Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 1, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về điểm trung bình tích luỹ, điểm D, rớt môn, học cải thiện,…
>> Điểm trung bình tích luỹ là gì, quan trọng như thế nào?
1. Cách tính điểm trung bình tích luỹ theo tín chỉ
Sinh viên chỉ cần lấy điểm trung bình từng môn học, nhân với số tín chỉ của môn đó, công tổng các số đó với nhau, rồi chia cho tổng số tín chỉ của tất cả các môn, thì sẽ ra được điểm trung bình tích luỹ. Điểm trung bình tích luỹ sẽ tính dựa trên điểm trung bình tất cả học phần mà sinh viên đã học, tính từ đầu chương trình tới hiện tại, tính theo thang điểm 4, và làm tròn tới 2 chữ số thập phân, công thức tính cụ thể như sau:
Điểm trung bình tích luỹ = (Điểm trung bình môn A x số tín chỉ môn A + Điểm trung bình môn B x số tín chỉ môn B + Điểm trung bình môn C x số tín chỉ môn C + Điểm trung bình môn D x số tín chỉ môn D + ….) / (tổng số tín chỉ của các môn)
Ví dụ: Tính tới hiện tại, sinh viên đã hoàn thành được 4 học phần, với kết quả cụ thể như sau:
Môn A: 3.0 – 2 tín chỉ | Môn B: 2.5 – 2 tín chỉ | Môn C: 2.0 – 3 tín chỉ | Môn D: 3.5 – 3 tín chỉ
Điểm trung bình tích luỹ = (3 x 2 + 2.5 x 2 + 2 x 3 + 3.5 x 3) / (2+2+3+3) = 2.75
2. Tiền điện trung bình 1 tháng của sinh viên ở trọ là bao nhiêu?
Nếu ở trọ một mình, tiền điện trung bình 1 tháng của sinh viên sẽ rơi vào khoảng 150.000đ – 300.000đ, vì tần suất sử dụng điện của mỗi người khác nhau, sử dụng các thiết bị điện khác nhau và giá điện của mỗi phòng trọ khác nhau. Khi sinh viên ở ghép 2 người, tiền điện của mỗi người sẽ rơi vào khoảng 100.000đ – 200.000đ/tháng. Còn khi sinh viên ở trọ 4 người, thì tiền điện mỗi người chỉ rơi vào khoảng 80.000đ – 150.000đ/tháng. Trên đây chỉ là con số ước lượng để sinh viên tham khảo, thực tế có thể sẽ có dao động.
>> Bị điểm D bao nhiêu lần thì không được tốt nghiệp ra trường?
3. Sinh viên bị điểm D thì phải làm sao?
Điểm D sẽ được tính là đạt, qua môn, không phải học lại như khi bị điểm F, nhưng điểm D chỉ nằm trong khoảng 4.0 – 5.4 trên thang điểm 10, đây là mức điểm cực thấp, khiến sinh viên cảm thấy hoang mang, lo lắng. Bị điểm D sẽ khiến sinh viên buồn, tiếc nuối, tự trách móc bản thân vì sao không ráng học hành đàng hoàng. Nhưng các em có buồn bã, trách móc cũng không giải quyết được gì, thay vào đó, mình cần phải có giải pháp hắc phục. Sinh viên được quyền học cải thiện các môn điểm D để nâng cao điểm số. Đây là cơ hội thứ 2 để các em lội ngược dòng, vừa kéo điểm lên, vừa lấy lại nền tảng kiến thức của môn học, nhưng phải đảm bảo tập trung, nghiêm túc và chăm chỉ. Đồng thời, đây sẽ là bài học kinh nghiệm để sinh viên học tốt hơn trong tương lai.
Trong trường hợp sinh viên không muốn mất thời gian, mất công sức, mất tiền để học cải thiện, thì các em vẫn có thể cố gắng hơn trong các môn học tiếp theo, mang về kết quả tốt để kéo điểm trung bình tích luỹ lên. Chặng đường đến thành công còn dài, điều quan trọng nhất là các em đủ quyết tâm và nỗ lực để hoàn thiện bản thân.
4. Sinh viên rớt môn phải học lại hay thi lại?
Rớt môn là trường hợp điểm trung bình môn học dưới 4.0 trên thang điểm 10, hoặc có điểm chữ loại F. Vừa bị điểm kém, lại vừa chưa vững kiến thức, nhiều sinh viên thắc mắc rằng rớt môn phải học lại hay thi lại? Sinh viên rớt môn thường sẽ phải học lại. Vì rớt môn phản ánh rằng kiến thức môn học của các em chưa vững, bao gồm toàn bộ quá trình học của môn đó, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào điểm thi cuối kỳ. Mặc dù việc học lại khá tốn thời gian, có thể khiến sinh viên phải ra trường trễ, nhưng thật ra việc học lại này cũng tốt cho các em, là cơ hội để học lại kiến thức từ buổi đầu tiên, giúp mình nắm vững toàn bộ kiến thức môn học.
Tuy nhiên, cũng có một số trường đại học cho phép sinh viên được thi lại, đỡ phải học lại. Khi thi lại, nếu kết quả thi tốt, giúp kéo điểm trung bình môn học lên, thì sinh viên sẽ được qua môn. Ngược lại, nếu kết quả vẫn tệ thì sẽ rớt môn. Nếu có môn bị rớt nhưng sinh viên vẫn chưa học lại để qua môn, thì sẽ bị tính là nợ môn. Nếu còn nợ môn thì sẽ không đủ điều kiện để xét tốt nghiệp ra trường. Sinh viên cần lưu ý sắp xếp thời gian học lại để trả nợ môn sớm.
Cẩm nang sinh viên tập 1 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới điểm trung bình tích luỹ, tiền điện, bị điểm D, rớt môn thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên đại học rớt môn nhiều có được lên lớp không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.