Khi tìm việc làm, hầu như ai cũng muốn tìm được một công việc phù hợp để mình gắn bó lâu dài, chứ cũng chẳng muốn vào làm 1-2 bữa hoặc vài tuần rồi xin nghỉ, chỉ vì lý do không phù hợp, cảm thấy công việc không như mong đợi hoặc áp lực quá không chịu nổi,… Vậy bài toán đặt ra cho các ứng viên chính là phải làm sao để chọn đúng công ty, tránh chọn sai rồi hối hận? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!
>> Đi làm vì điều gì? Hãy dựa vào 4 điều này để chọn công ty!
Rắc rối khi vào làm việc vài bữa xong nghỉ
Khó khăn lắm mới tìm được một công ty để vào làm việc, chuẩn bị sửa soạn hồ sơ này kia để nộp cho phòng nhân sự, rồi trong ngày làm việc đầu tiên cũng phải lật đật đi giới thiệu, chào hỏi, làm quen với đồng nghiệp, tham gia các buổi training này kia, nói chung là đã qua 7749 bước, tưởng chừng như mọi thứ đã ổn rồi, vậy mà đi làm được vài ngày, vài tuần, bạn phát hiện ra có nhiều điểm không phù hợp, khiến mình khó lòng gắn bó lâu dài, bây giờ có cố gắng ở lại cũng chỉ tốn thời gian của đôi bên, nên bạn quyết định xin nghỉ luôn. Cảm giác lúc đó sẽ rất hụt hẫng, vì đang vui tươi phấn khởi khi vừa tìm được công việc mới, mà bây giờ tự nhiên bị cắt ngang, xịt keo, cứng đơ người. Rồi cũng cảm thấy khó xử với các anh chị đồng nghiệp khi vừa làm quen, vừa kết bạn Facebook, Zalo, mà giờ lại nghỉ luôn, và cũng thấy ngại với những anh chị đã cất công phỏng vấn, training, hướng dẫn mình trong những ngày qua, giờ họ lại phải tìm người mới và đào tạo lại từ đầu, chỉ vì mình chưa có sự tìm hiểu kỹ, chưa chọn đúng công ty, nên mới thấy không phù hợp rồi xin nghỉ.
Chưa kể tới chuyện lúc đầu bạn cũng nhận được 2-3 offers, từ chối hết mấy chỗ kia để chọn công ty này, bây giờ không phù hợp, xin nghỉ, thì cũng đâu quay lại các công ty kia được nữa, vì bạn đã gửi mail từ chối không đi nhận việc rồi. Và thế là hành trình tìm việc làm của bạn phải bắt đầu lại từ bước đầu tiên, lật đật rải CV, rồi chạy đi nơi này nơi kia để phỏng vấn. Tất cả chỉ vì mình chưa chọn đúng công ty, để chọn sai rồi hối hận.
Làm sao để chọn đúng công ty, tránh chọn sai rồi hối hận?
Sau khi điểm qua những hệ luỵ không mong muốn của chuyện chọn sai công ty, thì tất nhiên bạn sẽ muốn biết ngay cách phòng tránh, chứ không muốn để chuyện đã rồi, lỡ chọn sai rồi lại phải mất công xử lý tai hoạ. Vậy làm sao để chọn đúng công ty, tránh chọn sai rồi hối hận? Đầu tiên, bạn cần xác định rõ xem mình muốn gì, muốn làm việc trong ngành nào, vị trí công việc nào, ở khu vực nào, quy mô công ty ra sao, nếu có thể cụ thể hơn rằng công ty cung cấp sản phẩm/dịch vụ gì thì càng tốt, vì nó sẽ giúp bạn tăng cơ hội tìm được đúng công ty chân ái của mình.
Tiếp theo, khi đã miêu tả được công ty mà mình mong muốn rồi, thì bạn cần phải tìm kiếm, sàng lọc thông tin tuyển dụng, chọn ra những công ty đáp ứng tầm 80% trở lên so với những tiêu chí mình đã đặt ra, bao gồm luôn cả mức lương phù hợp với nguyện vọng, để tránh trường hợp mọi thứ ổn hết, mà lương lại thấp, vào làm vài ba bữa thì bạn cũng sẽ xin nghỉ vì bị nản, cảm thấy mức lương chưa xứng đáng, chưa đúng kỳ vọng. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên so sánh năng lực bản thân mình với những yêu cầu của công việc, tránh trường hợp phải vào làm một công việc quá đơn giản hoặc quá phức tạp so với khả năng của mình, vì sự không phù hợp đó có thể khiến bạn sớm đưa ra quyết định nghỉ việc.
>> Lựa chọn thế nào khi được nhiều công ty gửi offer nhận việc?
Lỡ thấy không hợp công việc sau vài ngày thì phải làm sao?
Nếu bạn đọc bài viết này khi chưa bước chân vào công ty nào, thì bạn có thể tham khảo các lưu ý ở phần trước để tránh rơi vào tình trạng chọn sai công ty. Nhưng lỡ bạn đọc bài viết này khi đang ngồi trong 1 công ty mà mình thấy không phù hợp rồi thì sao, bây giờ mới vào làm việc có vài ngày mà đã thấy chuyện này chuyện kia không như kỳ vọng, không đúng như mình tưởng tượng, đi làm mà thấy chán nản, chẳng hào hứng chút nào, chẳng thể tập trung để hoàn thành tốt công việc, mà suốt ngày cứ suy nghĩ lung tung, khiến kết quả làm việc sa sút, bị cấp trên trách mắng, rồi bạn lại càng stress hơn, mệt mỏi hơn. Vậy lỡ thấy không hợp công việc sau vài ngày thì phải làm sao?
Lúc này, không ít người cảm thấy ngại ngùng, muốn nghỉ việc nhưng không biết nên nói thế nào, mở lời ra sao với cấp trên. Nhưng điều bạn cần làm đầu tiên không phải là suy nghĩ xem sẽ mở lời như thế nào, quan trọng hơn, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng xem liệu công việc này có thật sự không phù hợp không? Nếu thấy công việc có một số vấn đề khiến bạn khó chịu, áp lực quá mức, hoặc công ty không hào nhoáng như bạn kỳ vọng, thì thật ra không có công ty nào hoàn hảo tuỵêt đối, bất kỳ công ty nào cũng có vấn đề, bạn nghỉ việc ở công ty A vì vấn đề này, thì qua công ty B sẽ phải đối mặt với vấn đề khác.
Hãy cân nhắc xem mình có thể chấp nhận được những điểm chưa tốt, chưa hài lòng ở công ty, để tiếp tục công việc này không? Nếu thật sự vẫn không ổn, có gắng làm tiếp cũng không được, thì bạn nên xin nghỉ, chứ không nên nán lại lâu, càng ráng ở lại làm nhưng không tập trung, kéo kết quả làm việc đi xuống, thì càng tệ cho cả bạn lẫn công ty. Nhân viên vào ra là chuyện bình thường, công ty khi tuyển dụng nhân viên cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý và lường trước được chuyện bạn có thể xin nghỉ vào bất kỳ lúc nào, nhất là khi vừa vào công ty, cũng chưa quen việc, chưa thân thiết, chưa đủ độ gắn bó, chính vì thế, bạn chỉ cần mở lời sương sương, có gì nói đó, thì HR sẽ hiểu ngay, chứ không nhất thiết phải tìm lời lẽ hay lý do hoa mỹ, chuẩn chỉnh gì cả.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng phải làm sao để chọn đúng công ty, tránh chọn sai rồi hối hận? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Ứng tuyển việc làm nên gửi CV cho bao nhiêu công ty?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.