Bài dài nhưng đầy đủ ý, chỗ trọ là nơi mình ở lâu dài, ảnh hưởng tới chuyện tiền bạc, học hành, sinh hoạt, di chuyển, ăn uống, tình cảm,… của bản thân nên tụi em cần tìm hiểu kỹ. Nếu chưa từng có kinh nghiệm tìm phòng trọ cho sinh viên, các em có thể share về để sau này đọc tiếp hoặc đọc lại nhiều lần cho nhớ.
>> 9 chiêu lừa đảo sinh viên nên biết để tránh
1. Kinh nghiệm tìm phòng trọ: Ưu tiên gần trường
Khi tìm phòng trọ cho sinh viên, đầu tiên, các em cần chọn nơi trọ gần trường để tiện cho việc đi lại. Tránh việc trọ quá xa trường, đừng vì giá rẻ mà ở xa vì sẽ tốn nhiều thời gian di chuyển, dẫn đến dễ đi học trễ, lười đi học, lười đi họp nhóm vui chơi với bạn bè và lười tham gia sinh hoạt câu lạc bộ/đội/nhóm trong trường. Điều này ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập, hạn chế cơ hội mở rộng mối quan hệ và rèn luyện kỹ năng mềm cho bản thân. Chắc chắn các em không muốn ra trường xin việc mà không được nhận vì bản thân chẳng có gì nổi bật đúng không?
2. Kinh nghiệm tìm phòng trọ: Khảo sát nhiều nơi và đánh giá kỹ lưỡng
Nếu chưa có kinh nghiệm tìm phòng trọ, các em nên dành thời gian đi tìm kiếm mọi ngõ ngách trong khu đó để mình có được nhiều sự lựa chọn khác nhau. Vì chỗ trọ là nơi mình ở lâu dài, ảnh hưởng nhiều tới việc học tập và sinh hoạt của bản thân. Lỡ chỗ trọ mà chính mình ở còn không thoải mái thì còn tâm trạng đâu mà làm những việc khác. Vì thế, khi đi hỏi nhà trọ, các em cần hỏi kỹ các thông tin cơ bản sau, các em nên ghi chú kỹ vào sổ vì nhiều khi lại quên mất một số ý:
– Điện nước, wifi bao nhiêu? Tiền phòng là bao nhiêu, có tăng mỗi năm không, nếu có thì tăng bao nhiêu? Thường tổng chi phí ở các khu gần trường, sạch sẽ, an ninh tốt thì khoảng 1,5 triệu/tháng/người là ổn.
– Phòng ở được tối đa bao nhiêu người? Ở đông người cùng share tiền phòng sẽ tiết kiệm chi phí hơn. Tụi em nên tập hợp bạn bè hợp tính với nhau (hợp về cách nói chuyện, gọn gàng, sạch sẽ không, biết nấu ăn không, có hay rủ bạn bè về phòng không,…) rồi cùng tìm phòng ở chung thì sẽ dễ sinh hoạt hơn. Nếu chưa quen ai thì tụi em có thể ở một mình hoặc ở ghép. Ở một mình thì thoải mái, muốn làm gì thì làm nhưng cũng sợ trộm, sợ ma. Ở ghép thì sướng vì đồ dùng trong phòng hầu như có sẵn hết rồi, nhưng nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ để tránh bị bạn cùng phòng lừa, lấy hết tài sản rồi bỏ trốn. Để an tâm, các em có thể xin giữ CMND, thẻ sinh viên photo của họ, lên fb họ xem có đầy đủ bạn bè không, có phải nick thật không.
– Có cho nấu ăn không? Có nhiều chủ trọ sợ cháy nổ nên không cho nấu ăn. Nấu ăn sẽ giúp tụi em tiết kiệm chi phí, đồ ăn cũng hợp vệ sinh hơn ăn ngoài tiệm. Tuy nhiên, nếu tụi em xác định suốt ngày ở ngoài đường, ở trường để học hoặc sinh hoạt đội nhóm thì ăn ở ngoài cũng không sao.
– Đóng cửa lúc mấy giờ? Điều này ảnh hưởng đến việc đi chơi và tham gia hoạt động/hội thảo/ca nhạc trong trường. Nếu tụi em chọn được chỗ trọ không chung chủ thì tha hồ thoải mái thời gian. Còn nếu chỗ trọ có quy định giờ đóng cửa thì tốt nhất là 11h30, ngoài ra, tụi em cần xem xem họ có khó tính không, vì không ai dám chắc rằng mình có thể luôn về đúng giờ. Lỡ về trễ bị ở ngoài luôn thì sao?
– Nhà chứa được bao nhiêu chiếc xe đạp/xe máy, bao nhiêu tiền một chiếc, có bảo đảm không mất xe không? Nếu không có chỗ giữ xe thì gửi ở đâu, giá bao nhiêu? Nếu không có chỗ giữ xe thì tụi em cần trả giá thuê trọ thấp xuống. Nếu các em đi xe buýt thì nên ở gần trạm xe buýt và nên ở tuyến đường mà đi đến trường chỉ cần 1 chuyến xe buýt. Vì nhà anh lúc trước đi học phải đi 2 chuyến rất bất tiện, hầu như không bao giờ canh chính xác thời gian, toàn phải đi học sớm 45 phút nếu không muốn đi trễ, buổi trưa mà đứng chờ xe buýt lâu hoặc đi bộ mãi mới tới trạm thì cảm giác cũng ba chấm lắm.
– Có được dắt bạn về chơi/ngủ không? Có được tổ chức tiệc tùng ăn nhậu không? Cái này không quan trọng, nhưng lâu lâu dắt bạn bè về ăn nhậu, ngủ lại chung với nhau thì cũng thú vị lắm. À quên, vào mùa thi, nếu phòng trọ mát mẻ, yên tĩnh thì kéo bạn bè về ngồi học chung, ăn trưa chung cũng khá vui, học hành cũng hiệu quả lắm. Qua mùa thi, cả đám sẽ có một đống kỷ niệm đáng nhớ luôn.
3. Đừng tin tưởng 100% vào lời nói của chủ phòng trọ
Nếu đã từng có kinh nghiệm tìm phòng trọ, các em sẽ biết rằng các chủ phòng trọ cho sinh viên thường sẽ làm nổi bật các ưu điểm và giấu nhẹm đi các khuyết điểm của phòng trọ. Vì thế, sau khi hỏi kỹ chủ trọ, các em nên quan sát cửa sổ, dân cư trong hẻm, người ở trọ cùng nhà xem có gì đáng ngờ không. Tốt nhất các em nên ghé các tiệm nước, cafe gần đó để uống nước và hỏi thăm xem thuê nhà khu đó có ổn không, chủ trọ có đáng tin không. Vì có nhiều khu kém an ninh, dễ bị trộm đột nhập lấy đồ, nhiều khi đi đường về nhà buổi tối cũng lo sợ.
>> Bí quyết học và ôn thi hiệu quả
4. Nên đặt cọc phòng trọ ngay sau khi đã đánh giá kỹ lưỡng
Những bạn chưa có kinh nghiệm tìm phòng trọ cho sinh viên thường quên mất điều này, không sớm đặt cọc phòng trọ nên dễ dàng bị mất phòng vào tay các bạn khác. Khi đã tham khảo tất cả thông tin và thấy ổn, các em nên đặt cọc ngay để chắc chắn có được phòng, vì những nơi quá tốt thường sẽ rất mau hết phòng, nhất là mùa khai giảng. Các em thậm chí nên tới ở trước khi khai giảng cũng được, vừa chắc chắn có chỗ trọ, vừa có thể vào trường trước để tham quan, vào thư việc đọc sách, làm quen không khí thành phố, thậm chí là vô lớp của anh chị khóa trên học thử, biết đâu lại làm quen được nhiều anh chị tốt bụng, sẵn sàng tư vấn, giải đáp thắc mắc hoặc tặng lại sách cũ cho mình.
5. Cần làm biên bản rõ ràng khi đặt cọc phòng trọ
Khi đặt cọc, tụi em và chủ nhà cần làm biên bản rõ ràng, ghi đầy đủ các điều đã thỏa thuận và ký tên, mỗi người giữ một bản. Mặc dù nó không có giá trị pháp lý nhưng sau này lỡ có chuyện gì thì cũng có bằng chứng để mình làm lớn chuyện, đòi lại tiền cọc, nếu cần ra phường thì tụi em cũng có sẵn giấy trắng mực đen. Nhưng trường hợp này thường ít, vì khi tụi em đã tìm hiểu kỹ thì sẽ chẳng bị lừa đâu. Họ cho thuê phòng bao nhiêu năm cũng phải giữ uy tín cho mình chứ, ở đó có nhiều người khác cùng trọ mà. Các trường hợp lừa đặt cọc tiền nhà trọ thường là nơi tụi em gặp họ không phải là nhà họ, mà là nơi họ thuê tạm để lừa đảo. Còn khi tụi em chắc chắn đó là nhà họ thì rất hiếm có người dám giở trò lừa đảo.
>> Tham gia CLB – Sinh viên sẽ được những gì? Nên tham gia CLB nào?
—
Ngoài phòng trọ, tụi em có thể thuê chung cư để ở, an ninh hơn, tiện nghi hơn, được tự do nấu ăn, thoải mái giờ giấc, chỉ có giá thuê cao hơn một chút. À quên, nếu thích thì tụi em có thể ở ký túc xá, anh nghe nói vui lắm, chi phí cũng rẻ nhưng không được nấu ăn, không được về trễ. Vào ngày nhập học sẽ có khu vực tư vấn phòng trọ và ký túc xá nên tụi em yên tâm nhé.
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.