Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 41) – Gửi Tôi Năm 20 Tuổi, Đăng Ký Học Phần

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 41, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về gửi tôi năm 20 tuổi, đăng ký học phần, cân đối thời gian học và tham gia CLB.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 39) – Thói quen buổi tối, ra trường tìm việc làm

1. Gửi tôi năm 20 tuổi – học hành, hướng nghiệp, tâm lý…

Nếu được quay lại quá khứ, tôi rất muốn được gặp tôi khi vừa tròn 20 tuổi, là năm mà tôi đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực, đương đầu với nhiều thử thách và phải tự mình đưa ra nhiều quyết định khó khăn. Từ chuyện học hành, thi cử, cho tới áp lực trong cuộc sống, bất ổn trong tâm lý tuổi mới lớn, đã có những lúc tôi đi chệch hướng, đưa ra một số quyết định sai lầm, khiến sau này nhìn lại thấy hối tiếc…

Gửi tôi năm 20 tuổi và các bạn sinh viên đang độ tuổi đôi mươi, hãy nhớ rằng học tập là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu quan trọng nhất, phải học tốt và vững kiến thức thì ra trường mới tìm được công việc tốt. Gửi tôi năm 20 tuổi, dù 2 năm nữa mới ra trường, nhưng hãy sớm định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nhìn lại bản thân xem còn thiếu sót ở đâu, cần trau dồi thêm những gì để theo đuổi ngành nghề mình thích? Gửi tôi năm 20 tuổi, đừng quá điêu đứng vì áp lực đồng trang lứa, đừng tiêu cực về bản thân, ai cũng có điểm yếu, hãy tìm cách khắc phục, hoàn thiện, để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.

Gửi tôi năm 20 tuổi, trầm cảm kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tâm lý và kết quả học tập, đừng để điều đó xảy ra với bản thân mình, hãy cố gắng duy trì tinh thần và tư duy tích cực trong mọi việc. Gửi tôi năm 20 tuổi, hãy tranh thủ học thêm ngoại ngữ, tự rèn luyện các kỹ năng mềm liên quan tới công việc sau này, hoặc bất kỳ điều gì mà bạn cần trau dồi, đừng để thời gian trôi qua lãng phí. Nếu bạn đọc bài này khi ở độ tuổi đôi mươi, hãy xem những lời nhắn này là định hướng, động lực để thay đổi bản thân. Còn nếu đã ra trường rồi, thì có điều gì bạn muốn gửi tới mình năm 20 tuổi không?

2. Đăng ký học phần là gì, có khó không?

Đăng ký học phần là thao tác lựa chọn môn học, lịch học, giảng viên theo đúng như nguyện vọng của sinh viên trước mỗi học kỳ, miễn sao lớp còn trống thì cứ thoải mái đăng ký, nếu bị full thì chọn lớp khác. Sau khi đăng ký học phần xong, sinh viên vẫn có thể chỉnh sửa, đăng ký lại lớp khác, thay đổi lịch học, miễn sao vẫn trong thời hạn cho phép, nếu quá hạn thì các em sẽ không thể điều chỉnh gì nữa.

Đối với sinh viên năm 2, năm 3, năm 4, các em đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đăng ký học phần rồi, thì sẽ thấy rằng đây là một điều bình thường, chẳng có gì khó, không có gì phức tạp cả. Với tân sinh viên năm 1 mới lên đại học, lần đầu đăng ký học phần thì chắc hẳn sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ, chưa biết sẽ gồm các bước nào, chọn lịch học ra sao, nếu muốn đổi lịch thì phải làm sao? Đừng quá lo lắng, các em chỉ xem hướng dẫn đăng ký học phần, rồi làm theo từ từ, miễn sao đăng ký đủ số môn học là được, mình bỡ ngỡ thì các bạn khác cũng bỡ ngỡ, đây là tâm lý chung của tân sinh viên.

Nhiều bạn cũng lăn tăn chuyện tranh giành lớp khi đăng ký học phần, rằng sinh viên thường tranh nhau các giảng viên dễ, nếu muốn vào các lớp đó thì phải nhanh tay, chứ chậm tay thì full hết. Thật ra các giảng viên đều tốt, chuyện điểm cao hay không phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách học của mỗi sinh viên, chứ cũng không nhất thiết phải tranh giành lớp của giảng viên chấm điểm dễ.

>> Rút học phần là gì, sinh viên cần làm các thủ tục nào?

3. Hướng dẫn sinh viên các bước đăng ký học phần

  • Bước 1: Tập dượt trước các thao tác đăng ký học phần sao cho thành thạo, để khi vào việc thì mình sẽ làm nhanh, làm đúng, tránh trường hợp làm chậm, làm sai, khi thao tác lại thì các lớp đã bị full mất.
  • Bước 2: Canh đúng thời điểm mở đăng ký học phần của trường, tránh trường hợp bỏ lỡ thời gian, vào trễ, có thể sẽ bị mất slot, hoặc khó lòng lựa chọn lịch học theo như mong muốn của mình.
  • Bước 3: Đăng nhập tài khoản sinh viên trên website của trường bằng mã số sinh viên và mật khẩu của riêng mỗi người, đây cũng chính là nơi để sinh viên vào xem điểm, cập nhật điểm trung bình tích luỹ,…
  • Bước 4: Nhấn vào mục đăng ký học phần, chọn tên môn học mà mình muốn đăng ký trong học kỳ tới, sau đó, nó sẽ hiện ra danh sách các lớp đang mở của môn đó, kèm theo đầy đủ thông tin lớp học.
  • Bước 5: Kiểm tra thông tin các lớp đang mở, chọn đúng lớp mà mình muốn đăng ký, sao cho phù hợp với lịch học, buổi học, địa đểm học và giảng viên. Lưu ý rằng chỉ có thể chọn các lớp còn trống slot.
  • Bước 6: Nhấn xác nhận lịch và đăng ký học phần thành công, vậy là đã chọn xong được 1 môn, sau đó, sinh viên chỉ cần tiếp tục làm lại từ bước 4 tới bước 6 để đăng ký tiếp các môn học khác.
  • Bước 7: Sau khi đã đăng ký xong tất cả môn học, sinh viên cần kiểm tra lại xem mình có bị sót hay bị dư môn nào không, hoặc có đăng ký nhầm lịch nào không, để kịp thời điều chỉnh lại cho đúng.

4. Cách cân bằng thời gian học tập và tham gia CLB

Hỏi: Em đang học năm 1 và bị confused khi có nhiều thứ phải làm, không thể cân bằng thời gian cho việc học và tham gia CLB vì CLB chiếm khá nhiều thời gian của em, HK1 em học điểm thấp lắm, em phải làm sao ạ?

Đáp: Em mới năm 1 mà đã thấy mình không cân bằng được thời gian cho việc học thì càng lên các năm sau sẽ càng khó hơn. Học tập là mục tiêu quan trọng, em nên tập trung nhiều thời gian cho việc học hơn. Em vẫn có thể tham gia CLB để học hỏi thêm nhiều kỹ năng mềm nhưng không thể để CLB chiếm gần hết thời gian của mình. Em nên giảm thời gian cho CLB xuống vì năm 1 quan trọng nhất vẫn là học tập. Sinh viên năm 1 mà lơ là việc học, để bị điểm kém, không hiểu bài, không vững nền tảng thì sau này khi học các môn chuyên ngành nâng cao em sẽ càng thấy khó, thấy nản và đuối hơn. Bây giờ, em nên ôn lại kiến thức của các môn mà mình bị điểm thấp. Học kỳ tới, em hãy giảm bớt thời gian cho CLB xuống chỉ còn 2-3 buổi/tuần thôi, để tập trung học thật tốt, tránh để tình trạng cũ lặp lại.

Cẩm nang sinh viên tập 41 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện gửi tôi năm 20 tuổi, đăng ký học phần, cân đối thời gian học và tham gia CLB. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 40) – Học lực trung bình, review app Tiếng Anh

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Điều Kiện Tốt Nghiệp Loại Giỏi Của Hệ Cao Đẳng

4 Tác Hại Khôn Lường Khi Thụ Động Trong Việc Học

Sinh Viên Có Nên Tham Gia Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Không?