Những Sự Thật Kinh Khủng Khi Đi Làm Khiến Sinh Viên Mới Ra Trường “Phát Điên”

Mặc dù khi đi học cũng tồn tại nhiều áp lực về học hành, thi cử, điểm số, xếp loại tốt nghiệp, rồi cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như rớt môn, nợ môn, bị hạ bằng tốt nghiệp, ra trường trễ,… nhưng thật ra những điều đó vẫn còn khá bình thường. Sau này, khi đi làm, sinh viên mới ra trường sẽ gặp nhiều áp lực hơn, thậm chí có những sự thật kinh khủng khiến các em cực kỳ mệt mỏi, đau đầu, thậm chí còn muốn “phát điên” lên luôn.

>> Bạn có thích công việc mình đang làm không?

Sự thật là… cuộc sống khi đi làm sẽ không còn dễ dàng

Khi đi học, sinh viên có thể sai, có thể sót, những sai sót của các em sẽ phải trả giá bằng điểm số, tức là mình sẽ bị điểm kém, nhưng điểm kém thì vẫn có cơ hội để lội ngược dòng khi thi cuối kỳ, hoặc cho dù có bị rớt môn thì các em vẫn có quyền học lại, và hầu như sinh viên nào cũng đều tốt nghiệp ra trường một cách thuận lợi, chỉ khác nhau ở xếp loại tốt nghiệp thôi. Còn khi đi làm, cuộc sống sẽ không còn dễ dàng như khi đi học nữa, bất kỳ sai sót nào của các em cũng sẽ đều bị khiển trách, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả làm việc, tác động xấu đến thu nhập và nhiều khi còn phải trả giá bằng việc thất nghiệp khi năng lực mình chưa tốt, chưa đủ giỏi để cạnh tranh việc làm với những ứng viên khác.

Khi đi làm, không đơn thuần chỉ là hoàn thành công việc là xong, mà các em còn phải đảm bảo về chất lượng, năng suất, deadline, tất cả đều được cấp trên theo sát và đánh giá 1-1, chứ không phải mình được ngồi trộn lẫn trong một tập thể mấy chục con người như khi còn đi học đâu. Ngoài ra, thời gian rảnh khi đi làm cũng khá ít ỏi, nhiều khi ngoài giờ làm việc hoặc cuối tuần vẫn phải cố gắng làm cho xong việc, làm việc theo kết quả chứ không tính toán thời gian, không phải hết giờ làm việc là được đứng lên đi về ngay như khi tan học… Đây chính là sự thật kinh khủng khi đi làm khiến nhiều sinh viên mới ra trường “phát điên”, thậm chí nhiều bạn còn bị sốc khi phải đối diện với nó.

Áp lực và trách nhiệm kinh khủng khi đi làm

Khi đi học, sinh viên phải đối mặt với áp lực học hành, thi cử, điểm số, những điều đó khiến các em muốn “phát điên lên”, nhưng nhìn chung thì các em cũng thoải mái hơn nhiều so với khi đi làm sau này. Nhiều khi mình cực kỳ nỗ lực, tập trung làm việc, nhưng vẫn không tránh khỏi những rủi ro khiến mình đạt kết quả làm việc chưa tốt và tất nhiên mình sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về điều đó. Sự thật là khi đi làm, các em sẽ phải đối mặt với áp lực và trách nhiệm kinh khủng, khi công việc càng nhiều, chức vụ càng cao, thì trách nhiệm phải gánh vác càng lớn.

Rồi những áp lực khi làm việc với sếp khó tính, nhiều khi mình hoàn thành tốt công việc, mình hài lòng với điều đó, nhưng nó vẫn chưa làm thoả mãn cấp trên, vì họ sẽ luôn muốn các em làm tốt hơn, làm được nhiều hơn như thế. Chưa kể những lúc phải đối mặt với khách hàng, đối tác khó tính, luôn đòi hỏi sự chuyên nghiệp, họ cũng có thể đưa ra những yêu cầu khiến các em khó xử, rồi nếu xử lý không khéo có thể khiến họ phật lòng, mất cơ hội hợp tác. Rất nhiều tình huống bất ngờ, éo le có thể xảy ra mà chúng ta sẽ không lường trước được, mọi chuyện sẽ không còn dễ dàng như hồi sinh viên còn đi học.

>> 8 áp lực công việc bạn phải đối mặt khi đi làm kiếm tiền

Sự thật về tiền lương và áp lực chi tiêu khi đi làm

Sau này, khi ra trường đi làm, các em sẽ được trả lương tương xứng với năng lực của mình, sẽ có được nguồn thu nhập để trang trải chi tiêu mỗi tháng. Cứ tưởng điều đó là sung sướng, vì mình sẽ có nhiều tiền để xài, nhưng sự thật là khi đi làm kiếm tiền sẽ cực kỳ vất vả, kiếm tiền chưa bao giờ là dễ cả, để có được mức lương cao là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu và phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức. Đó chỉ mới là vấn đề kiếm tiền, còn bài toán chi tiêu, áp lực chi tiêu nó còn kinh khủng hơn. Có 1001 khoản tiền phải chi tiêu mỗi tháng, chi phí ăn uống, phòng trọ, di chuyển, sinh hoạt, giải trí,… các em sẽ phải tự xử lý, chứ không còn sự trợ giúp của phụ huynh nữa. Chính điều này đã dẫn đến một thực trạng khá phổ biến chính là mọi người đi làm kiếm tiền, nhưng cuối cùng nhìn lại thì chẳng dư dả được bao nhiêu, thậm chí nhiều người còn trở thành nô lệ của đồng tiền, thiếu nợ tùm lum nếu không biết cách quản lý tài chính cá nhân.

Môi trường cạnh tranh khốc liệt khi đi làm

Khi đi học, sinh viên sẽ chỉ cạnh tranh với bạn bè về điểm số, nhưng thật ra điều đó cũng không hẳn là cạnh tranh, vì các em điểm cao thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới bạn khác, thậm chí còn có nhiều trường hợp đôi bạn cùng tiến, cùng giúp đỡ nhau đạt kết quả học tập tốt. Nhưng khi đi làm thì có một sự thật kinh khủng, đó chính là mọi người sẽ cạnh tranh với nhau cực kỳ khốc liệt, ngay từ khi ứng tuyển việc làm, các em đã phải cạnh tranh với rất nhiều ứng viên khác để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng vì sao nên lựa chọn mình, mình có những điểm nào phù hợp với vị trí ứng tuyển, có khả năng hoàn thành tốt công việc như thế nào, mang về những giá trị gì cho công ty? Rồi khi được nhận vào làm việc, các em phải chứng minh những gì mình đã hứa hẹn khi phỏng vấn, nếu không thì sớm muộn gì cũng bị đào thải. Ngoài ra, để có cơ hội được tăng lương, thăng tiến, thì mình lại phải liên tục cạnh tranh ngầm với những đồng nghiệp xung quanh, xem ai có năng lực tốt hơn, ai có kết quả làm việc tốt hơn, ai có đủ kỹ năng và tố chất để thăng tiến lên vị trí quản lý,…

>> Phải làm sao khi áp lực công việc quá lớn?

Phải làm những việc mình không thích khi đi làm

Mặc dù không phải sinh viên nào cũng hứng thú với việc học, nhưng ít ra các em cũng được chủ động lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân, được học những môn chuyên ngành liên quan tới công việc mà sau này mình muốn làm, thành ra điều này cũng giúp việc học bớt nhàm chán, thậm chí nếu nhìn xa hơn thì những kiến thức chuyên ngành được học sẽ cực kỳ hữu ích, giúp các em phát triển bản thân và tích luỹ được đủ hành trang để ra trường xin việc sau này, tức là các em đang dành thời gian và công sức để đầu tư cho một việc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho mình trong tương lai.

Còn khi đi làm, mặc dù các em hoàn toàn có thể apply công việc đúng chuyên ngành, nhưng sự thật là đâu đó trong những công việc mình làm hàng ngày vẫn sẽ tồn tại những đầu việc mà mình chẳng thấy hứng thú chút nào, thậm chí còn cực kỳ nhàm chán nữa, nhưng không thể từ chối, không thể đùn đẩy cho người khác, mà chính các em sẽ vẫn phải làm những việc đó, vì đó là công việc, là điều mình cần phải làm theo yêu cầu của công ty, của cấp trên. Thậm chí, có thể các em sẽ phải làm việc với những đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, mà mình không có thiện cảm, khi đó, những cảm xúc cá nhân sẽ phải gác qua một bên, ưu tiên cho việc hoàn thành tốt công việc và đảm bảo sự chuyên nghiệp khi làm việc.

Trên đây là những sự thật kinh khủng khi đi làm có thể sẽ khiến sinh viên mới ra trường “phát điên” và chưa thể thích nghi ngay được. Tuy nhiên, đây là tình hình chung của tất cả mọi người, bất kỳ ai cũng phải đối diện và dần làm quen, môi trường làm việc vốn dĩ sẽ nhiều áp lực, nhiều trách nhiệm, chứ không còn êm đềm như khi đi học nữa. Rất nhiều thử thách đang chờ đợi các em ở phía trước, hãy bình tĩnh và mạnh mẽ vượt qua nhé!

>> Có quá nhiều việc cần làm cùng lúc thì phải làm sao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý