Sinh viên thường là đối tượng của bọn lừa đảo, vì các em dễ tin người và ít kinh nghiệm sống. Đặc biệt, sinh viên năm nhất mới lên thành phố, còn lạ nước lạ cái nên rất dễ sa vào lưới của bọn chúng. Dưới đây anh sẽ nêu ra 9 trò lừa đảo phổ biến để các em biết mà phòng tránh:
1. Lừa đảo sinh viên mua đồ dỏm
Các đối tượng này tiếp cận sinh viên tại cổng trường hoặc trạm xe buýt rồi giới thiệu đồng hồ, máy ảnh… với giá rẻ đến mức đa số sinh viên đều bỏ tiền ra mua. Thế nhưng đồng hồ sau vài ngày là không hoạt động, máy ảnh cũng không chụp được hình. Cái này lúc trước anh cũng gặp nhưng không biết đó là đồ dỏm, chỉ nghĩ chắc đồ ăn cắp nên không mua. Nghĩ lại thấy mình may mắn dễ sợ.
2. Lừa mua tăm, mua bút để ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào bão lụt
Họ thường hay xuất hiện trước cổng trường, bến xe, công viên, ngã tư rồi kêu mình ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào lũ lụt. Cứ tưởng chỉ cần ký thôi không mất gì hết nên nhiều em sinh viên vô tư ký tên. Sau đó họ đưa cho bịch tăm, cây bút bắt mình mua với giá 10-20k với lý do lỡ ký thì phải mua để ủng hộ.
Một số đối tượng còn mang theo một quyển sách in bìa rõ ràng các trường hợp ở ABC đang bị hoàn cảnh XYZ. Đôi khi các đối tượng lừa đảo này còn bạo dạn lẻn vào trong trường, đến các lớp sinh viên năm nhất để lừa gạt, các em cần lưu ý để tránh bị lừa.
3. Lừa sinh viên đặt cọc các việc làm part-time hấp dẫn
Làm tại nhà, linh hoạt giờ giấc, lương cao, thưởng theo doanh số hoặc tuyển nhân viên đánh máy hoặc làm tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Chúng có thể đăng các tin này trên mạng xã hội hoặc thậm chí phát tờ rơi trước cổng trường để dụ dỗ sinh viên. Các dấu hiệu trên chưa thể khẳng định hoàn toàn rằng đó là lừa đảo, nhưng chỉ cần lúc các em liên hệ mà thấy người ta bảo phải đặt cọc tiền mua tài liệu training, mua phần mềm để làm việc, mua đồng phục… thì anh đảm bảo 100% là lừa đảo rồi.
Chúng lấy tiền xong sẽ giao cho các em công việc thật khó, ví dụ như đánh máy các đoạn mã mờ tịt (không thấy đường mà đánh) rồi đổ lỗi các em đánh sai nhiều rồi đuổi việc. Hoặc kêu cho làm nhân viên bán hàng ở trung tâm thương mại nhưng thực tế lại đi làm…nhân viên giữ xe của một cửa hàng nhỏ xíu nào đó.
>> Kinh nghiệm tìm phòng trọ sinh viên
4. Tham gia bán hàng đa cấp
Họ sẽ liên tục nhấn mạnh rằng các em sẽ kiếm được nhiều tiền trong thời gian ngắn, sẽ được thăng cấp, cấp càng cao hoa hồng càng nhiều… Lúc trước, rất nhiều sinh viên năm nhất bị dụ dỗ vào con đường này, họ bắt phải đặt cọc tiền mua sản phẩm và phải tìm mọi cách đi bán lại cho người khác sao cho đạt chỉ tiêu thì mới được thăng cấp. Giá bán thường cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm khác trên thị trường, sinh viên thì làm gì có thể bán được, rồi các em lại phải giới thiệu thử cho bạn bè, người thân mua (đôi lúc cũng có người vì nể mối quan hệ nên mua) nhưng như thế thì cũng dần mất đi nhiều mối quan hệ. Thậm chí có nhiều bạn mù quáng đến nỗi lấy tiền túi tự mua về xài để đạt chỉ tiêu. Các em nên nhớ, làm giàu không dễ đâu, nếu dễ như họ nói thì chắc không ai cần đi học nữa.
5. Lừa sinh viên đặt cọc nhà trọ
Thường họ sẽ thỏa thuận miệng, tất cả những gì họ nói các em sẽ thấy chi phí thuê trọ ở đó là hợp lý nên sẽ dễ dàng đồng ý ngay. Họ sẽ bắt các em đặt cọc 1-2 tháng tiền nhà + tiền nhà tháng đầu sẽ thành 2-3 tháng. Đến ngày các em dọn đến họ sẽ làm khó dễ, trở mặt, đưa cho mình bản hợp đồng mà phát sinh thêm nhiều khoản thu vô lý, tiền điện tiền nước cũng tính với giá cao chứ không như đã thỏa thuận trước đó. Nhiều em sợ mất cọc nên ngậm ngùi ở tạm chỗ đó rồi dần tìm chỗ trọ mới, nhưng cũng có nhiều em không đồng ý, đòi trả cọc nhưng họ không trả, tức quá các em cũng bỏ đi không thèm đòi nữa.
6. Trúng thưởng online
Họ sẽ tạo ra các website quay số trúng thưởng hoặc bốc thăm may mắn. Sau khi các em tương tác và tham gia quay số, bốc thăm, họ sẽ báo các em đã trúng được điện thoại, máy ảnh, xe máy,… với giá ưu đãi chỉ bằng 10% giá trị thật.
Họ sẽ giả bộ hỏi các em đủ thứ thông tin như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, CMND,… để nhận quà và yêu cầu chuyển phần 10% đó ngay để họ vận chuyển quà, nếu không quà sẽ được hủy và chuyển lại vào kho để thưởng cho những người chơi khác. Và chỉ cần các em nhẹ dạ cả tin, chuyển tiền vào tài khoản của họ thì đã bị dính bẫy, sẽ chẳng có phần quà nào được chuyển đến đâu.
7. Dàn cảnh cãi nhau
Sinh viên – đặc biệt là sinh viên nữ – thường là đối tượng được bọn cướp dàn cảnh nhắm đến. Chúng thường giả vờ làm người thân, người quen khi các em đang ở trên xe buýt rồi bắt đầu cãi vã, lôi các em xuống xe giống kiểu người thân trong gia đình đang cãi nhau nên người ngoài không can thiệp. Cũng có nhiều trường hợp họ giả vờ va chạm khi lái xe rồi xảy ra cãi vã với mục đích bắt đền tiền, nếu không đưa tiền sẽ bị đánh.
Để tránh rơi vào tình huống này, các em không nên nói chuyện với người lạ. Nếu xe buýt còn nhiều chỗ trống mà họ lại chọn ngồi ngay ghế cạnh mình thì cần chủ động đổi chỗ ngay. Trường hợp lỡ xảy ra sự việc thì các em phải la lớn là tôi không quen anh/chị rồi nhờ người xung quanh trợ giúp.
8. Trẻ em đi lạc
Nếu các em thấy một đứa bé đang đứng khóc một mình ngoài đường, trên tay cầm một tờ giấy nhờ chỉ đường với địa chỉ được ghi rõ thì hãy cẩn thận. Đó có thể là một nơi vắng vẻ có bọn cướp hoặc bắt cóc đang chờ sẵn.
Cách giải quyết trong trường hợp này là hãy dẫn em bé đó tới đồn công an gần nhất và nhờ họ trợ giúp. Nếu đứa bé có đi lạc thật thì họ sẽ giúp bé tìm về nhà.
9. Xin tiền đi xe
Tại các bến xe bus, xe khách thường có một số người tiếp cận sinh viên và chia sẻ lý do là mình vừa bị rơi mất tiền, bị móc bóp, không còn tiền để đón xe về nhà, về quê. Trường hợp này các em có thể cho hoặc không vì nhỡ đâu người ta hết tiền thật. Nhưng cần chú ý hành vi, thái độ và lời nói của họ để đánh giá xem là họ có đang diễn kịch không.
>> Muốn học giỏi, hãy ngừng ngay 9 điều này
—
Các em đọc xong nhớ kỹ để đừng bị lừa, sinh viên đi học đã không có nhiều tiền mà bọn chúng còn bày nhiều trò như thế để lừa đảo nữa. Mong là các em chia sẻ tin này để các bạn của mình biết mà phòng tránh luôn.
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.