Người có kỹ năng đàm phán tốt là người quyền lực nhất trong mọi cuộc chơi. Bất kể trong công việc hay đời sống, họ luôn biết cách khiến người khác đồng ý với quan điểm của mình, làm những điều mình mong muốn một cách hoàn toàn thoải mái.
Một nhân viên kinh doanh giỏi đàm phán sẽ luôn mang về doanh thu cao. Một nhân viên quan hệ đối tác có kỹ năng đàm phán tốt sẽ giữ được mối quan hệ tốt đẹp với tất cả đối tác và dễ dàng thương thảo những hợp đồng giá trị. Không chỉ thế, ở bất kỳ ngành nghề nào, nếu các em có khả năng đàm phán khéo léo thì sẽ dễ dàng được đồng nghiệp yêu quý, có tiếng nói trong các cuộc họp, được cấp trên trọng dụng, cơ hội tăng lương và thăng tiến rộng mở.
Để rèn luyện kỹ năng đàm phán, các em cần tuân thủ 7 điều sau:
1. Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đàm phán
Để có kỹ năng đàm phán tốt, các em cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hãy tìm hiểu thật kỹ về đối phương, về mong muốn của họ. Đồng thời, các em cũng cần liệt kê ra những gì mình cần đạt được sau buổi đàm phán. Từ đó, các em sẽ có cơ sở để soạn thảo trước những luận điểm cho cuộc trao đổi của mình. Hơn nữa, nếu không có sự chuẩn bị trước thì các em sẽ dễ bị “đơ” khi đối phương nói về một vấn đề mà mình chưa lường trước.
Một nhân viên kinh doanh sẽ không bao giờ thuyết phục được khách hàng nếu không tìm hiểu kỹ về từng khách hàng, mà chỉ dùng 1 kịch bản nói chuyện chung chung cho tất cả mọi người. Đó là điều tối kỵ khi đàm phán, vì nhu cầu và tính cách mỗi người khác nhau, nếu không có sự chuẩn bị, tìm hiểu đối phương, mà lại đánh đồng mọi người với cùng một kịch bản thì chỉ có thể liên tục bại trận trong các cuộc đàm phán thôi.
2. Lắng nghe để tìm hiểu rõ về đối phương
Lắng nghe là một cách rất tốt để chúng ta hiểu rõ hơn về đối phương, giúp bổ sung thêm nguồn tư liệu mà trong quá trình chuẩn bị ở phía trên chúng ta có thể chưa tìm được. Hãy chú ý kỹ vào từng lời nói của họ, nắm bắt xem họ đang lo lắng điều gì, đang cần gì, quan điểm của họ như thế nào, lý do nào khiến họ có quan điểm như thế,… Tất nhiên, các em cần vừa lắng nghe, vừa gật đầu để thể hiện mình đang có thiện chí, chứ không được nhìn chằm chằm người ta như thể đang thăm dò.
3. Tìm điểm tương đồng để tạo sự đồng cảm khi đàm phán
Người có kỹ năng đàm phán tốt luôn biết tạo sự đồng cảm. Giữa các em và đối phương có điểm tương đồng nào không? Hoặc họ với những khách hàng cũ mà các em từng tiếp xúc giống nhau ở những điểm nào? Hãy dựa vào đó để tạo sự đồng cảm, thể hiện rằng mình từng trải, từng tiếp xúc với những trường hợp tương tự và đồng cảm được với những gì mà họ chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi liên kết họ với những khách hàng tương tự trong quá khứ, các em sẽ biết được tiếp theo mình nên nêu ra những luận điểm nào để đánh đúng tâm lý của họ. Chẳng hạn như họ quan tâm về giá thì sẽ có cách nói khác, quan tâm về chất lượng thì cần nêu ra những cam kết gì,…
4. Đưa ra ví dụ cụ thể để tạo niềm tin trong cuộc đàm phán
Hãy đưa ra những ví dụ cụ thể rằng có anh A, chị B cũng từng được các em chia sẻ, đưa ra những lời khuyên,… họ đã làm theo và đạt được kết quả tốt. Hoặc chuyên gia A, chuyên gia B,… cũng từng khuyên điều đó. Tất nhiên, các em cần phải khéo léo, không nên vội vàng đưa ra quan điểm trái chiều (nếu thấy quan điểm hoặc mong muốn của họ trái ngược với mình). Hãy trao đổi từng chút một, thay đổi quan điểm của họ một cách chậm rãi. Hãy để họ tự thấy được vì sao họ nói nghe theo các em. Đặc biệt, đừng bao giờ ngắt lời hoặc tỏ rõ thái độ không đồng ý với quan điểm của đối phương.
5. Tránh những lời nói sáo rỗng hoặc câu sau đạp câu trước
Chẳng cần phải nói dài dòng, hãy nói ít nhưng câu nào câu nấy đều chất. Để làm được điều này, các em cần tuân thủ 4 điều phía trên, đồng thời, suy nghĩ thật kỹ trước khi nói ra bất kỳ câu gì. Thà nói chậm mà chất còn hơn nói lưu loát mà lỡ vạ miệng. Đừng nói ra những lời sáo rỗng hoặc câu sau mâu thuẫn với câu trước.
Người ta hay nói rằng nếu sai chính tả thì mọi lập luận đều vô nghĩa, đó là khi mình viết. Còn khi đàm phán bằng lời nói thì nếu các luận điểm không liên kết với nhau, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau thì mọi lập luận cũng sẽ vô nghĩa.
6. Tạo cảm giác khan hiếm để thúc đẩy hành động
Mục đích cuối cùng của đàm phán là khiến cho đối phương tin tưởng, làm theo lời khuyên, lời đề xuất của mình. Đó có thể là một lời đề xuất hợp tác hoặc một lời khuyên nên mua sản phẩm, dịch vụ của các em.
Một trong những bí quyết để đạt được mục đích ấy chính là tạo nên sự khan hiếm. Hãy đưa ra sự cấp bách về thời gian, sự giới hạn về số lượng để nâng cao tỷ lệ thành công của cuộc đàm phán. Chẳng hạn như ưu đãi giảm 50% chỉ còn 5 suất cuối cùng thôi, hoặc chỉ còn áp dụng trong 3 ngày nữa thôi.
7. Hướng đến một kết thúc win – win sau cuộc đàm phán
Nếu các em đạt được mục tiêu nhưng đối phương cảm thấy có điều gì đó không hài lòng thì sao? Đó chưa thể gọi là một cuộc đàm phán thành công và kỹ năng đàm phán của các em vẫn chưa ổn.
Hãy luôn khiến đối phương hài lòng dù có thể họ không đạt được trọn vẹn 100% so với mong muốn ban đầu. Để làm được điều này, các em cần phải vô cùng khéo léo, đưa ra những lập luận sắc bén và có những phương án thay thế cho họ. Chẳng hạn như họ muốn được giảm 50% khi mua sản phẩm, nhưng công ty các em chỉ cho phép giảm 30% thì hãy bù đắp lại bằng việc tặng kèm cho họ một lợi ích nào khác.
—
7 điều trên sẽ là chìa khoá vàng quyết định thành công của một cuộc đàm phán. Bên cạnh đó, nếu các em muốn trở thành một người có kỹ năng đàm phán tốt thì còn đòi hỏi sự kết hợp của các kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xử lý tình huống. Vì cho dù mình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có lắng nghe đối phương, tạo được sự đồng cảm, lấy được niềm tin,… nhưng cách nói chuyện đều đều, không biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp hoặc xử lý các tình huống bất ngờ chưa được mượt, chưa hợp tình, hợp lý thì chưa thể gọi là một người đàm phán xuất sắc.
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.