Ở chương trình phổ thông, nếu bị rớt môn quá nhiều, không đủ điểm trung bình để được lên lớp, thì học sinh sẽ bị ở lại lớp, phải học lại từ đầu toàn bộ các môn trong năm học đó. Chẳng hạn như bị ở lại lớp năm lớp 11, thì các em phải học lại từ đầu toàn bộ kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, khi lên đại học thì khác, sinh viên rớt môn nào, thì chỉ cần học lại môn đó, không phải đụng chạm tới những môn mà mình đã hoàn thành. Nhưng lỡ rớt môn nhiều quá thì có sao không, sinh viên rớt môn nhiều có được lên lớp không? Hãy cùng giải đáp trong bài viết này nhé!
>> Rớt môn có ảnh hưởng gì tới xếp loại bằng đại học không?
Rớt môn được tính là chưa hoàn thành tín chỉ
Trước khi giải đáp vấn đề lên lớp hay bị ở lại lớp khi rớt môn quá nhiều, thì sinh viên cần hiểu rõ rằng rớt môn được tính là chưa hoàn thành tín chỉ, xem như đang bị nợ môn, nếu chưa học lại, hoặc đã học lại nhưng vẫn bị rớt, thì vẫn bị tính là nợ môn, chưa hoàn thành môn học, và các em cũng chưa tích luỹ được số tín chỉ của môn đó. Chẳng hạn như môn A có 3 tín chỉ, sinh viên bị rớt môn A, thì được tính là chưa hoàn thành 3 tín chỉ của môn A.
Cụ thể hơn, nếu sinh viên đã đăng ký học 10 môn, tổng cộng 26 tín chỉ, trong đó bị rớt 1 môn 3 tín chỉ, thì các em chỉ mới hoàn thành được 26 tín chỉ của chương trình học, vẫn còn bị nợ 3 tín chỉ của môn mà mình bị rớt. Nghe có vẻ lùng bùng, nhưng thật ra sau khi xem qua ví dụ thì nó cũng đơn giản, không có gì quá khó hiểu. Nhưng hiểu xong thì sao, liệu điều này có liên quan gì tới chuyện sinh viên được lên lớp hay bị ở lại lớp không, sinh viên đại học rớt môn nhiều có được lên lớp không?
Sinh viên đại học rớt môn nhiều có được lên lớp không?
Thật ra, ở đại học sẽ không có chuyện ở lại lớp, phải học lại toàn bộ năm học như hồi phổ thông, mà sinh viên chỉ cần học lại đúng những môn mình đã bị rớt thôi. Tuy nhiên, nếu rớt môn nhiều thì sẽ dẫn tới rủi ro bị nợ quá nhiều môn, nếu số lượng tín chỉ đang nợ của sinh viên vượt quá 16 (tính từ đầu khoá, tức là từ khi mới bắt đầu chương trình đại học tới hiện tại), thì bắt buộc phải học lại để trả nợ bớt, chứ không được đăng ký học lên các môn của năm tiếp theo. Mặc dù điều này cũng giống như bị ở lại lớp, nhưng thật ra đây chỉ là giai đoạn sinh viên cần học lại những môn mình đang nợ, tránh để tồn đọng quá nhiều, chứ không phải học lại toàn bộ các môn của năm học vừa qua.
Song song đó, khi rớt môn nhiều, bị nợ quá nhiều tín chỉ, chưa hoàn thành đủ số lượng tín chỉ tiêu chuẩn của từng năm học, không đáp ứng đúng tiến độ học tập, thì xếp hạng năm đào tạo của sinh viên sẽ bị tác động, có thể xảy ra trường hợp dù đã học được 2 năm, nhưng vẫn chỉ đang được tính là sinh viên năm 1, giống như kiểu mình không được lên lớp vậy. Nghe có vẻ cấn cấn, khiến nhiều sinh viên cảm thấy hoang mang, thậm chí nhiều bạn còn chưa từng nghe qua về vấn đề này, chúng ta sẽ cùng làm rõ trong phần tiếp theo.
>> 4 lý do khiến sinh viên bị nợ môn ở đại học
Xếp hạng năm đào tạo theo số tín chỉ sinh viên đã tích luỹ
Theo quy định, sau mỗi học kỳ, sinh viên sẽ được xếp hạng năm đào tạo dựa trên số lượng tín chỉ mà các em đã hoàn thành (đã tích luỹ được), không bao gồm các tín chỉ bị rớt môn, thường sẽ được tính như sau:
- Sinh viên năm 1: Tích luỹ được dưới 35 tín chỉ;
- Sinh viên năm 2: Tích luỹ được từ 35 đến dưới 70 tín chỉ;
- Sinh viên năm 3: Tích luỹ được từ 70 đến dưới 105 tín chỉ;
- Sinh viên năm 4: Tích luỹ được từ 105 đến dưới 140 tín chỉ;
- Sinh viên năm 5: Tích luỹ được từ 140 tín chỉ trở lên.
Theo ví dụ nêu trên, nếu thời gian học tập của sinh viên đại học đã kéo dài hơn 1 năm, đúng ra sẽ lên năm 2 rồi, nhưng thực tế chỉ mới tích luỹ được 25 tín chỉ, thì vẫn chỉ được tính là sinh viên năm nhất. Lưu ý rằng số lượng tín chỉ nêu trên chỉ là con số mang tính tham khảo, trong thực tế, tuỳ từng trường đại học, từng ngành, hoặc từng chương trình đào tạo khác nhau sẽ có mức quy định khác nhau, để có thông tin chính xác nhất, sinh viên cần liên hệ phòng đào tạo của trường, hoặc cập nhật thông tin trên website chính thức của trường.
Bài viết này đã giúp sinh viên đại học giải đáp được băn khoăn rằng rớt môn nhiều có được lên lớp không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Điểm trung bình môn bao nhiêu thì sinh viên phải học lại?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.