Chẳng ai muốn phải mất công đi xử lý mâu thuẫn, đau đầu vì những cuộc tranh cãi, rạn nứt mối quan hệ khi lời qua tiếng lại với nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có những lúc bạn phải đối mặt với những điều ấy, mệt mỏi cực kỳ khi xảy ra bất đồng quan điểm với bạn bè, đồng nghiệp khi teamwork. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xem bất đồng quan điểm là gì, cùng điểm qua các nguyên nhân và cách phòng tránh luôn nhé!
>> Tranh cãi nảy lửa khi học nhóm thì giải quyết thế nào?
Bất đồng quan điểm là gì?
Bất đồng quan điểm là trường hợp mỗi người mỗi ý, không thống nhất được quan điểm, giải pháp chung, vì đôi bên đều cho rằng mình đúng, nghe không lọt tai quan điểm của đối phương, cho rằng họ đang là người có quan điểm sai lầm, họ phải nghe theo quan điểm của mình. Bất đồng quan điểm có thể xảy ra trong rất nhiều trường hợp, với rất nhiều đối tượng khác nhau, đồng nghĩa với việc dù bạn là ai, đang đi học hay đã ra trường đi làm, thì đều có thể phải đối mặt với trường hợp này, bạn phải chuẩn bị trước tâm lý để sẵn sàng đối mặt và xử lý triệt để, tránh việc để bất đồng quan điểm ngày càng dâng cao, trầm trọng hơn, biến thành những cuộc tranh cãi, xích mích, nặng lời qua lại.
Bất đồng quan điểm thường xảy ra khi nào?
Bất đồng quan điểm có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, trong rất nhiều trường hợp, miễn sao có thảo luận, trao đổi quan điểm, bàn luận về bất kỳ vấn đề gì, thì đều có thể gặp bất đồng, vì mỗi người sẽ có những góc nhìn riêng, quan điểm riêng, dựa trên trải nghiệm và cách tư duy của riêng mình. Phổ biến nhất sẽ là trong các cuộc họp, khi thảo luận về các nội dung liên quan tới công việc, lập kế hoạch làm việc, thì khả năng cao sẽ xảy ra bất đồng, mỗi người mỗi ý, và khi điều đó ảnh hưởng nhiều tới công việc, KPI và tiền lương, thì mọi người sẽ cực kỳ nghiêm túc trong việc bảo vệ quan điểm của mình, chứ không dễ dàng đồng thuận như những bất đồng bình thường khác.
Tiếp theo, bất đồng quan điểm cũng thường diễn ra khi làm việc nhóm, ngay cả teamwork khi đi học, lẫn teamwork trong công việc. Khi các thành viên trong nhóm cùng nhau thảo luận, trao đổi vấn đề liên quan tới mục tiêu chung của cả nhóm, thì vẫn có thể xảy ra trường hợp mỗi người mỗi quan điểm khác nhau, đó là điều hoàn toàn bình thường, và cũng là chất xúc tác quan trọng giúp quá trình làm việc nhóm đạt hiệu suất cao, khi mọi người sôi nổi bàn luận, đưa ra quan điểm, tranh biện để chọn ra phương án tối ưu nhất cho cả nhóm. Ngoài ra, bất đồng quan điểm cũng có thể xảy ra trong trường hợp chúng ta nói chuyện, chia sẻ quan điểm với bạn bè, người thân về bất kỳ chủ đề nào trong cuộc sống, đây cũng là điều bình thường, vì như thế thì mới thú vị, mới có nhiều chuyện để nói với nhau, điều quan trọng là bạn kiểm soát những bất đồng ấy ra sao, để tránh việc nghiêm trọng hoá, gây xích mích, rạn nứt tình cảm với những người xung quanh.
>> Đừng nhầm lẫn phản biện và tranh cãi khi làm việc nhóm
Nguyên nhân gây ra bất đồng quan điểm
Sau khi tìm hiểu bất đồng quan điểm là gì, thường xảy ra khi nào, thì bạn sẽ thấy rằng nó hoàn toàn có thể diễn ra một cách bất chợt mà chúng ta khó lòng lường trước. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự chuẩn bị trước một số động thái khi nhận thấy đang xuất hiện các nguyên nhân gây ra bất đồng quan điểm phổ biến sau:
- Không chịu lắng nghe nhau khi thảo luận, luôn khăng khăng rằng mình đúng;
- Phản biện theo hướng tranh cãi, cảm tính, không dựa trên các dữ liệu xác thực;
- Quan điểm mỗi người mỗi khác, do chênh lệch tuổi tác, trải nghiệm và kinh nghiệm;
- Lĩnh vực chuyên môn, kiến thức chuyên ngành khác nhau, khó tìm được tiếng nói chung;
- Vấn đề được thảo luận đa chiều, sẽ khác nhau dựa trên góc nhìn riêng của mỗi người;
- Lợi ích cá nhân của mỗi người khác nhau, nên mọi người khăng khăng giữ quan điểm của mình;
- Mục tiêu khác nhau, không hướng tới mục tiêu chung, dễ xảy ra bất đồng quan điểm…
Bên cạnh các nguyên nhân trên, thì trong thực tế vẫn tồn tại nhiều lý do khác, có thể khiến bất đồng quan điểm nhen nhóm phát sinh, và hoàn toàn có thể bùng nổ mạnh mẽ hơn nếu như đôi bên vẫn khăng khăng giữ quan điểm của mình, không chịu lắng nghe, không chịu thay đổi góc nhìn một cách khách quan hơn.
Cách phòng tránh bất đồng quan điểm khi làm việc nhóm
Thay vì để bất đồng quan điểm bùng nổ, khiến đôi bên mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm một cách trầm trọng rồi lại mất công giải quyết, thì cách tốt nhất vẫn là bạn nên chủ động phòng tránh. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, dưới đây là một số cách phòng tránh bất đồng quan điểm khi làm việc nhóm mà bạn có thể tham khảo:
- Tìm hiểu kỹ thông tin trước khi thảo luận nhóm, đảm bảo mọi người đều hiểu đúng, hiểu rõ vấn đề, thì khi thảo luận sẽ dễ thống nhất tiếng nói chung, tránh xảy ra trường hợp bất đồng quan điểm vì có người hiểu sai;
- Cùng nhau hướng về mục tiêu chung, vì lợi ích tập thể, không để lợi ích cá nhân khiến mọi người bất đồng;
- Cố gắng nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn khách quan, đa chiều, tránh việc nhìn nhận phiến diện rồi tranh cãi;
- Luôn nhớ rằng mọi người đang cùng một nhóm, đang là một team, đang cùng giải quyết một vấn đề;
- Chú ý lắng nghe khi người khác trao đổi quan điểm, phản biện, để nắm được vấn đề họ đang muốn trao đổi, bàn luận thêm là gì, hiểu đúng trước khi bắt đầu phản biện lại;
- Luôn chia sẻ quan điểm và phản biện dựa trên dữ liệu khách quan, bằng chứng cụ thể, tránh việc nói chuyện theo cảm tính cá nhân, cho rằng, nghĩ rằng, cảm thấy rằng,…
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng bất đồng quan điểm là gì, nguyên nhân và cách phòng tránh thế nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Cãi nhau với đồng nghiệp vì bất đồng quan điểm thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.