Khi mới lên đại học, bên cạnh chuyện học hành, thi cử, sinh viên cũng thường sẽ đau đầu vì chuyện chi tiêu. Số tiền được ba mẹ cho hàng tháng có hạn, các em không biết phải làm sao để quản lý chi tiêu cho hiệu quả, tiết kiệm, tránh tiêu xài hoang phí, dùng tiền quá trớn, mua sắm những thứ không thật sự cần thiết. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời điểm qua một số cách tiết kiệm chi tiêu cá nhân cho sinh viên đại học:
>> Sinh viên chi tiêu mỗi tháng 5 triệu là hợp lý hay hoang phí?
Xác định các khoản chi tiêu thiết yếu
Đầu tiên, sinh viên cần xác định các khoản chi tiêu thiết yếu, tức là các chi phí mình bắt buộc phải sử dụng hàng tháng, không thể cắt bỏ. Đây chính là khoản chi tiêu cố định, dù muốn hay không thì mình cũng phải chi, chẳng hạn như tiền thuê phòng trọ, điện nước, ăn uống, xăng xe,… rồi thử tính nhẩm xem con số tổng đang là bao nhiêu, có bị vượt quá so với số tiền được ba mẹ cho hàng tháng hay không? Nếu không, thì các em có thể yên tâm rằng mình giữ nguyên như vậy cũng được, còn nếu đang vượt quá, thì sinh viên đại học cần gấp rút có phương án điều chỉnh. Chẳng hạn như ba mẹ đang cho mỗi tháng 4 triệu, nhưng tổng các khoản chi tiêu thiết yếu lại đang lên tới 4.5 triệu, bị vượt quá 500k, thì các em có thể cân nhắc một số phương án, chẳng hạn như tìm chỗ trọ khác rẻ hơn, hoặc thử tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí ăn uống, hoặc cố gắng tiết kiệm phần nào tiền điện nước hàng tháng,… miễn sao mình có thể xoay sở, không tới mức phải thiếu thốn quá.
Cân nhắc các chi phí có thể tiết kiệm được
Bên cạnh các khoản chi tiêu thiết yếu, thì hàng tháng, sinh viên đại học vẫn có thể phát sinh thêm các khoản chi tiêu khác, và đây hoàn toàn là những khoản mà các em có thể tiết kiệm được. Tức là nếu thật sự đang cần phải tiết kiệm tiền, không quá dư dả trong chi tiêu, thì đây là những khoản chi phí mà sinh viên nên cắt giảm, chẳng hạn như tiền ăn vặt, uống trà sữa, đi xem phim, đi cafe với bạn bè, đi chơi, đi du lịch, mua sắm quần áo mới,… Hầu như tất cả đều là các khoản chi phí này đều liên quan tới việc giải trí, mua sắm. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các em phải cắt giảm hoàn toàn, suốt ngày chỉ đi học rồi về nhà, không được đi chơi, mà chỉ đơn giản là mình hạn chế lại, cố gắng cân đối các khoản chi tiêu cho việc giải trí một cách hợp lý, vừa đủ, đừng tiêu xài quá nhiều sẽ khiến cuối tháng phải ăn mì gói.
>> 1001 cách tiết kiệm chi tiêu đậm chất sinh viên
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân vào đầu tháng
Sau khi điểm qua các khoản chi tiêu thiết yếu/không thiết yếu, thì sinh viên vẫn cần phải lập kế hoạch chi tiêu cá nhân cụ thể, để đảm bảo có thể kiểm soát chặt chẽ túi tiền của mình. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp sinh viên nghĩ rằng mình không tiêu xài gì quá đáng, nhưng tới gần cuối tháng lại thấy sai sai, sao tự nhiên chưa gì đã hết tiền xài, đó là vì các em chư có kế hoạch cụ thể, mỗi ngày xài dư ra một chút thôi, cũng đủ để khiến mình bị cạn tiền khi chưa hết tháng. Khi chưa từng lập kế hoạch chi tiêu cá nhân, sinh viên đại học sẽ chưa biết phải làm thế nào, bắt đầu từ đâu, nhưng thật ra đây là điều rất đơn giản mà bất kỳ ai cũng làm được. Đầu tiên, hãy liệt kê các đầu mục chi tiêu của mình, rồi phân bổ số tiền phù hợp vào đó. Tiếp theo, hãy thử tổng cộng tất cả khoản tiền lại, xem có vừa khớp với ngân sách mình có không, nếu nhiều hơn thì các em cần cân đối, điều tiết lại cho hợp lý. Ngoài ra, trong kế hoạch chi tiêu cá nhân, sinh viên cũng nên dự trù khoản chi phí phát sinh cho những trường hợp bất ngờ, thường sẽ khoảng 5% so với chi tiêu mỗi tháng.
Bám sát kế hoạch chi tiêu, tránh phát sinh quá nhiều
Sau khi lập kế hoạch chi tiêu cụ thể, sinh viên đại học cần đảm bảo mình bám sát kế hoạch ấy, tránh phát sinh quá nhiều khoản không liên quan, không có plan trước. Để làm được điều này, các em cần phải quản lý thu chi, ghi chép cụ thể từng khoản chi tiêu mỗi ngày của mình, rồi tự so sánh với tiến độ chi tiêu trong kế hoạch, đảm bảo mình luôn chi tiêu trong khoảng cho phép. Trong trường hợp phát sinh thêm chi phí đột xuất, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chi tiền, nếu bắt buộc phải chi, thì cũng cần ghi chú lại, kèm theo việc điều chỉnh lại chi tiêu trong những ngày tiếp theo, cố gắng tiết kiệm hơn để đảm bảo mình vẫn tiêu xài theo mức trong kế hoạch, không bị vượt dư ra quá nhiều.
>> Săn sale có phải là cách hiệu quả để sinh viên tiết kiệm chi tiêu?
Sinh viên đi làm thêm để có thêm một phần thu nhập
Song song với việc tiết kiệm chi tiêu cá nhân, sinh viên đại học cũng có thể đi làm thêm để có thêm một phần thu nhập, giúp trang trải phần nào chi tiêu mỗi tháng, giúp mình có thể chi tiêu thoải mái hơn một tí, tránh việc phải tiêu xài quá dè sẻn. Có rất nhiều công việc làm thêm part time khác nhau để sinh viên lựa chọn, chẳng hạn như làm thêm ở quán cafe, shop thời trang, cửa hàng tiện lợi,… miễn sao các em thấy mình phù hợp, có thể làm tốt, và cân đối thời gian hợp lý, tránh việc mải mê làm thêm kiếm tiền rồi lơ là việc học. Bên cạnh việc có thêm thu nhập, thì sinh viên cũng sẽ trau dồi, học hỏi được thêm nhiều điều hữu ích cho bản thân, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống,…
Bài viết này đã gợi ý cho sinh viên đại học một số cách tiết kiệm chi tiêu cá nhân hàng tháng, tránh để bản thân tiêu xài hoang phí. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Đi làm thêm tháng nào cũng bị trừ lương thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.