Khi sinh viên mới ra trường đi làm, các em sẽ gặp những khó khăn gì, cảm thấy bỡ ngỡ hoặc lạc lõng như thế nào? Các bạn sinh viên năm cuối nên lưu ý điều này, hoặc những bạn sinh viên nào cũng đang thắc mắc rằng sau này đi làm thì môi trường làm việc sẽ thế nào, gặp những người đồng nghiệp ra sao, làm cách nào vượt qua những khó khăn khi mới ra trường đi làm, thì hãy cùng theo dõi bài viết này nhé!
>> Hướng dẫn cách tìm được việc làm ngay khi mới ra trường
Khó khăn khi ra trường với điểm số chưa tốt
Áp lực & khó khăn đầu tiên mà sinh viên mới ra trường thường gặp phải chính là làm sao để tìm được việc làm? Nhất là đối với những bạn có kết quả học tập không tốt, điểm trung bình tích lũy 4 năm đại học bị thấp, hoặc xếp loại học lực khi tốt nghiệp chỉ ở mức trung bình hoặc khá thôi, thì các em sẽ lo lắng rằng làm sao để tìm được việc làm, làm sao để không bị thất nghiệp? Nếu điểm số hoặc xếp loại tốt nghiệp đang chưa tốt, thì các em cần bù đắp bằng việc cố gắng ôn lại kiến thức chuyên ngành, nhất là ở các môn học liên quan tới công việc, tới vị trí ứng tuyển, để khi phỏng vấn được nhà tuyển dụng hỏi tới thì vẫn sẽ trả lời được ở mức tạm ổn, chứ để lơ mơ, không nắm gì hết, thì sẽ khó lòng được nhận vào làm việc.
Thật ra, với sinh viên mới ra trường thì nhà tuyển dụng cũng sẽ không có yêu cầu gì quá cao, quá khó khăn đâu. Chủ yếu họ sẽ ấn tượng với những bạn có khả năng học hỏi tốt, thể hiện tinh thần ham học hỏi, cầu tiến, tự tin rằng khi được công ty training, hướng dẫn, thì sẽ sẵn sàng học hỏi, tập trung lắng nghe để tiếp thu tốt những kiến thức đó. Vì thế, để vượt qua khó khăn khi ra trường với điểm số chưa tốt, thì các em hãy đề cao tinh thần học hỏi, cả lúc phỏng vấn xin việc cho tới khi vô công ty làm việc rồi thì vẫn cần phải luôn sẵn sàng học hỏi.
Khó khăn trong việc học hỏi, thích nghi môi trường mới
Khi đã được nhận vào công ty làm việc, sinh viên mới ra trường sẽ đối diện với khó khăn tiếp theo, đó là việc học hỏi, thích nghi với môi trường mới, với áp lực nhiều hơn và được giao các nhiệm vụ khó hơn, phức tạp hơn so với chuyện chỉ cần tập trung học như lúc trước. Môi trường làm việc sẽ khác rất là nhiều so với môi trường học tập ở trường đại học, thay vì mỗi tuần chỉ cần chăm chỉ tới trường, tập trung nghe giảng, học từ 5-6 môn quanh đi quẩn lại trong mỗi kỳ, thì khi đi làm, các em sẽ được giao hết việc này tới việc khác, vừa mới kịp làm quen với những đầu việc cơ bản, thì công ty hoặc cấp trên sẽ tiếp tục giao ngay cho mình thêm những việc nâng cao hơn, khó hơn.
Bên cạnh đó, khi các em là người mới bước vô công ty, mình còn đang lạ lẫm, chưa quen với những anh chị đồng nghiệp xung quanh, chưa biết làm thế nào để làm quen bắt chuyện với những anh chị đó. Hoặc nhiều bạn cũng gặp khó khăn, ngại ngùng khi thấy mình chỉ là sinh viên mới ra trường, chủ yếu được học về lý thuyết, chưa được thực hành ứng dụng trong công việc thực tế, thì không biết mình có thể nhanh chóng thích nghi, làm quen với môi trường làm việc không, rồi làm thế nào để ứng dụng được những kiến thức đã học vào công việc. Tóm lại, sẽ có khá nhiều khó khăn, áp lực mà sinh viên mới ra trường đi làm phải đối mặt, vậy làm cách nào để vượt qua?
>> Kỹ năng chuẩn bị trước khi phỏng vấn cho người mới ra trường
Cách vượt qua khó khăn khi mới ra trường đi làm
Cách đơn giản nhất để sinh viên mới ra trường vượt qua được những khó khăn đó chính là hãy hòa đồng với những anh chị đồng nghiệp xung quanh, mạnh dạn chào hỏi các anh chị, hỏi thăm những điều liên quan tới công việc, về cách làm việc, thì các anh chị sẽ có thiện cảm, cho rằng bạn này thân thiện, ham học hỏi, hay hỏi những cái liên quan tới công việc. Giả sử đã hoàn thành xong các việc được giao, thì sinh viên mới ra trường cũng nên chủ động quan sát, hỏi thăm xem các anh chị trong team có cần mình hỗ trợ thêm việc nào khác không, chứ đừng xong việc rồi lại ngồi chơi, bấm điện thoại, mắc công sẽ bị đánh giá rằng bạn này thiếu chủ động, lười biếng.
Khi mới vào công ty làm việc, sinh viên mới ra trường đương nhiên cũng sẽ được hướng dẫn tận tình về từng đầu việc, từ cơ bản lên nâng cao, nếu có chỗ nào chưa rõ thì các em hãy mạnh dạn hỏi lại, trao đổi rằng em đã hiểu được khoảng 80%, nhưng còn 1-2 chỗ này chưa rõ, nhờ các anh chị giải đáp, thì vừa giúp mình học hỏi được tốt hơn, vừa có thêm chủ đề để nói chuyện, gắn kết với các anh chị đồng nghiệp. Điều này cũng sẽ giúp cho kết quả làm việc của các em tốt hơn, nhất là trong những tháng đầu tiên đi làm, từ đó, cũng giúp sinh viên mới ra trường tự tin hơn, vững vàng hơn để vượt qua các khó khăn, thử thách tiếp theo.
Ngoài ra, với các bạn nào cảm thấy bị đuối, bị ngộp khi phải tiếp thu quá nhiều kiến thức & nghiệp vụ khi mới đi làm, thì hãy bình tĩnh, tập trung hơn trong các buổi training, dành nhiều thời gian để ôn lại mỗi ngày, thì dần dần các em cũng sẽ bắt kịp. Đừng để cảm giác đuối ấy khiến mình bị trì trệ, chán nản và tự ti về năng lực bản thân, mà hãy nghĩ rằng đây là cơ hội để mình học hỏi được nhiều điều thực tiễn liên quan tới chuyên môn, nghiệp vụ, giúp mình hoàn thiện năng lực hơn, khi đó thì các em cũng sẽ có động lực nhiều hơn trong chuyện học hỏi. Đồng thời, vì mình là người mới nên đừng quá áp lực rằng mình phải hoàn thành công việc với kết quả bằng 100% so với các anh chị đồng nghiệp, mà hãy đặt mục tiêu ban đầu tầm 70% thôi, sau đó trong quá trình làm việc mình sẽ dần học hỏi thêm để nâng cao chuyên môn & năng lực, thì nó cũng sẽ giúp các em cảm thấy công việc vừa sức hơn, đỡ áp lực hơn.
Bài viết này đã giúp sinh viên mới ra trường hình dung được cách vượt qua những khó khăn, áp lực khi mới ra trường đi làm. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Hướng dẫn lập plan làm việc cho sinh viên mới ra trường
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.