Nhiều học sinh – sinh viên cảm thấy cực kỳ khó chịu khi lúc nào ba mẹ cũng đem kết quả học tập của mình ra so sánh với con nhà người ta, mà nhiều khi mình cũng chẳng biết con nhà người ta là ai, cụ thể là bạn nào, mà suốt ngày ba mẹ cứ tung hô bạn đó lên, khiến các em cảm thấy tự ti, mặc cảm về năng lực bản thân. Thậm chí cứ mỗi khi kết thúc kỳ thi, các em chỉ muốn giấu luôn kết quả, chứ chẳng muốn ba mẹ biết được, vì thế nào cũng bị đem ra so sánh, trách mắng… Vậy con nhà người ta là ai? Ba mẹ so sánh con mình với con nhà người ta để làm gì?
>> 3 lý do khiến sinh viên tự ti, mặc cảm về năng lực bản thân
Con nhà người ta là ai?
Con nhà người ta là một nhân vật hư cấu mà ba mẹ thường sử dụng để so sánh với con mình, với mục đích để con mình cố gắng phấn đấu, nỗ lực để học tốt hơn, phát triển bản thân hơn, để được như con nhà người ta. Đôi khi, con nhà người ta cũng có thể là một người có thật, là hàng xóm, họ hàng hoặc bạn cùng lớp đồng trang lứa với con mình. Tuy nhiên, khi lạm dụng việc so sánh con mình với con nhà người ta một cách quá mức, thì cũng có thể bị phản tác dụng, khiến học sinh – sinh viên cảm thấy cực kỳ chán nản, tự ti, mặc cảm về năng lực bản thân. Thậm chí, một số học sinh – sinh viên còn thấy cực kỳ ám ảnh, uất ức, đâm ra phản kháng, càng so sánh thì các em càng chống đối, không chịu học hành đàng hoàng, hoặc tệ hơn là giận luôn phụ huynh, cho rằng ba mẹ chỉ thương con người ta, khen con người ta chứ chẳng thương mình…
Ba mẹ thường khen con nhà người ta ở những điểm nào?
Điều mà con nhà người ta thường được ba mẹ khen nhiều nhất chính là thông minh, chăm chỉ, học giỏi, có kết quả học tập tốt, cụ thể là luôn được điểm 9, điểm 10. Vì đa số con nhà người ta là nhân vật hư cấu, nên ba mẹ thường vô tư thêm mắm dặm muối, hoàn hảo hoá nhân vật ấy một cách quá mức, rằng đó là một bạn luôn học giỏi, chẳng bao giờ bị điểm kém… Bên cạnh kết quả học tập, thì con nhà người ta cũng được khen là ngoan ngoãn, lễ phép, luôn vâng lời, thường xuyên phụ giúp ba mẹ làm việc nhà. Vô tình điều này cũng khiến nhiều học sinh – sinh viên thắc mắc là ủa vậy là mình hư đốn, không vâng lời hay gì? Ngoài ra, một số phụ huynh còn lấy lý do rằng con nhà người ta tự tin, năng động, hoạt bát, chứ không có suốt ngày dán mắt vô điện thoại như con mình… Nói chung là có rất nhiều điểm mà ba mẹ có thể đưa ra để khen con nhà người ta, cứ hễ khi muốn nhắc nhở con mình một điều gì đó, thì sẽ gán điều ấy vào con nhà người ta.
>> Ngại giao tiếp, hướng nội thì phải làm sao để tự tin hơn?
Ba mẹ so sánh con mình với con nhà người ta để làm gì?
Chính điều này đã khiến rất nhiều học sinh – sinh viên tự đặt ra dấu chấm hỏi rằng ba mẹ so sánh con mình với con nhà người ta để làm gì, điều đó sẽ mang lại tác dụng gì? Mỗi phụ huynh sẽ có một lý do khác nhau khi sử dụng con nhà người ta để so sánh với con mình, có một số ba mẹ vì có ý tốt, muốn con mình có động lực cụ thể để phấn đấu, chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn, học tốt hơn… nên đôi khi sẽ mang con nhà người ta ra để so sánh, với một tần suất hợp lý đủ để các em cố gắng hơn, thay đổi tích cực hơn, chứ không làm các em cảm thấy tự ti về bản thân, khó chịu, rồi phản kháng ngược lại.
Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh vẫn là vì lý do muốn tốt cho các em, muốn con mình ngoan hơn, giỏi hơn, nhưng lại quá lạm dụng việc so sánh con mình với con nhà người ta, đụng chuyện gì cũng đem ra so sánh một cách thái quá, khen con nhà người ta rồi chê con mình… Điều này vô tình sẽ bị phản tác dụng, khiến học sinh – sinh viên cảm thấy bị ức chế, thậm chí hành động này có thể được xem là kém duyên, thiếu tinh tế trong quá trình dạy con.
Phải làm sao khi liên tục bị so sánh với con nhà người ta?
Khi liên tục bị so sánh với con nhà người ta, chắc chắn rằng các em sẽ cảm thấy không vui, không hài lòng, thậm chí nhiều bạn còn giận phụ huynh luôn. Dẫu biết rằng các em đang rất ức chế, nhưng mình không nên sử dụng hành vi phản kháng, tức là ba mẹ nói gì thì mình làm ngược lại, vì điều đó sẽ càng khiến mọi việc trở nên tệ hơn, ba mẹ lại càng có lý do để tiếp tục chê trách các em rồi khen con nhà người ta ngoan, vâng lời, học giỏi…
Thay vào đó, các em nên trao đổi thẳng thắn, nói chuyện rõ ràng với phụ huynh rằng không có ai hoàn hảo 100%, có thể hiện tại mình chưa học tốt, nhưng kết quả cũng không đến mức quá tệ, đồng thời, mình vẫn dành thời gian biểu để học bài, làm bài tập, cố gắng để nắm vững kiến thức hơn, đặc biệt, khối lượng kiến thức ở đại học rất nhiều và phức tạp, nên đâu thể dễ dàng được điểm 9, điểm 10 như khi còn học cấp 1, cấp 2, nên ba mẹ cần có góc nhìn thoáng hơn, cởi mở hơn và thực tế hơn, không nên lạm dụng việc so sánh con mình với con nhà người ta một cách thái quá. Tất nhiên, nói được thì phải làm được, chính bản thân các em cũng phải luôn nỗ lực, cố gắng và nghiêm túc học tập để phụ huynh an tâm và tin tưởng hơn.
Bài viết này đã giúp học sinh – sinh viên hiểu được ba mẹ so sánh con mình với con nhà người ta để làm gì, đồng thời, gợi ý hướng giải quyết khi liên tục bị so sánh một cách thái quá. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Phải làm sao khi kết quả học tập không như kỳ vọng của ba mẹ?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.