Bên cạnh việc học tập, thì bài toán chi tiêu mỗi tháng cũng là chủ đề được đông đảo sinh viên quan tâm. Nhất là khi hoàn cảnh gia đình cũng không quá khá giả, thì các em sẽ càng đau đầu về chi tiêu, phải luôn tìm cách tiết kiệm và tiêu tiền sao cho hợp lý. Có rất nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí là nhiều ý kiến trái chiều về việc sinh viên chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng. Vậy sinh viên chi tiêu 5 triệu/tháng là hợp lý hay hoang phí?
>> 1001 cách tiết kiệm chi tiêu đậm chất sinh viên
Sinh viên chi tiêu bao nhiêu mỗi tháng?
Thật ra sinh viên chi tiêu bao nhiêu mỗi tháng sẽ phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế gia đình, những bạn nào gia đình khá giả thì sẽ chi tiêu thoải mái hơn, còn những bạn kinh tế gia đình khó khăn thì sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Tất nhiên, vẫn có một số trường hợp cá biệt, rằng dù gia đình khá giả nhưng các em vẫn chi tiêu tiết kiệm, vì cho rằng đó là tiền của phụ huynh chứ bản thân mình còn đi học, chưa kiếm ra tiền nên không dám tiêu xài nhiều.
Chính vì lý do này mà số tiền chi tiêu hàng tháng của sinh viên (không bao gồm học phí) sẽ dao động trong một khoảng lớn, thường sẽ nằm trong khoảng 2.800.000đ – 5.500.000đ/tháng, bao gồm chi phí thuê trọ, ăn uống, di chuyển, mua sắm và các chi phí phát sinh khác, cụ thể các em có thể tham khảo tại đây. Chính từ điều này cũng gây nên nhiều ý kiến trái chiều cho rằng sinh viên hoàn toàn có thể tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng trong khoảng 4 triệu đổ xuống, vây thì tại sao có những bạn sinh viên lại chi tiêu tới 5 triệu/tháng, hoặc nhiều hơn. Liệu đó là khoản chi tiêu hợp lý hay các em đang tiêu xài hoang phí?
Sinh viên chi tiêu mỗi tháng 5 triệu là hợp lý hay hoang phí?
Để xác định rằng sinh viên chi tiêu mỗi tháng 5 triệu là hợp lý hay hoang phí, thì chúng ta không nên chỉ nhìn vào số tiền tổng, mà cần phải phân tích kỹ xem 5 triệu đó bao gồm những khoản chi phí nào. Đồng ý rằng chi tiêu tiết kiệm là điều sinh viên nên làm, nhưng cũng không đến nỗi phải cắt bớt chi phí, dè sẻn một cách quá mức.
Chẳng hạn như nếu các em thuê phòng ở ghép chung với bạn khác hết 2 triệu/tháng, bao gồm điện, nước, wifi, phí giữ xe, rồi chi phí ăn uống hết 80.000đ/ngày cho 3 bữa, còn lại 600.000đ cho chi phí di chuyển, mua sắm và chi phí phát sinh. Thì đó là điều bình thường, hợp lý, chẳng có gì hoang phí. Còn nếu cố gắng tiết kiệm hơn thì chắc các em nên tìm phòng trọ rẻ hơn một xíu, nhưng cũng chẳng tiết kiệm thêm được quá nhiều, mà có khi phòng trọ rẻ hơn thì lại xa trường hơn, chật hẹp hơn.
Còn nếu các em ở nhà người thân, không tốn tiền thuê trọ, nhưng lại chi tiêu đến 5 triệu/tháng thì đây thật sự là vấn đề. Các em đang chi tiêu vượt mức bình thường đối với sinh viên. Con số 5 triệu/tháng lúc này có thể được xem là hoang phí.
>> Kinh nghiệm xương máu khi tìm phòng trọ sinh viên
Cách giúp sinh viên quản lý chi tiêu hàng tháng
Sau khi giải đáp được rằng sinh viên chi tiêu 5 triệu hàng tháng là hợp lý hay hoang phí, thì chắc chắn các em cũng còn một điều băn khoăn rằng làm thế nào để giúp sinh viên quản lý chi tiêu mỗi tháng, giúp các em cân đối bài toán chi tiêu sao cho hợp lý. Hãy cùng tham khảo nhé! Đầu tiên, các em cần phải lập kế hoạch chi tiêu, rằng mỗi tháng mình cần xài cho những khoản chi phí nào, chi phí thuê phòng bao nhiêu, ăn uống mỗi ngày bao nhiêu, xăng xe, gửi xe mỗi tuần bao nhiêu, giải trí, mua sắm cố gắng gói gọn trong bao nhiêu…
Sau khi đã có kế hoạch chi tiêu, thì các em hãy nghiêm túc tuân thủ theo chúng, và tất nhiên mình chi tiêu gì thì đều cần phải ghi chú lại, để quản lý chi tiêu một cách chính xác nhất. Các em có thể note vào điện thoại, file excel, hoặc các app quản lý chi tiêu, để cân đối dòng tiền của mình. Trong những trường hợp tiêu xài quá trớn, chẳng hạn như hôm nay lỡ ăn uống hơi nhiều tiền, thì hôm sau các em cần chủ động tiết chế lại, tất nhiên là mình vẫn ăn đủ bữa, không nhịn ăn, nhưng cần lựa chọn những món ăn bình dân hơn. Hoặc nếu tuần này mình đi xem phim hơi tốn tiền, thì chịu khó tuần sau ở nhà chill nè.
>> Bí quyết tiết kiệm 2.700.000đ chi tiêu mỗi tháng cho sinh viên
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.