Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 33, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về điểm trung bình tích luỹ, đoán đáp án thi trắc nghiệm, rớt môn và đâu là thời điểm tốt nhất để sinh viên đi làm thêm?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 31) – Thi đề mở, tốt nghiệp loại xuất sắc
1. Điểm trung bình tích luỹ quan trọng như thế nào?
Để đạt điểm cao, tăng khả năng tốt nghiệp đại học loại giỏi, thì sinh viên phải hiểu rõ về điểm trung bình tích luỹ GPA và tầm ảnh hưởng của nó. Vậy điểm trung bình tích luỹ quan trọng như thế nào? Điểm trung bình tích luỹ là cơ sở để sinh viên nắm được kết quả học tập ở hiện tại, rằng mình có đang nỗ lực học tốt không, hay đang lơ là, chểnh mảng, khiến kết quả học tập sa sút? GPA cũng là điều kiện quan trọng quyết định xếp loại tốt nghiệp của sinh viên khi ra trường. Nếu học hành chểnh mảng, không kiểm soát điểm số, thì sẽ khó lòng tốt nghiệp với xếp loại như mong muốn.
Ví dụ sinh viên đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi, đã học hết năm 1 mà điểm trung bình tích luỹ mới có 2.8, thì đang nằm trong mức nguy hiểm, nếu không nỗ lực hơn thì sẽ khó lòng đạt được mục tiêu. Từng có nhiều sinh viên chưa hiểu rõ về GPA và tầm quan trọng của nó, đi học mà cứ lơ tơ mơ, không nắm được mình đang ở mức GPA bao nhiêu, đến khi xét tốt nghiệp bị thiếu 0.1, 0.2, 0.3 cực kỳ đáng tiếc.
2. Cách giúp sinh viên đoán đáp án khi thi trắc nghiệm
Cách tốt nhất để sinh viên thi trắc nghiệm điểm cao là ôn tập thật kỹ và làm bài cẩn thận. Nhưng nếu lỡ gặp những câu mà mình chưa ôn thì sẽ thế nào? Dưới đây là 6 cách giúp sinh viên đoán đáp án khi làm bài thi trắc nghiệm.
- Với các câu trắc nghiệm “Đúng – Sai”, nếu câu hỏi có những từ khẳng định như tất cả, chắc chắn, luôn luôn, không bao giờ,… nên chọn đáp án “Sai”, vì hiếm có trường hợp nào đúng 1 cách tuyệt đối.
- Với các môn trắc nghiệm tính toán, nếu không chắc rằng đáp án nào đúng, hãy loại bỏ các đáp án lớn nhất và nhỏ nhất, vì thông thường các đáp án đúng sẽ nằm ở khoảng giữa.
- Tìm đáp án trong câu hỏi khác, khi gặp câu trắc nghiệm chưa biết đáp án, sinh viên hãy đọc kỹ các câu hỏi có nội dung kiến thức tương tự với nó trong đề thi, nhiều khi trong các câu kia đã có luôn đáp án của câu này rồi.
- Chọn đáp án dài nhất, có thể nó không chính xác hoàn toàn, nhưng khả năng chọn đáp án dài mà ra đáp án đúng cũng khá cao, nếu phải đánh lụi thì sinh viên nên chọn câu nào dài nhất.
- Chọn đáp án quen thuộc, trước khi đi thi, sinh viên thường sẽ tự giải đề kiểm tra, đề thi trắc nghiệm của các năm trước hoặc đề thi mẫu, vì thế, nếu thấy đáp án nào quen quen, hình như từng giải rồi, thì cứ chọn thôi.
- Chọn đáp án ít xuất hiện, nhìn lại bài làm của mình xem số lượng A, B, C, D đáp án nào ít nhất thì chọn đáp án đó, ví dụ thấy ít câu A quá, thì đánh lụi vào A luôn, dù độ chính xác thấp nhưng biết đâu được.
>> Cách làm trắc nghiệm hiệu quả từ kinh nghiệm của thủ khoa
3. Cảm giác lần đầu rớt môn ở đại học và cách vượt qua
Rớt môn là chuyện xui rủi không ai muốn, nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra, chỉ cần lơ là trong học tập, không chịu ôn tập kỹ, thì sinh viên hoàn toàn có thể bị rớt môn. Cảm giác lần đầu rớt môn sẽ ra sao? Cảm giác lần đầu rớt môn sẽ cực ấm ức, vừa buồn vì mình thiếu chăm chỉ, vừa giận vì mình chủ quan, vừa ngại không biết phải làm sao để đối mặt với gia đình, người thân, đi học sợ bạn bè chê cười, bàn tán. Nhất là khi hồi cấp 3 các em toàn đạt kết quả tốt, điểm cao, mà tự nhiên lên đại học lại bị rớt môn thì thật sự sẽ rất sốc, tự ti, tự nghi ngờ năng lực bản thân, cho rằng mình yếu kém nên mới bị rớt môn…
Các em có thể buồn, tủi thân, tức giận khi lần đầu rớt môn, nhưng đừng để điều đó trở thành nỗi ám ảnh, đừng để cảm xúc tiêu cực kéo dài, vì cứ tiêu cực thì cũng không giúp mọi chuyện tốt đẹp hơn. Thay vào đó, sinh viên hãy hành động, lên kế hoạch, phương án để học tốt hơn, bắt đầu từ những nguyên nhân đã khiến mình học tệ trong thời gian qua, rồi lần lượt tìm cách khắc phục chúng. Nếu thường cúp học, đi trễ, thì bây giờ phải nghiêm túc hơn. Nếu lười biếng, thì các em phải chăm chỉ hơn. Nếu sai sót khi làm bài thi, thì phải cẩn thận hơn. Hãy khắc phục và không để lặp lại những nguyên nhân ấy.
4. Khi nào là thời điểm tốt nhất để sinh viên đi làm thêm?
Sinh viên đi làm thêm sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng mềm hữu ích cho công việc sau này, nhiều bạn lăn tăn rằng làm thêm ngay từ năm 1 được không, khi nào là thời điểm tốt nhất để sinh viên đi làm thêm?
Năm 1 là thời điểm mới lên đại học, phải làm quen với phương pháp học và các môn học phức tạp. Sinh viên nên dành năm 1 để tập trung học, không nên đi làm thêm, trừ khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nếu đam mê làm thêm ngay từ năm 1, quá mải mê đi làm kiếm tiền, kết quả học tập của sinh viên sẽ bị sa sút, điểm kém, rớt môn, không vững kiến thức nền tảng, sau này học lên cao lại càng đuối hơn. Năm cuối thì lại quá trễ đế sinh viên bắt đầu đi làm thêm, hơn nữa, lúc đó các em cũng lu bu với khoá luận tốt nghiệp, đau đầu vì chuyện điểm số, GPA, nên sẽ khó lòng sắp xếp thời gian để đi làm thêm.
Năm 2, năm 3 là thời điểm tốt nhất để sinh viên đi làm thêm, các em không quá bận rộn làm khoá luận như năm cuối, cũng không phải đau đầu làm quen với phương pháp học mới ở đại học như năm 1. Đi làm thêm từ năm 2, năm 3 giúp sinh viên học hỏi thêm nhiều kỹ năng mềm, phát triển bản thân và cũng tạo tiền đề giúp các em nhanh chóng làm quen với giai đoạn đi thực tập ở năm cuối. Có 1 điều quan trọng phải nhắc lại chính là sinh viên cần cân đối thời gian đi làm thêm sao cho hợp lý, tránh mải mê đi làm kiếm tiền rồi lơ là việc học, gây ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập.
Cẩm nang sinh viên tập 33 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện điểm trung bình tích luỹ, đoán đáp án thi trắc nghiệm, rớt môn và đâu là thời điểm tốt nhất để sinh viên đi làm thêm? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 32) – Yếu Tiếng Anh, nhóm trưởng teamwork
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.