Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 43, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về làm nhóm trưởng, bị giáo viên đì, sinh viên năm cuối cần chuẩn bị và tích luỹ những hành trang gì?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 41) – Gửi tôi năm 20 tuổi, đăng ký học phần
1. Trải nghiệm lần đầu làm nhóm trưởng ở đại học
Hồi còn là sinh viên, trong các lần teamwork đầu tiên ở đại học, anh chỉ toàn làm thành viên bình thường, chứ chưa từng làm nhóm trưởng. Lần đầu tiên anh xung phong làm nhóm trưởng thời sinh viên là vì được ưu tiên cộng điểm. Lúc trước, khi làm thành viên trong nhóm, anh từng nghĩ nhóm trưởng chỉ cần chia việc cho từng thành viên, rồi tổng hợp lại nội dung bài thuyết trình thôi, nhưng thật ra nhóm trưởng phải làm nhiều hơn thế. Nhóm trưởng phải biết chọn mặt gửi vàng, chia việc đúng với thế mạnh mỗi người, và phải luôn đồng hành, theo dõi tiến độ, kịp thời hỗ trợ và giải quyết mâu thuẫn, tránh để công việc đình trệ, chậm deadline.
Đó là bài học anh rút ra sau lần đầu làm nhóm trưởng thời sinh viên, chứ thực tế trước khi biết những điều ấy thì anh đã chia việc sai, phân công ngẫu nhiên, không đúng thế mạnh của các thành viên trong nhóm. Có 2 thành viên loay hoay mãi mà chưa xong việc, vì nhiệm vụ được giao phức tạp hơn khả năng của họ, nhóm trưởng cũng không sớm phát hiện, để cuối cùng bị trễ deadline, tới hạn nộp bài vẫn chưa xong. Rồi cũng có bất đồng quan điểm của 2 sinh viên khi thảo luận nhóm, nhưng anh làm nhóm trưởng lại khá hiền, không biết giảng hoà, không phân tích & chốt phương án, khiến họ càng tranh cãi gay gắt hơn. Lần đầu làm nhóm trưởng thời sinh viên của anh diễn ra không suôn sẻ, nhưng anh không hối hận, vẫn thấy rằng đó là quyết định đúng đắn, không làm nhóm trưởng lần đầu thì làm sao có lần sau, rồi khi nào mới tiến bộ?
2. Phải làm sao khi cảm thấy mình bị giáo viên đì?
Một số bạn cảm thấy có vẻ như mình đang bị giáo viên chấm điểm quá khắt khe, gây khó dễ trong quá trình học tập, cho rằng mình đang bị giáo viên đì, vậy phải làm sao khi rơi vào trường hợp này? Liệu có thật là các em đang bị đì không? Hay chỉ đơn thuần là thầy cô khá khó tính, giao nhiều bài tập, chấm điểm khó, rồi vô tình các em là người bị trách mắng nhiều nên tự cho rằng mình đang bị đì?
Thật ra, giáo viên không có bất kỳ lợi ích gì khi đì học sinh, sinh viên, trái lại, điều đó còn khiến họ bị mang tiếng xấu, mất hình tượng trong mắt cả lớp, và tiềm ẩn nguy cơ bị nhà trường kỷ luật, đình chỉ giảng dạy. Đạo đức nghề giáo viên cũng không cho phép hành vi thiên vị, gây khó dễ với học trò, chỉ đơn thuần là nếu có những bạn nào thiếu nghiêm túc, lười học, thì giáo viên sẽ theo sát và kèm cặp kỹ lưỡng hơn. Nhưng nếu sau khi cân nhắc kỹ, các em vẫn thấy rằng thật sự mình đang bị giáo viên đì thì phải làm sao?
Lúc này, các em phải tỉnh táo, hành động một cách sáng suốt, vì đây là một vấn đề rất nhạy cảm. Hãy thu thập tất cả bằng chứng, có thể là ghi âm, ghi hình, hoặc nhờ các bạn trong lớp làm nhân chứng, rồi báo cáo với phòng đào tạo của trường và đảm bảo những gì mình nói hoàn toàn là sự thật. Sau đó, hãy để ban giám hiệu nhà trường tự điều tra và xử lý, chứ các em không nên đơn phương hành động, tự ý phản kháng, bật lại giáo viên ngay trong lớp, mắc công mình bị mang tiếng hỗn và bị đì hơn. Dẫu biết rằng đây là một cái kết buồn, nhưng đó là điều mà các em nên làm khi bị giáo viên đì, vừa giúp bản thân thoải mái hơn, vừa ngăn chặn điều đó tiếp tục xảy ra với các em khoá dưới.
>> Sinh viên có nên làm nhóm trưởng ở đại học không?
3. Sinh viên năm cuối sao còn chưa chuẩn bị 5 điều này?
1. Kiến thức chuyên ngành: Không vững kiến thức chuyên ngành sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm việc, sinh viên năm cuối hãy dành thời gian để trau dồi, ôn lại các kiến thức mình đang yếu.
2. Ngoại ngữ: Khi ra trường đi làm, ai giỏi ngoại ngữ sẽ có cơ hội việc làm rộng mở hơn, mức lương cao hơn so với mặt bằng chung. Năm cuối rồi, các em đã giỏi ngoại ngữ nào chưa?
3. Kỹ năng mềm: Các kỹ năng mềm sẽ giúp các em nhanh chóng thích nghi và hoàn thành tốt công việc khi đi làm, nhất là các kỹ năng phổ biến như giao tiếp, làm việc nhóm,…
4. Kinh nghiệm làm việc: Không nhất thiết phải có nhiều kinh nghiệm xịn xò, chỉ đơn giản là các kinh nghiệm tích luỹ được khi đi thực tập hoặc một số việc làm thêm part time cũng được.
5. Định hướng nghề nghiệp: Sinh viên năm cuối cần định hướng xem sau này mình sẽ làm gì, tính chất công việc thế nào, phát triển sự nghiệp ra sao, có dự định gắn bó lâu dài với ngành không?
4. Cần tích luỹ những hành trang gì sau 4 năm đại học?
Để tăng cơ hội việc làm, sinh viên cần cố gắng, nỗ lực trong quá trình học đại học và chuẩn bị cho mình những hành trang vững chắc nhất. Sinh viên cần tích luỹ những hành trang gì sau 4 năm đại học? Kiến thức là hành trang quan trọng sinh viên cần tích luỹ sau 4 năm đại học. Không có kinh nghiệm thì từ từ học hỏi, nhưng ra trường mà chưa vững kiến thức thì sẽ bị điểm trừ lớn, khó tìm được công việc tốt. Vì thế, dẫu biết khối lượng kiến thức ở đại học rất nhiều, các môn học cũng rất khó, nhưng sinh viên phải cố gắng, tập trung học sao cho nắm vững kiến thức và đạt kết quả học tập tốt nhất có thể.
Kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm cũng là hành trang quan trọng giúp sinh viên mới ra trường tăng khả năng hoàn thành tốt công việc. Hãy dành thời gian trau dồi chúng nhé. Sinh viên cũng nên dành 4-5 buổi/tuần làm thêm part time để có trải nghiệm đi làm thực tế và tích luỹ được một số kinh nghiệm hữu ích, giúp khi ra trường đi làm mình sẽ không bị bỡ ngỡ, lạ lẫm. Sinh viên cũng cần dành thời gian trau dồi ngoại ngữ, đây là hành trang quan trọng giúp mình trở thành ứng viên nổi trội trong cuộc đua tuyển dụng, tăng khả năng tìm được việc làm tốt, được trả lương cao.
Cẩm nang sinh viên tập 43 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện làm nhóm trưởng, bị giáo viên đì, sinh viên năm cuối cần chuẩn bị và tích luỹ những hành trang gì? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 42) – Học thêm, môn đại cương & chuyên ngành
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.