Nhiều sinh viên cứ than vãn rằng vì sao mình học mãi không giỏi, mình cũng có cố gắng mà kết quả lại không như mong muốn. Hôm nay, các em hãy dành thời gian nhìn lại xem mình có còn 5 thói quen này không nhé.
1. Học mãi không giỏi vì không có mục tiêu cụ thể
Để có thể đạt được một kết quả học tập tốt, các em cần đặt mục tiêu để mình phấn đấu, để biết mình cần phải làm gì. Mục tiêu này cần cụ thể một tí chứ không được chung chung kiểu như “em phải nhận được học bổng”.
Ví dụ như mục tiêu chính của học kỳ này là trên 8.0 tất cả các môn chính là một mục tiêu khá cụ thể mà anh hay đặt, các em cần đặt mục tiêu dựa trên năng lực của mình, mà mình có thể đạt được nếu thật sự cố gắng, chứ không nên đặt mục tiêu quá sức sẽ dễ bị nản và bỏ cuộc giữa chừng.
Ngoài ra, các em cần đặt thêm các mục tiêu phụ như kiểm tra giữa kỳ bao nhiêu điểm hay đơn giản chỉ là mỗi tuần dành ra bao lâu để học môn đó, giải được bao nhiêu bài tập của môn đó. Càng cụ thể, tụi em sẽ càng dễ đạt được mục tiêu. Nhớ là một khi đạt được mục tiêu của học kỳ này rồi thì các em không được chủ quan, lơ là việc học trong học kỳ tới nhé.
2. Suy nghĩ tiêu cực
Đặt ra được mục tiêu thì các em phải cố gắng thực hiện được nó. Không có chặng đường nào trải đầy hoa hồng, dù cho có gặp những khó khăn như giáo viên khó, bài tập khó,… thì các em cũng đừng nản chí và đừng bao giờ có suy nghĩ tiêu cực kiểu như “chắc mình không làm được đâu, bài tập khó và nhiều quá”, “chắc giáo viên chấm điểm khó lắm, cố mấy cũng vậy thôi”, “mình sẽ không học giỏi được”… Một khi có suy nghĩ như thế thì các em đã đánh mất 90% cơ hội đạt được mục tiêu của mình.
Hãy nhìn lại bạn bè xung quanh, giáo viên khó thì đâu phải mình mình gặp, bài tập khó đâu phải mình mình phải làm. Không có gì là không thể nếu như các em biết cố gắng, suy nghĩ tích cực, thoải mái tâm lý và cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu.
>> Tư duy tích cực – Động lực học tốt cho sinh viên
3. Không có tinh thần học tập
Nghĩ được thì phải làm được, nếu trong đầu luôn tự nhủ mình phải cố gắng học nhưng thật sự mỗi khi đụng vào sách vở là lại buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài thì đừng than vãn rằng mình học mãi không giỏi. Nếu gặp phải tình trạng trên, các em cần học từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều để dần dần quen với việc đụng vào cuốn sách, cuốn vở. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, các em có thể rủ đứa bạn thân học chung để nó nhắc nhở và chửi rủa mỗi khi mình lười biếng.
Còn trên lớp thì các em phải tập trung nghe giảng, vì theo anh thấy, thật sự 1 giờ học trên lớp bằng 3 giờ học ở nhà luôn, thầy cô luôn có cách giảng bài sao cho mình dễ hiểu nhất và bớt nhàm chán nhất. Tin anh đi, đọc sách có thể khiến các em dễ buồn ngủ, nhưng thật sự tập trung nghe thầy cô giảng trong suốt buổi học (chứ không phải tập trung 5 phút rồi lo ra 10 phút nha), các em sẽ hiểu bài nhanh hơn và cảm thấy yêu thích môn học hơn.
>> Cách làm trắc nghiệm hiệu quả từ kinh nghiệm của thủ khoa
4. Luôn giấu dốt nên học mãi không giỏi
Lên đại học rồi, biết bao đắng cay sóng gió suốt 12 năm đèn sách cũng đã trải qua hết rồi. Còn gì phải ngại để mà sợ bị chửi là “ngu” nữa, có gì không biết, không hiểu thì các em phải hỏi tụi bạn liền, tụi nó chỉ lại cho. Trên đời không gì nhọ hơn vào phòng thi đứa bạn làm bài trơn tru, ra về hớn hở, còn mình thì tạch vì không biết mà không chịu hỏi sớm để nó chỉ cho trước khi thi.
Còn nếu thấy tụi bạn trong nhóm cũng như mình thôi, có khi nó còn ngu ngơ hơn thì tụi em cứ hỏi giáo viên, không ai la mắng sinh viên ham học hỏi và biết lắng nghe bao giờ. Tạo được thiện cảm với giáo viên cũng là một điều rất tốt đấy. Còn nếu các em vẫn còn một từ ngại to đùng trên mặt thì âm thầm hỏi chị Gu Gồ nhé, chị ấy cũng uyên thâm lắm, không phải dạng vừa đâu.
5. Lười biếng, lãng phí thời gian
Ngủ quá nhiều, cộng thêm ham chơi, nghiện game, mê facebook thì quá lãng phí thời gian luôn đấy. Các em có quyền lười biếng, ham chơi, anh cũng vậy, nhưng phải biết đâu là chừng mực, đâu là điểm dừng. Các em thử nhìn lại một lần xem ngày hôm qua mình dành bao nhiêu thời gian để “thư giãn”, để lãng phí thời gian? Tối đa chỉ nên 2 tiếng thư giãn và 8 tiếng để ngủ.
Thời gian còn lại các em nên nghiêm túc dành cho việc học và tham gia các hoạt động sinh viên. Đừng chỉ lao đầu vào học tập trong sách vở, cuộc sống còn dạy cho chúng ta nhiều điều lắm. Tham gia các câu lạc bộ sinh viên, ngoài việc học thêm kỹ năng mềm, các em còn được đào sâu tiếng Anh hoặc kiến thức chuyên ngành (nếu đó là CLB học thuật), vừa được mở rộng mối quan hệ, có thêm nhiều bạn bè để cùng nhau học tập, quen được nhiều anh chị khóa trên để hỏi bài trong những khi cần kíp. Thật sự trải nghiệm đó tuyệt vời hơn là chơi game hay facebook nhiều lắm.
>> Bí quyết học và ôn thi hiệu quả
—
Nếu chẳng may đang làm bạn lâu năm với một trong những thói quen xấu này, chắc chắn các em không thể chia tay chúng trong một sớm một chiều. Quan trọng là các em phải quyết tâm, mỗi ngày cố gắng một ít, đừng bao giờ nản chí. Những lúc mệt mỏi hay áp lực quá, các em có thể tâm sự với gia đình, bạn bè, hay đơn giản chỉ là hít thật sâu, mở một bản nhạc yêu thích lên rồi nhắm mắt lại để thưởng thức.
Đường dài mới biết ngựa hay, phim hay chờ đoạn kết, 30 chưa phải là Tết. Chúc các em thành công trên con đường phía trước và có một đoạn kết huy hoàng trong sự nghiệp tương lai!
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.