Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 51, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về năm 1 học có nặng không, tư duy phản biện, ôn thi cuối kỳ và kế hoạch phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp đại học.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 49) – Ban nhân sự, gắn kết khi teamwork
1. Sinh viên năm 1 học bao nhiêu môn, có nặng không?
Năm 1 đại học thường học từ 8-12 môn, 1 số bạn cho rằng chương trình học cũng bình thường, không quá nặng, nhưng cũng có bạn cho rằng năm 1 khá nặng, phải học cật lực, toát mồ hôi mới qua môn được. Vậy là sao ta, sao cùng học năm 1 như nhau mà mỗi người lại đánh giá khác nhau? Thật ra, năm 1 học có nặng không sẽ phụ thuộc vào quan điểm và sự nỗ lực trong học tập của riêng từng bạn.
Những ai nỗ lực, tập trung nghe giảng, chăm chỉ làm bài tập sẽ thấy chương trình học năm 1 cũng đơn giản, còn bạn nào lười nhác, học hành chểnh mảng, sẽ thấy môn nào cũng khó, càng học càng không hiểu. Chương trình đại học năm 1 nặng hơn so với cấp 3, nhưng không đến nỗi quá khó, nếu tập trung và học nghiêm túc, sinh viên vẫn vượt qua thuận lợi, chứ lên các năm sau sẽ còn nhiều thử thách khó hơn.
2. Tư duy phản biện giúp ích thế nào trong học tập?
Người có tư duy phản biện thường sẽ khá nhạy bén về tư duy nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ, rồi tìm ra những điểm còn mơ hồ, chưa chắc chắn, chưa đủ xác thực, để phản biện nhằm làm rõ vấn đề. Tư duy phản biện giúp tiếp thu kiến thức 1 cách chủ động, dưới góc nhìn đa chiều, chỗ nào chưa rõ thì mạnh dạn hỏi lại ngay, chứ sẽ không ngồi im thin thít, rồi ghi chép bài một cách máy móc. Với cách học như thế, sinh viên sẽ đảm bảo mình luôn nắm vững kiến thức, dễ dàng đạt được điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi, gia tăng cơ hội tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc.
Nếu sinh viên rèn luyện được tư duy phản biện, đó cũng là 1 ưu điểm lớn khi ứng tuyển việc làm lúc ra trường, chính tư duy ấy cũng giúp các em hoàn thành công việc tốt hơn, thuận lợi hơn. Vì thế, ỏ đại học, giảng viên luôn tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện tư duy phản biện, thông qua việc hỏi đáp, phát biểu trong lớp, chia nhóm để cùng thuyết trình và đặt câu hỏi phản biện.
>> Sinh viên thích giải trí hơn học tập, phát triển bản thân?
3. Ôn thi cuối kỳ thế nào để làm bài được điểm cao?
Thi cuối kỳ ở đại học tất nhiên sẽ khó hơn so với hồi cấp 2, cấp 3, nguyên nhân là vì các môn ở đại học sẽ có khó, phức tạp và khối lượng kiến thức lớn hơn, nhất là với các môn chuyên ngành nâng cao. Đề thi cuối kỳ cũng đòi hỏi sinh viên phải hiểu rõ, hiểu sâu bản chất kiến thức và biết cách ứng dụng, chứ không chỉ đơn thuần học thuộc lý thuyết, học thuộc công thức như hồi còn học phổ thông.
Sinh viên sẽ khó lòng ôn thi cấp tốc trong vài ngày hoặc trong 1-2 tuần, vì như thế là dạng mì ăn liền, không thể được điểm cao, thậm chí một số bạn còn lao vào học vẹt, học tủ, đó là điều không nên. Sinh viên hãy tập trung học ngay từ đầu học kỳ, đi học đầy đủ, đảm bảo mình hiểu bài sau mỗi buổi học, luôn chăm chỉ làm bài tập, ôn bài đầy đủ suốt quá trình học, chỗ nào chưa hiểu cần làm rõ ngay lúc đó. Rồi đến tuần ôn thi, sinh viên sẽ thấy nhẹ nhàng hơn, dễ ôn tập hơn, vì kiến thức đã nằm sẵn trong đầu mình rồi, các em cũng có thể học nhóm, giải đề, dò bài cùng bạn bè để ôn thi năng suất và hiệu quả hơn.
4. Kế hoạch phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp đại học
1. Đặt mục tiêu: Bước đầu tiên để phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp, sinh viên cần xác định xem mình muốn đạt được các mục tiêu nào, càng cụ thể, rõ ràng, các em sẽ càng hình dung chuẩn xác hơn về các bước & các việc cần làm, đó sẽ là kim chỉ nam giúp đi đúng hướng. Chẳng hạn như các mục tiêu liên quan tới củng cố kiến thức, thành thạo kỹ năng mềm, mức lương, cơ hội thăng tiến, các thành công, thành tựu, hoài bão mà mình đang nhắm tới sau khi tốt nghiệp.
2. Nhìn lại bản thân: Sinh viên hãy nhìn lại xem bản thân mình đang có những ưu nhược điểm gì, rồi tìm cách phát triển những điểm mạnh và khắc phục các thiếu sót, điểm yếu để tăng khả năng đạt được những mục tiêu đã đặt ra.
3. Bắt đầu tìm việc: Sau khi ra trường, tất nhiên các em cũng cần tìm việc làm, hãy cân nhắc kỹ, lựa chọn các công việc phù hợp với mình và có nhiều cơ hội để học hỏi, phát triển bản thân.
4. Học hỏi khi đi làm: Để phát triển bản thân, sinh viên mới ra trường cần luôn đề cao tinh thần học hỏi, chủ động trau dồi, tiếp thu những điều mới, để tích luỹ kinh nghiệm làm việc thực tế, củng cố kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.
5. Sẵn sàng chinh phục thử thách: Con đường tới thành công luôn tồn tại nhiều thử thách, phải vững bước tiến về phía trước, không được để những khó khăn trong công việc khiến mình bị chùn bước.
6. Review năng lực: Khi đã có các bước cụ thể và những lưu ý, thì các em chỉ cần làm theo đó, dần dần mình sẽ học được nhiều điều, cứ 6 tháng/lần, hãy dành thời gian review xem mình đã tiến bộ thế nào nhé.
Cẩm nang sinh viên tập 51 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện năm 1 học có nặng không, tư duy phản biện, ôn thi cuối kỳ và kế hoạch phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp đại học. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 50) – Mới lên đại học, đi làm thêm ngày lễ
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.