Thuyết trình nhóm là điều mà sinh viên phải làm quen khi lên đại học. Đây là phương pháp học mới mà hồi cấp 3 đa số các em chưa từng trải qua. Vậy làm thế nào để thích nghi và làm việc nhóm hiệu quả? Chuẩn bị nội dung, làm slide và thuyết trình như thế nào để được điểm cao?
>> Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp trước đám đông
Thuyết trình nhóm là gì?
Thuyết trình nhóm là một hình thức chia nhóm để cùng nhau tìm hiểu, phân tích và trình bày về một đề tài bất kỳ liên quan đến môn học, hiện đang rất phổ biến ở các trường đại học. Thuyết trình nhóm là sự giao thoa giữa kỹ năng thuyết trình và kỹ năng làm việc nhóm. Sở dĩ giảng viên đưa thuyết trình nhóm vào chương trình học là để giúp các em vừa hiểu rõ bài học hơn, vừa rèn luyện được thêm các kỹ năng quan trọng, cần thiết cho công việc sau này.
Số lượng thành viên trong các nhóm thuyết trình thường sẽ dao động từ 4 đến 10 sinh viên, hoặc thậm chí có thể đông người hơn, tuỳ theo quy định của giảng viên. Thông thường, sinh viên sẽ được tự chọn lựa thành viên vào nhóm, lúc này, các em có thể chọn các bạn mà mình đã thân quen, đã hiểu cách làm việc nhóm của nhau để phối hợp với nhau một cách ăn ý. Tuy nhiên, vẫn có những môn học mà giảng viên sẽ tự chia nhóm, nên các thành viên có thể chưa biết nhau, đây là thử thách dành cho các em vì phải vừa làm quen với nhau, vừa tìm hiểu cách làm việc nhóm của nhau, mà vẫn phải đảm bảo nội dung và chất lượng bài thuyết trình.
14 lưu ý để sinh viên thuyết trình nhóm được điểm cao
Nếu chưa từng có kinh nghiệm làm bài thuyết trình nhóm, chắc chắn các em sẽ rất lo lắng, không biết phải làm thế nào, phân chia công việc, phối hợp với nhau ra sao để có thể hoàn thành bài thuyết trình tốt nhất. Dưới đây là những lưu ý dành cho các em:
1. Lựa chọn nhóm trưởng
Ngoài các nhiệm vụ bình thường như các thành viên khác, thì nhóm trưởng sẽ là người phân chia công việc, theo dõi tiến độ làm việc nhóm, hỗ trợ các thành viên khi cần thiết. Nếu trong nhóm chưa có ai tự tin vào vai trò nhóm trưởng thì các em cứ thử sức xem, rèn luyện từ từ thì mình sẽ giỏi lên. Nhất định phải có nhóm trưởng nhé, vì làm việc nhóm mà không có nhóm trưởng thì sẽ giống như lái tàu mà không có thuyền trưởng ấy, sẽ dễ bị mất phương hướng và không đi được đến đích.
>> Câu hỏi phỏng vấn: Bạn thường giữ vai trò gì khi làm việc nhóm?
2. Lựa chọn đề tài thuyết trình nhóm
Có những trường hợp giảng viên sẽ chỉ định đề tài. Nhưng đa số thì giảng viên sẽ để cho các nhóm tự lựa chọn đề tài. Lúc này sẽ có 2 trường phái: Chọn đề tài an toàn, dễ làm nhưng sẽ khó lòng gây ấn tượng. Chọn đề tài khó, đòi hỏi phải tìm hiểu và phân tích kỹ phức tạp, nhưng sẽ gây ấn tượng với giảng viên. Tất cả tuỳ vào lựa chọn của các em thôi, nếu muốn đạt được điểm cao thì các em nên chọn đề tài khó và cố gắng hoàn thành nó thật tốt.
3. Phân chia công việc hợp lý
Sau khi đã có đề tài và nhóm trưởng, các em cần phân chia đề tài thành nhiều phần nhỏ, mỗi phần giao cho 1-2 bạn phụ trách tìm hiểu; ngoài ra, các em cũng cần phân chia người thuyết trình (khoảng 2-3 người) và người thiết kế slide (1 người). Việc phân chia công việc này sẽ phụ thuộc vào nhóm trưởng và cần dựa trên thế mạnh của từng thành viên.
>> 5 câu hỏi về kỹ năng làm việc nhóm phổ biến nhất khi phỏng vấn
4. Chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng
Đối với việc chuẩn bị nội dung, các em cần phải tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng, cố gắng tham khảo càng nhiều nguồn tài liệu càng tốt, đặc biệt là các tài liệu nước ngoài. Cố gắng tìm kiếm nhiều số liệu để đưa vào bài, nên lựa chọn số liệu mới nhất.
5. Giúp đỡ lẫn nhau
Một trong những mục tiêu của việc làm việc nhóm là tập cho các em thói quen giúp đỡ lẫn nhau, chính vì thế, nếu có thành viên nào gặp khó khăn thì đừng ngại nhờ mọi người giúp đỡ nhé, tất cả đều vì kết quả chung của nhóm mà.
6. Tuân thủ deadline khi làm bài thuyết trình nhóm
Đây là điều cực kỳ quan trọng khi làm việc nhóm, vì nếu có bất cứ ai không tuân thủ deadline, nộp bài trễ thì sẽ khiến quá trình tổng hợp bài bị trì hoãn, không đủ thời gian để thiết kế slide và tập dợt thuyết trình, dẫn đến kết quả bài thuyết trình sẽ được đánh giá thấp. Chính vì thế, dù bận việc cá nhân, bận đi làm thêm hay tham gia CLB thì các em vẫn nên tuân thủ deadline, đừng gây ảnh hưởng đến nhóm nhé.
7. Thảo luận nhóm hiệu quả
Sau khi từng thành viên đã chuẩn bị xong nội dung, cả nhóm cần có một buổi họp để cùng thảo luận, xem nên đưa những nội dung nào vào bài, sắp xếp thứ tự ra sao, bổ sung các số liệu, dẫn chứng nào cho thuyết phục. Nếu đề tài là nêu ra giải pháp để giải quyết vấn đề thì cần thảo luận xem nên chọn các giải pháp nào. Đôi khi sẽ xảy ra bất đồng quan điểm, mâu thuẫn khi làm việc nhóm, các em cần bình tĩnh giải quyết, lắng nghe quan điểm của mọi người, tránh việc mặc định rằng quan điểm của mình luôn đúng rồi bất đồng với nhau nhé.
8. Đảm bảo các thành viên đều hiểu bài
Chính vì phân chia từng thành viên phụ trách từng phần khác nhau nên sẽ dễ dẫn đến trường hợp mọi người chỉ hiểu phần của mình. Đó là điều không nên. Các em cần phải đảm bảo các thành viên đều hiểu bài, vì những kiến thức đó cực kỳ quan trọng, sẽ ứng dụng trong công việc sau này và cũng có thể sẽ liên quan đến các môn học tiếp theo. Bên cạnh đó, trong lúc phản biện khi thuyết trình nhóm, có thể các thành viên sẽ được chỉ định ngẫu nhiên để trả lời câu hỏi, nếu như thành viên đó không hiểu bài thì sẽ khiến nhóm bị trừ điểm.
9. Làm cho bài thuyết trình trở nên sinh động
Một trong những lý do cần phải thuyết trình nhóm chính là để cho bài học không bị nhàm chán. Và để không bị nhàm chán thì các em cần làm cho bài thuyết trình trở nên sinh động. Các em có thể sử dụng các bảng, biểu đồ, hình ảnh, video, mini game để giúp bài thuyết trình sinh động và dễ hiểu hơn. Ngoài ra, các em cũng có thể tập dợt và diễn các tình huống liên quan đến bài thuyết trình.
10. Thiết kế slide thuyết trình đẹp
Slide thuyết trình đẹp và chuyên nghiệp vừa gây ấn tượng tốt với người xem, vừa giúp mọi người dễ hiểu được bài học hơn. Chắc chắn giảng viên cũng sẽ có thiện cảm hơn với các nhóm có slide thuyết trình đẹp. Về các lưu ý để có thể thiết kế slide đẹp thì các em có thể tham khảo tại đây.
11. Luyện tập kỹ lưỡng trước buổi thuyết trình nhóm
Trước buổi thuyết trình nhóm, các em cần luyện tập kỹ lưỡng, để tránh việc bị khớp, bị run rồi quên bài. Các em cần tập dợt để đảm bảo những bạn thuyết trình đều thuộc kỹ phần nội dung của mình, thuyết trình tự nhiên, lưu loát. Đồng thời, các em cũng cần phải đảm bảo bạn bấm slide sẽ phối hợp ăn ý với các bạn thuyết trình.
12. Chuẩn bị trước các câu hỏi có thể gặp phải
Phản biện, đặt câu hỏi là phần chắc chắn sẽ diễn ra vào cuối buổi thuyết trình nhóm. Các bạn trong lớp và chính giảng viên sẽ có thể đặt câu hỏi để yêu cầu nhóm thuyết trình trả lời. Để đảm bảo thành công trong phần phản biện, các em cần chuẩn bị trước các câu hỏi có thể gặp phải, đồng thời, cùng nhau đưa ra câu trả lời và đảm bảo tất cả thành viên trong nhóm đều nắm rõ câu trả lời cho các câu hỏi đó.
13. Thuyết trình tự tin, lưu loát
Ngoài giảng viên (đã được các em gửi file nộp bài và phân chia công việc), chẳng ai trong lớp biết các em đã chuẩn bị như thế nào cho buổi thuyết trình nhóm. Điều mà mọi người trong lớp biết chỉ là trong buổi thuyết trình đó các em đã thể hiện ra sao, có tự tin không, có lưu loát không, có dễ hiểu bài hay không, có giải đáp được hết các thắc mắc hay không. Tất nhiên giảng viên cũng sẽ dựa vào phần thuyết trình này để đánh giá kết quả chung của bài thuyết trình nhóm. Chính vì vậy, các em đừng để xảy ra trường hợp bị run khi thuyết trình trước lớp nhé.
14. Viết email nộp bài chuyên nghiệp
Chắc chắn giảng viên sẽ yêu cầu các em nộp bài thuyết trình (bao gồm slide thuyết trình, nội dung bài thuyết trình, file phân chia công việc, tài liệu tham khảo…). Khi gửi email các file này cho giảng viên, các em cần phải đảm bảo viết email chuyên nghiệp. Mặc dù có thể phần viết email này không nằm trong thang điểm đánh giá, nhưng sự chuyên nghiệp của các em sẽ làm cho giảng viên có ấn tượng tốt hơn khi chấm điểm.
14 lưu ý có vẻ khá nhiều, nhưng anh nghĩ là nên chia sẻ cụ thể và chi tiết như thế thì sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về cách chuẩn bị và trình bày bài thuyết trình nhóm sao cho tối ưu nhất. Tất nhiên sẽ khó lòng hoàn thành tốt bài thuyết trình nhóm ngay từ những lần đầu tiên, nhưng các em đừng nản chí, mình chỉ cần làm theo các lưu ý này và dần dần khắc phục những điểm mình còn thiếu sót, thì các em sẽ sớm thành công thôi. Chúc các em làm bài thuyết trình nhóm thật tốt và đạt được điểm cao nhé.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.