Cách Đối Mặt Và Vượt Qua Những Sai Lầm Trong Quá Khứ

Hiện tại, mọi việc đang rất bình yên, bạn đang gặp nhiều thuận lợi trong học tập và công việc. Nhưng sóng gió có thể ập đến bất kỳ lúc nào, chúng bắt nguồn từ những sai lầm trong quá khứ của chính bạn, nhiều khi bạn đã quên mất điều đó, nhưng người khác vẫn còn nhớ đến và “đào bới” lên. Nếu chẳng may rơi vào trường hợp ấy, thì bạn nên có cách xử lý như thế nào, phải làm sao để đối mặt và vượt qua những sai lầm trong quá khứ?

>> Cách xử lý khéo léo khi bị người khác chê

Bất kỳ ai cũng có những sai lầm trong quá khứ

Thật ra, chẳng có ai hoàn hảo ngay từ đầu, chúng ta đều phải trải qua một quá trình để học hỏi, hoàn thiện bản thân trong tư duy, lời nói và hành động. Bất kỳ ai cũng có những sai lầm trong quá khứ, khi mình còn chưa trưởng thành, chưa ý thức được những hành động của bản thân, bị cảm xúc nhất thời chi phối nên lỡ có những hành vi hoặc lời nói chưa chuẩn mực. Bạn hãy thử nhớ lại xem, bản thân mình hiện tại đã thay đổi như thế nào, đã hoàn thiện hơn ra sao, khi so với chính mình vào 5-10 năm trước? Đó chính là một hành trình sai – sửa sai – học hỏi – hoàn thiện bản thân. Những sai lầm trong quá khứ sẽ là bài học giúp chúng ta trưởng thành hơn, tuy nhiên, chúng hoàn toàn có thể “comeback” trong tương lai, để thử thách xem bạn đã thật sự trưởng thành chưa, bạn sẽ đối mặt và vượt qua chúng như thế nào?

Tuổi trẻ bồng bột thường mắc những sai lầm nào?

Trước khi giải đáp câu hỏi ấy, chúng ta sẽ cùng điểm lại một số sai lầm mà mình thường mắc phải khi còn trong giai đoạn “tuổi trẻ bồng bột”. Đầu tiên, đó có thể là sai lầm về cách ứng xử, hành xử, chẳng hạn như là thiếu tôn trọng người khác, xem thường người khác, gây tổn thương cho người khác, gây nên những hiểu lầm khiến rạn nứt các mối quan hệ. Đó cũng có thể là sai lầm trong lời nói, sử dụng ngôn từ tục tiễu, chửi bới, xúc phạm người khác, bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội, nói xấu người khác, hoặc lỡ lời nói ra những điều khiến mọi người có cái nhìn không tốt về mình. Đó cũng có thể nằm ở một số thói hư tật xấu, chẳng hạn như là sự lười biếng, trễ hẹn, thất hứa, gian dối,… Tất cả đều là những sai lầm trong quá khứ mà chúng ta không hề muốn nhắc lại, chỉ muốn chúng chìm vào quên lãng và tự hứa với bản thân rằng mình sẽ không mắc phải những điều ấy nữa, mình hiện tại đã trưởng thành hơn rất nhiều, đó chỉ là những điều bồng bột của tuổi trẻ.

>> 6 thất bại thường gặp của sinh viên và cách vượt qua

Có nên trốn tránh những sai lầm năm xưa không?

Thật ra, nếu không muốn người khác biết thì tốt nhất là đừng làm, không muốn bị mọi người phán xét thì hãy tránh xa những hành động và lời nói gây tranh cãi. Cây ngay không sợ chết đứng, khi bạn không làm gì sai trái thì bạn sẽ chẳng phải lo sợ điều gì, còn nếu đã lỡ có những sai lầm trong quá khứ, thì bạn cần phải chuẩn bị tinh thần để đối diện với chúng trong tương lai. Khi nhưng sai lầm năm xưa bị đào lại, thì bạn không nên trốn tránh, vì đó là quá khứ của mình, mình đã gây ra thì mình phải chịu trách nhiệm, phải đối diện, phải khắc phục, chứ không thể lẩn trốn mãi được. Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại, khi bạn thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm của mình và có hướng xử lý phù hợp, thì mọi người cũng sẽ thông cảm và cho bạn cơ hội để thay đổi, để chứng minh rằng mình đã trưởng thành hơn. Vậy “xử lý phù hợp” là làm những gì, bạn phải làm sao để đối mặt và vượt qua những sai lầm trong quá khứ?

Cách đối mặt và vượt qua những sai lầm trong quá khứ

Đối mặt và vượt qua những sai lầm trong quá khứ là một quá trình đầy khó khăn, đòi hỏi bạn phải khéo léo, kiên nhẫn và chứng minh được cho mọi người thấy rằng mình thật sự đã thay đổi so với lúc xưa. Đầu tiên, bạn cần phải chấp nhận, thừa nhận những sai lầm năm xưa của mình và đưa ra lời xin lỗi công khai đến những cá nhân, tập thể đã chịu ảnh hưởng xấu bởi những điều đó. Lời xin lỗi cần được nói ra một cách chân thành, thật lòng, tránh việc xin lỗi cho có hoặc xin lỗi theo văn mẫu. Song song đó, bạn cần giải thích rõ nguyên nhân nếu như đó là điều hiểu lầm, nhưng lưu ý rằng bạn chỉ đang giải thích cho mọi người hiểu rõ mọi việc, để có được cái nhìn khách quan, chứ không phải là đang cố biện minh rằng mình trong sạch, mình không sai, mình chẳng có lỗi lầm gì. Ngoài ra, từ những nguyên nhân đó thì bạn cũng có thể tự rút được những kinh nghiệm, những bài học quý giá để mình trưởng thành hơn và không mắc những sai lầm đó trong tương lai nữa.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần đưa ra hướng khắc phục và nhanh chóng hành động để khắc phục hậu quả mà những sai lầm trong quá khứ đã gây ra (nếu chúng còn chưa được xử lý thoả đáng). Cuối cùng, bạn cần lấy lại sự tự tin, mạnh mẽ tiến về phía trước vì thật ra tương lai mình vẫn còn dài, vẫn còn nhiều điều đang chờ đợi để thử thách xem liệu bạn đã thật sự trưởng thành và hoàn thiện bản thân chưa. Điều quan trọng mà bạn cần nhớ chính là hãy luôn cẩn trọng trong mọi lời nói, mọi hành động, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi hành xử và không tái phạm lại những sai lầm cũ.

>> Cảm thấy mông lung về tương lai thì phải làm sao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Khi Có Mục Tiêu Rõ Ràng, Bạn Sẽ Làm Được Rất Nhiều Điều

Mỗi Ngày Chỉ Cần Tốt Hơn 1%, Bạn Sẽ Tiến Bộ Rất Nhiều

Học Tập & Làm Việc Ở Nước Ngoài Có Phải Ước Mơ Xa Vời?