Khi còn đi học, sinh viên vẫn luôn có niềm tin rất mãnh liệt rằng nếu mình học giỏi, đạt điểm cao, thì sẽ không lo thất nghiệp khi ra trường, đi phỏng vấn sẽ tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, khi ra trường xin việc, không ít sinh viên đã phải đối mặt với cú sốc đầu đời là trượt phỏng vấn, dù mình có học lực giỏi, cầm trên tay tấm bằng đại học loại giỏi, xuất sắc. Đây là một điều khó tin, nhưng lại là sự thật đã xảy ra không ít lần, vì sao lại như thế?
>> Không có kinh nghiệm làm việc thì phải làm sao khi ứng tuyển?
Nhà tuyển dụng có thích sinh viên học lực giỏi không?
Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem nhà tuyển dụng có thích sinh viên học lực giỏi không? Câu trả lời là có, vì học lực giỏi chứng tỏ rằng các em chăm chỉ, siêng năng, cố gắng học tập. Điều này cũng góp phần phản ánh rằng các em đã tiếp thu và nắm vững các kiến thức chuyên ngành ở trường đại học, chứ nếu học hành lơ mơ, lạm dụng việc học vẹt, học tủ, chưa vững kiến thức môn học thì sẽ khó lòng đạt được học lực giỏi. Vì thế, sinh viên ra trường học lực giỏi sẽ chính là điểm nổi bật trong CV ứng tuyển, giúp các em tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và hầu như sẽ luôn vượt qua được vòng CV.
Tuy nhiên, học lực giỏi chỉ mang lại lợi thế trong vòng CV, còn khi đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi xoáy vào kiến thức chuyên môn để xác định rõ xem liệu các em có thật sự nắm vững kiến thức chuyên ngành chưa, những ai lơ tơ mơ, ấp úng, trả lời chưa tốt, nhất là những câu kiểm tra kiến thức căn bản, thì hoàn toàn có thể bị trượt phỏng vấn. Tức là mặc dù học lực giỏi, nhưng đó không phải là “kim bài miễn tử”, các em vẫn có thể bị loại nếu trả lời phỏng vấn không tốt.
Đánh giá ứng viên không chỉ dựa vào học lực
Học lực và kiến thức chuyên ngành cũng không phải là yếu tố duy nhất mà nhà tuyển dụng quan tâm khi đánh giá ứng viên. Song song đó vẫn còn rất nhiều tiêu chí chọn lọc khác, chẳng hạn như định hướng nghề nghiệp, các kỹ năng mềm liên quan đến công việc, các ưu điểm giúp tăng khả năng hoàn thành tốt công việc, các thành tích đạt được trong quá khứ, các hoạt động ngoại khoá thời sinh viên và cả kinh nghiệm làm việc liên quan tới chuyên ngành (nếu có).
Tức là mặc dù các em đang có học lực tốt, thâm chí đã nắm vững kiến thức chuyên ngành luôn, nhưng nếu chưa thoả mãn các tiêu chí còn lại theo yêu cầu riêng của từng công việc (chẳng hạn như là giao tiếp tự tin, thuyết trình tốt, giỏi ngoại ngữ) thì cũng chưa chắc được nhận vào làm việc, và hoàn toàn có thể bị trượt phỏng vấn.
>> 3 tiêu chí đảm bảo sự chuyên nghiệp khi ứng tuyển việc làm
Lý do khiến học lực giỏi vẫn bị trượt phỏng vấn
Sinh viên học giỏi vẫn bị trượt phỏng vấn, đây là sự thật khó tin, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra vì những lý do sau. Đầu tiên, đó chính là các em đạt học lực giỏi nhưng lại chưa nắm vững kiến thức chuyên ngành, chưa đáp ứng tốt các tiêu chí kiến thức mà công việc yêu cầu. Tiếp theo, cũng có thể do các em chưa tìm hiểu kỹ về mô tả công việc, apply vào những vị trí không phù hợp với bản thân, khiến mình chưa đáp ứng được những điều được nêu trong mô tả công việc (chẳng hạn như mới ra trường mà lại apply các vị trí 2-3 năm kinh nghiệm, hoặc công việc yêu cầu IELTS 6.5 mà mình chưa có), thì mặc nhiên sẽ bị trượt phỏng vấn, thậm chí có thể sẽ bị loại ngay từ vòng sàng lọc CV.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp sinh viên mới ra trường đáp ứng được các tiêu chuẩn của công việc, phỏng vấn thành công trót lọt, nhưng vì nghĩ rằng mình học lực giỏi, quá tự tin vào năng lực bản thân nên deal lương quá cao, vượt mức mà công ty có thể chấp nhận để trả lương cho sinh viên mới ra trường, nên nhà tuyển dụng cũng đành phải “say no”, từ chối, gửi lại kết quả rằng các em đã trượt phỏng vấn. Đây là sự thật đáng tiếc đã xảy ra không ít lần.
Làm sao để tăng cơ hội trúng tuyển khi phỏng vấn?
Chắc hẳn sau những phân tích ở trên thì các em cũng đã hiểu được rằng sinh viên mới ra trường dù học lực giỏi nhưng vấn có thể bị trượt phỏng vấn. Vậy sinh viên mới ra trường phải làm sao để tăng cơ hội trúng tuyển khi phỏng vấn? Đầu tiên, các em cần phải đảm bảo rằng mình đã tích luỹ được đầy đủ hành trang vững chắc để tự tin cạnh tranh việc làm với các bạn đồng trang lứa. Hành trang ấy bao gồm rất nhiều tiêu chí như kỹ năng mềm, ngoại ngữ, hoạt động ngoại khoá, kinh nghiệm làm việc,… chứ không chỉ dừng lại ở việc mình tốt nghiệp loại giỏi, học tốt, vững kiến thức chuyên ngành.
Tiếp theo, các em cũng cần phải tìm kiếm công việc phù hợp, đúng với chuyên ngành, đúng với năng lực bản thân, tránh việc rải CV tràn lan, apply đại tùm lum nơi, rồi lại trúng những công việc không phù hợp, mình không đáp ứng được các tiêu chí công việc yêu cầu. Bên cạnh đó, các em cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, viết CV một cách chỉn chu, gửi email ứng tuyển chuyên nghiệp, đi phỏng vấn với trang phục lịch sự, trả lời lưu loát, tập dượt trước các câu hỏi phỏng vấn thường gặp… thì sẽ giúp mình tăng cơ hội trúng tuyển, giảm nguy cơ bị trượt phỏng vấn dù học lực giỏi.
Bài viết này đã giúp sinh viên nhận ra một sự thật khó tin rằng học giỏi vẫn có thể bị trượt phỏng vấn, từ đó, các em sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn khi ứng tuyển, giúp mình thoả mãn được các tiêu chí mà nhà tuyển dụng quan tâm. Chúc các em sớm tìm được công việc phù hợp và phỏng vấn thành công!
>> 5 cách giúp email xin việc của bạn trở nên nổi bật
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.