Làm sao để sinh tồn ở đại học là điều mà rất nhiều tân sinh viên quan tâm. Thậm chí các sinh viên năm 2, năm 3, năm 4 cũng gặp không ít bối rối khi phải đối mặt với việc thuyết trình nhóm, cân đối thời gian giữa học tập – đi làm thêm, tìm chỗ thực tập, làm khoá luận tốt nghiệp,… Có thể nói rằng sóng gió ở đại học là nhiều đấy, hết thử thách này đến thử thách khác ập đến, có những việc mà các em mới lần đầu tiếp xúc, chưa biết giải quyết thế nào luôn. Vậy liệu rằng có bí quyết sinh tồn nào dành cho sinh viên ở trường đại học không?
Sinh viên năm 1 không được mắc những sai lầm này
Sinh viên năm 1 mới chân ướt chân ráo bước vào môi trường đại học chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Các em sẽ bị choáng ngợp khi phải tiếp xúc với quá nhiều người bạn mới, làm quen với phương pháp giảng dạy và học tập mới, nói chung sẽ là một tấm chiếu mới, chưa từng trải, dễ mắc phải những sai lầm trong suy nghĩ và hành động, khiến sau này nhìn lại sẽ hối tiếc. Những việc các em đã làm, những gì các em lựa chọn vào hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai, sau này các em mới nhận ra thì đã muộn rồi, chẳng thay đổi được gì nữa. Đây là điều đầu tiên các em cần lưu ý khi muốn sinh tồn ở đại học.
>> Những sai lầm của sinh viên năm 1 khiến sau này hối tiếc khi nhìn lại
Luôn tập trung nghe giảng để sinh tồn ở đại học
Tập trung nghe giảng chính là bí quyết tiếp theo để sinh tồn ở đại học. Đây không phải điều quá khó, nhưng không ít sinh viên lơ là, không xem trọng điều này, dẫn tới việc đi học xong lại không hiểu bài, không biết làm bài tập, đến lúc thi học kỳ thì lại bối rối, không biết bắt đầu ôn từ đâu, không biết trọng tâm thi nằm ở những phần nào. Các bài giảng ở đại học liên kết rất chặt chẽ với nhau (trong cùng một môn), thậm chí có nhiều môn học còn liên kết kiến thức với nhau luôn, nên nếu như môn nền tảng các em không vững, không tập trung nghe giảng, thì sau này học lên các môn chuyên ngành nâng cao sẽ rất khó tiếp thu, dẫn tới việc ra trường mà không vững kiến thức, gặp nhiều khó khăn khi xin việc.
Tập trung nghe giảng không chỉ liên quan đến kiến thức, mà nó còn giúp các em vượt qua được các kỳ thi nữa. Theo kinh nghiệm của anh thì những gì mà giảng viên hay lặp đi lặp lại, nhắc đi nhắc lại từ buổi này sang buổi khác thì chắc chắn sẽ có trong đề kiểm tra giữa kỳ, thậm chí là đề thi cuối kỳ. Ngoài ra, khi tập trung nghe giảng trong những buổi học cuối cùng thì nhiều khi giảng viên sẽ phân vùng kiến thức cần ôn thi, gợi ý cho các em biết phần nào trọng tâm để ôn tập luôn đó.
Vượt qua sóng gió khi thuyết trình nhóm ở đại học
Thuyết trình nhóm là điều mà chắc chắn các em phải đối mặt và vượt qua thì mới có thể sinh tồn ở đại học. Có một số bạn đã tiếp xúc với thuyết trình nhóm một vài lần ở cấp ba, nhưng đa số sinh viên thì chưa, lên đại học mới là lần đầu tiên làm bài thuyết trình, mà lại còn theo nhóm nữa. Vậy là các em phải cùng lúc trau dồi cả 2 kỹ năng quan trọng, đó là kỹ năng thuyết trình và kỹ năng làm việc nhóm. Nếu thiếu một trong hai thì cũng khó lòng mà thuyết trình nhóm thành công. Vậy có bí quyết nào để thuyết trình nhóm hiệu quả và đạt điểm cao không? Các em hãy xem ở đường link bên dưới nhé!
>> 14 lưu ý để sinh viên thuyết trình nhóm được điểm cao
Cân đối thời gian giữa học tập, tham gia CLB và đi làm thêm
Một trong những điều khiến không ít sinh viên đau đầu, đó chính là có không đủ thời gian để làm những điều mình muốn làm, cảm thấy chỉ có 24h một ngày là quá ít. Vừa phải học tập, vừa phải tham gia CLB để mở rộng mối quan hệ, trau dồi thêm kỹ năng, vừa phải tranh thủ đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, va chạm với đời và học hỏi một số kinh nghiệm làm việc. Đây thật sự là một bài toán khó đối với sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất. Với kinh nghiệm của anh thì các em nên chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Năm 1, năm 2 – Học tập và tham gia CLB -> Làm thế nào để cân bằng giữa việc học và tham gia CLB?
- Giai đoạn 2: Năm 3, năm 4 – Học tập, thực tập và đi làm thêm -> Làm thế nào để cân bằng giữa việc học và làm thêm?
Tìm chỗ thực tập và không ngừng học hỏi
Một trong những thử thách lớn của đại học chính là quá trình tìm chỗ thực tập, đi thực tập và học hỏi những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích trong kỳ thực tập. Để tìm được chỗ thực tập là điều không hề đơn giản, vì đây là lần đầu các em viết CV và phỏng vấn xin việc nên chắc chắn sẽ gặp không ít bỡ ngỡ, không biết cách viết CV, thậm chí còn dễ mắc phải các lỗi thường gặp khi viết CV và phỏng vấn. Rồi đến khi đi thực tập, các em cũng sẽ như một “tấm chiếu mới”, không biết cách làm thế nào để thích nghi với môi trường làm việc, tiếp thu các công việc,… Đừng lo, anh đã tổng hợp rất nhiều kinh nghiệm thực tập tại đây.
Khoá luận tốt nghiệp – Thử thách sinh tồn cuối cùng ở đại học
Khoá luận tốt nghiệp chính là thử thách sinh tồn cuối cùng ở đại học, bất kỳ sinh viên nào cũng cần phải tập trung, cố gắng, nỗ lực hết mình để vượt qua thử thách đầy khó khăn này. Trước đó, chắc chắn các em cũng từng làm nhiều bài tiểu luận rồi, nhưng hầu hết là làm theo nhóm, chung với các bạn khác. Đối với khoá luận tốt nghiệp, các em phải tự mình làm từ đầu đến cuối, tự tìm hiểu kiến thức, phân tích thực trạng, đưa ra giải pháp để áp dụng vào thực tế công việc tại công ty mà mình thực tập… Nó phức tạp hơn các bài tiểu luận nhiều, và chỉ có một mình các em thôi, nên phải nỗ lực rất nhiều ấy. Nhưng các em yên tâm, vì đã có phương pháp làm khoá luận tốt nghiệp đạt kết quả tốt.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.