủ họ tên của mình, vị trí ứng tuyển, công ty ứng tuyển.
Thứ hai, trong nội dung email, các em nên có lời chào, lý do biết đến công việc này, lý do muốn ứng tuyển, mình phù hợp với vị trí ứng tuyển ở những điểm nào, mình sẽ đóng góp được gì cho công ty và không quên thể hiện mong muốn được nhà tuyển dụng sớm phản hồi lại email.
Thứ ba, bên cạnh CV thì các em nên đính kèm thêm cả cover letter nữa. Các em có thể tham khảo bài viết này để hoàn thiện cover letter của mình:
Thứ tư, các em cần lưu ý đặt tên file đính kèm thật chuyên nghiệp, chứ đừng ghi chung chung là “CV” hay “cover letter”. Ví dụ các em có thể đặt tên theo mẫu sau: “Hoàng Khôi – CV ứng tuyển vị trí Content Marketing tại công ty ABC”.
Cuối cùng, trước khi gửi email, các em cần check lại xem mình đã đính kèm file chưa nha, chứ mất công soạn email, chuẩn bị CV và cover letter rồi mà lại quên đính kèm thì toang ngay.
>> Mẫu email xin việc ấn tượng cho sinh viên mới ra trường
7. Thường xuyên check email và điện thoại sau khi rải CV tìm việc
Sau khi rải CV, các em cần thường xuyên kiểm tra email và điện thoại để tránh việc được mời đi phỏng vấn nhưng mình lại không biết, mình bỏ sót hoặc mình phản hồi trễ thì cũng sẽ gây ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng. Nếu thấy số lạ gọi nhỡ thì các em nhớ gọi lại, biết đâu người ta gọi mời mình đi phỏng vấn đó.
—
Rải CV không hề dễ dàng đúng không nào? Nếu đang tìm việc thì các em cứ làm theo các lưu ý trên của anh. Còn nếu mình đang đi học, chưa tìm việc ngay lúc này thì các em cứ lưu lại bài viết này để mai mốt còn xem lại. Chúc các em thành công nha.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.