Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 20, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về chuyện ý nghĩa màu bao lì xì, độ tuổi được lì xì, sinh viên có được nhận lì xì nữa không, bạn bè nên mừng tuổi nhau bao nhiêu?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 19) – Thời gian biểu ngày Tết, mục tiêu năm mới
1. Ý nghĩa của những màu bao lì xì
Dạo gần đây, trên các mạng xã hội đang rầm rộ trend ý nghĩa của những màu hoa bỉ ngạn. Theo trend ấy, chúng ta cùng xem thử ý nghĩa của những màu bao lì xì nhé:
- Bao lì xì đỏ – Mệnh giá nhỏ
- Bao lì xì trắng – Chê ít là bị mắng
- Bao lì xì xanh – Tiêu hết tiền nhanh
- Bao lì xì vàng – Mệnh giá phũ phàng
- Bao lì xì nâu – Không thấy tiền đâu
- Bao lì xì cam – Nhiều tiền thấy ham
- Bao lì xì hồng – Mệnh giá 10.000đ
- Bao lì xì be – Đưa hết cho mẹ
Trên đây chỉ là những thông tin vui theo kiểu gieo vần, hầu như không có ý nghĩa trong thực tế và không ám chỉ bất kỳ điều gì, không cổ vũ, cổ suý cho điều gì, bạn hãy xem để giải trí thôi nhé.
2. Sinh viên đại học có được nhận lì xì nữa không?
Nhiều người tưởng rằng nhận lì xì dịp Tết sẽ giúp trẻ em kiếm tiền tiêu vặt, hoặc đùa rằng trong ngày đầu năm thì trẻ em là trụ cột gia đình, giúp ba mẹ kiếm thu nhập từ tiền mừng tuổi. Đó là quan điểm không chính xác. Ý nghĩa của việc nhận lì xì, mừng tuổi là để truyền may mắn, tài lộc, những điều tốt đẹp cho nhau nhân dịp đầu năm mới, thường người lớn sẽ lì xì cho người nhỏ, đa số là trẻ con, vậy sinh viên đại học có được nhận tiền lì xì nữa không?
Sinh viên vẫn được lì xì, vì còn trong độ tuổi ăn học, chưa đi làm kiếm tiền, cũng chưa lập gia đình luôn. Các em vẫn nằm trong danh sách được tiền lì xì sau khi chúc tết ba mẹ, gia đình, họ hàng và khách đến chơi nhà. Khi nhận lì xì, sinh viên không nên vội mở ngay, cũng không nên tỏ thái độ vui mừng khi nhận được nhiều tiền, hoặc xụ mặt khi ít tiền, vì đó là hành động kém duyên, quan trọng vật chất và hiểu sai ý nghĩa của tiền lì xì.
Một số sinh viên cho rằng mình đã lớn rồi, nên từ chối không nhận lì xì. Đó cũng là một suy nghĩ hay, vì thật ra nguồn gốc của tiền mừng tuổi là mong muốn dành những điều tốt đẹp cho nhau, chứ không quan trọng hình thức hay vật chất. Một số sinh viên còn mừng tuổi ngược lại cho ba mẹ bằng số tiền dành dụm khi đi làm thêm.
>> Sinh viên nên làm gì vào mùng 4 Tết để suôn sẻ cả năm?
3. Bao nhiêu tuổi thì không được nhận tiền lì xì nữa?
Mỗi năm Tết đến chúng ta lại thêm 1 tuổi, khi còn nhỏ, việc nhận tiền lì xì mừng tuổi đầu năm là điều hoàn toàn bình thường, nhưng khi lớn lên, bạn sẽ thắc mắc rằng bao nhiêu tuổi thì không được nhận tiền lì xì mừng tuổi nữa? Tiền lì xì mừng tuổi thường sẽ do người lớn gửi cho trẻ em sau khi nhận được những lời chúc chân thành nhân dịp đầu năm mới. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp phổ biến nhất chứ không phải lúc nào cũng như thế.
Chuyện lớn rồi có được lì xì nữa không sẽ phụ thuộc quan điểm của từng người. Có người người ngầm cho rằng khi đã đi làm hoặc đã lập gia đình, thì không được nhận lì xì nữa, nhưng cũng có người thoải mái lì xì không quan trọng độ tuổi. Bạn bè vẫn có thể lì xì nhau lấy hên vào dịp Tết, đồng nghiệp cũng lì xì nhau bình thường nhân dịp năm mới, hoặc sau này đi làm có thu nhập, thì con cái cũng sẽ mừng tuổi ngược lại cho ba mẹ. Vì thế, sẽ không có độ tuổi tối đa được nhận lì xì.
4. Bạn bè nên lì xì, mừng tuổi nhau bao nhiêu tiền?
Cứ mỗi năm Tết đến thì lì xì tự dưng trở thành chủ đề được đông đảo mọi người quan tâm. Bên cạnh chuyện lên đại học có được nhận tiền nữa không, thì bạn bè nên lì xì mừng tuổi nhau bao nhiêu tiền cũng là điều mà sinh viên thắc mắc. Ý nghĩa của việc mừng tuổi là truyền may mắn, trao lộc, nên bạn bè quý nhau, muốn dành những điều tốt đẹp cho nhau, thì có thể gửi gắm thông qua phong bao lì xì đầu năm, hoặc khi bạn bè mừng tuổi mình, thì mình cũng nên đáp lễ lại.
Điều quan trọng nằm ở tấm lòng, nằm ở ý nghĩa, chứ không nằm ở số tiền trong bao lì xì. Hoặc đơn giản là bạn bè lì xì bao nhiêu, thì mình lì xì lại bấy nhiêu, như thế sẽ sòng phẳng, không mất lòng và đỡ phải lăn tăn suy nghĩ. Còn nếu bạn là người lì xì trước, thì thông thường, số tiền mà bạn bè lì xì cho nhau tối thiểu nên là 50.000đ, nếu thân hơn thì lên tới 100.000đ, thậm chí 500.000đ cũng được luôn, sẽ tuỳ vào mức độ thân thiết của đôi bên và tài chính mỗi người. Ngoài ra, bạn cũng có thể khuấy động không khí bằng cách bốc thăm bao lì xì ngẫu nhiên, với mệnh giá dao động từ 20.000đ – 200.000đ, ai may mắn hơn thì sẽ bốc được nhiều lộc hơn, và đỡ phải đau đầu suy nghĩ nên lì xì bao nhiêu.
Cẩm nang sinh viên tập 20 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện ý nghĩa màu bao lì xì, độ tuổi được lì xì, sinh viên có được nhận lì xì nữa không, bạn bè nên mừng tuổi nhau bao nhiêu? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 18) – Giơ tay phát biểu, nghỉ quá 20% số tiết
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.