Nhiều bạn sinh viên đang rất lăn tăn rằng làm sao để học tốt, tại sao mình cũng chăm chỉ học nhưng kết quả điểm số lại không khả quan? Mấu chốt nằm ở sự chăm chỉ, quyết tâm, phương pháp học và cách lập mục tiêu học tập của các em. Với 3 yếu tố đầu tiên thì ai cũng biết tầm quan trọng của nó, nhưng chuyện lập mục tiêu thì liên quan gì nhỉ, tại sao nó cũng tác động tới kết quả học tập? Để giải đáp điều này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu cách lập mục tiêu SMART giúp sinh viên học tốt.
>> Cách chia nhỏ mục tiêu để tăng khả năng hoàn thành
Lập mục tiêu SMART là gì?
Lập mục tiêu SMART nếu dịch sát nghĩa đen tức là cách lập mục tiêu thông minh, từ đó, giúp tăng khả năng đạt được, hoàn thành đúng như mục tiêu đã đặt ra. Còn theo đúng nghĩa chuyên môn, thì SMART là một phương pháp lập mục tiêu đề cao 5 tiêu chí sau:
- S – Specific – Cụ thể: Mục tiêu cần phải cụ thể, không mơ hồ, chung chung;
- M – Measurable – Có thể đo lường: Mục tiêu cần có các con số, định lượng cụ thể để đo lường, đánh giá tiến độ, và tới cuối cùng có thể phân tích kết quả xem mình đạt được bao nhiêu %, tránh việc đặt mục tiêu xong tới lúc kết thúc lại chẳng có tiêu chí gì để dựa vào đo lường kết quả;
- A – Achievable – Có thể đạt được: Mục tiêu cần phải khả thi, phù hợp với thực tế, với năng lực của bạn, có thể hơi thách thức một tí, đòi hỏi bạn phải tập trung, cố gắng và nỗ lực hơn để theo đuổi, nhưng tuyệt đối nên tránh các mục tiêu xa vời, phi thực tế, vì chúng sẽ khiến bạn mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, cho rằng mình có ráng cũng không làm được;
- R -Realistic – Tính thực tế: Mục tiêu mà thực tế bạn có quan tâm, nếu hoàn thành sẽ có lợi cho bạn, tránh việc đặt các mục tiêu không liên quan tới thực tế, không đúng những gì mình cần, thì chẳng có lý do gì bạn phải mất thời gian để ráng hoàn thành mục tiêu ấy;
- T – Time bound – Khung thời gian: Mục tiêu cần được hoàn thành sau bao lâu, trong khoảng thời gian cụ thể nào, đó sẽ là deadline để bạn follow theo, để đảm bảo mình luôn bám sát mục tiêu, theo đúng tiến độ, tránh việc đặt mục tiêu mà không có thời gian hoàn thành, sẽ khiến mình cứ dây dưa, trì hoãn, kéo dài mãi.
Cách lập mục tiêu SMART giúp sinh viên học tốt
Sau khi tìm hiểu cụ thể rằng lập mục tiêu SMART là gì, thì sinh viên sẽ thấy rằng đây là một phương pháp rất hay, giúp chúng ta bám sát mục tiêu và tăng khả năng hoàn thành những kế hoạch, dự định mà mình mong muốn. Lập mục tiêu SMART có thể linh hoạt ứng dụng trong nhiều khía cạnh, từ công việc, cuộc sống, cho tới chuyện học tập của sinh viên. Dưới đây là cách lập mục tiêu SMART giúp sinh viên học tốt, cải thiện kết quả học tập và điểm số.
Trước khi bắt đầu năm học, hoặc học kỳ mới, sinh viên cần đặt mục tiêu học tập cho bản thân, đảm bảo tuân theo đủ 5 tiêu chí SMART, sao cho mục tiêu mình đặt ra phải cụ thể, có thể đo lường, khả thi, thực tế và có khung thời gian cụ thể:
- Về tiêu chí S (cụ thể), sinh viên cần xác định xem mình muốn đặt mục tiêu học tập liên quan tới điều gì, cụ thể thế nào, chẳng hạn như sẽ đạt học lực loại giỏi, hoặc sẽ thi lấy chứng chỉ TOEIC, hoặc sẽ săn học bổng khuyến khích học tập, tránh cách đặt mục tiêu chung chung rằng mình phải học tốt hơn (tốt hơn là sao), phải học giỏi Tiếng Anh (giỏi thế nào, có chứng chỉ gì không);
- Về tiêu chí M (có thể đo lường), đây là tiêu chí giúp tăng thêm tính cụ thể cho mục tiêu học tập của sinh viên, chẳng hạn như các em muốn đạt học lực loại giỏi, thì cụ thể hơn rằng mình muốn đạt điểm trung bình bao nhiêu, vừa đủ 8.0 hay sẽ ráng nhích lên tầm 8.5, và tất nhiên các mức điểm này phải có cơ sở, chứ không phải chỉ đặt ra đại cho xong;
- Về tiêu chí A (có thể đạt được), hãy đánh giá chính xác năng lực bản thân, rằng kết quả học tập hiện tại của mình đang ra sao, để đặt mục tiêu điểm số cho phù hợp, tránh việc đặt ra các mức điểm quá xa vời, nhưng cũng không nên đặt mục tiêu quá đơn giản, không cố gắng cũng đạt được;
- Về tiêu chí R (thực tế), hãy nhìn nhận thực tế xem mình đang quan tâm tới những điều nào nhất, để đặt mục tiêu liên quan tới chuyện đó, vì quỹ thời gian và khả năng của bản thân có hạn, không thể kham hết quá nhiều mục tiêu mà hiện tại chưa thật sự quan trọng, chưa cần thiết lắm;
- Về tiêu chí T (khung thời gian deadline), đó sẽ là cả năm học, hoặc cả học kỳ, tuỳ theo các em đang muốn đặt mục tiêu cho giai đoạn nào, điều này cũng đơn giản, không có gì phải suy nghĩ nhiều.
>> Sinh viên phải làm sao khi có quá nhiều mục tiêu cần hoàn thành?
Ví dụ cách đặt mục tiêu SMART trong học tập
Sau khi nắm được cách lập mục tiêu SMART giúp sinh viên học tốt, thì chúng ta sẽ điểm qua 2 ví dụ cụ thể để các em hiểu rõ hơn và biết cách thực hành, ứng dụng việc lập mục tiêu SMART trong học tập. Đầu tiên sẽ là ví dụ về lập mục tiêu sai, chưa đảm bảo tiêu chí SMART: Tôi muốn học tốt hơn, đạt nhiều điểm A hơn so với học kỳ trước – Điều này chưa SMART, chưa đảm bảo được S (cụ thể rằng muốn học tốt như thế nào, kết quả học lực ra sao), M (đo lường thế nào, nhiều điểm A hơn là bao nhiêu điểm A, học tốt hơn thì điểm trung bình học kỳ là bao nhiêu), A thì chưa bàn tới vì chúng ta chưa biết được khả năng học tập hiện tại của bạn này, R có thể tạm ổn vì học tốt là điều mà sinh viên quan tâm, T dù chưa nêu rõ nhưng chúng ta cũng có thể tạm hiểu là bạn đang đặt mục tiêu cho học kỳ này, nên mới so sánh với học kỳ trước.
Để đặt mục tiêu SMART hơn, chúng ta có thể thay đổi mục tiêu nêu trên thành: Tôi muốn đạt học lực giỏi, điểm trung bình học kỳ này là 8.2, vì hiện tại học lực của tôi chỉ đang ở mức khá là 7.9 – Đảm bảo được nhiều tiêu chí như S (cụ thể muốn học lực giỏi), M (đo lường được bằng điểm trung bình học kỳ là 8.2), A (có thể đạt được, vì từ 7.9 ráng kéo lên 8.2 là điều khả thi), R (thực tế chuyện kéo học lực lên giỏi là điều quan trọng đối với tôi), T (có thời gian cụ thể là mục tiêu cần được hoàn thành trong học kỳ này).
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được cách lập mục tiêu SMART để học tốt, giúp tăng khả năng follow, đúng tiến độ và đạt được mục tiêu mình đã đặt ra. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cách đặt mục tiêu 5W – 1H với khả năng đạt được cao
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.