Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 52, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về đóng góp cho CLB, điều kiện xin chuyển trường, điều thú vị và lưu ý khi học quân sự.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 51) – Tư duy phản biện, phát triển bản thân
1. Bạn sẽ đóng góp những gì cho CLB trong tương lai?
Bạn sẽ đóng góp những gì cho CLB trong tương lai? – Khi phỏng vấn CLB gặp phải câu này, nhiều sinh viên đã bối rối, xịt keo cứng ngắc, không biết nên trả lời thế nào và CLB hỏi về điều này để làm gì? Thật ra, đây chỉ là 1 câu hỏi thử để xem sinh viên đã tìm hiểu về CLB chưa, có dự định gắn bó lâu dài không, chứ sau này cũng không ai nhắc lại để bắt các em phải đóng góp như những gì mình đã nói. Đồng thời, CLB cũng không cần một câu trả lời quá hoàn hảo, vĩ mô, mà chỉ cần các đóng góp nhỏ, đơn giản, nhưng thiết thực và phù hợp với khả năng của một bạn sinh viên bình thường, chẳng hạn như…
- Khi là thành viên ban sự kiện, em sẽ tích cực tham gia các hoạt động, lên ý tưởng, tổ chức những chương trình thường niên của CLB, rồi liệt kê tên các chương trình, cuộc thi, hội thảo do CLB tổ chức.
- Em học ngành nhân sự, khi vào ban HR, em tin rằng mình có khả năng tìm kiếm các thành viên tiềm năng cho CLB, nắm bắt tâm lý, thấu hiểu và gắn kết, giúp CLB trở thành một khối đoàn kết vững mạnh
- Ở vai trò thành viên ban truyền thông PR, em sẽ có các ý tưởng sáng tạo, đóng góp nhiều idea giúp các chương trình do CLB tổ chức tiếp cận với đông đảo sinh viên, thu hút nhiều lượt tham gia hơn.
- Khi là thành viên ban chuyên môn, em sẽ đóng góp nội dung cho các chương trình, sự kiện của CLB và phối hợp tổ chức các buổi training, đào tạo kiến thức cho các thành viên khác trong CLB.
2. Những điều thú vị khi sinh viên học quân sự
- Hoạt động ngoài giờ: Ngoài giờ học, có rất nhiều hoạt động, cuộc thi, sự kiện tại khu quân sự, như thi hát, nhảy, đá banh, bóng chuyền,… ngoài ra còn có radio buổi sáng, confessions tỏ tình, thả thính,…
- Chụp ảnh kỷ niệm: Khu quân sự là nơi tuyệt vời để sản xuất bộ ảnh sống ảo với quân phục, có đầy đủ rừng cây, hoa, bãi cỏ, ghế đá, hồ nước, có thể chụp cá nhân hoặc chụp lưu niệm với nhóm bạn thân.
- Chuyện ma: Không khí khu quân sự khá phù hợp để kể chuyện ma, sinh viên có thể ngồi vòng tròn kể cho nhau nghe, hoặc mở Youtube cũng có nhiều kênh kể chuyện ma hấp dẫn để nghe cùng nhóm bạn.
- Sống tập thể cùng bạn bè: Mỗi phòng ở khu quận sự có khoảng 10 bạn, cùng nhau sinh hoạt, tám chuyện, đùa giỡn mỗi ngày, lâu lâu cãi nhau, xích mích rồi lại làm hoà, cuối cùng để lại nhiều kỷ niệm khó quên.
- Quậy sương sương rồi bị phạt: Sinh viên nhiều lúc cũng quậy, đùa giỡn, vi phạm nội quy, tụ tập thức khuya, không ngủ đúng giờ, bị bắt phạt chung với nhóm bạn cũng là những trải nghiệm đáng nhớ.
>> Sinh viên muốn chuyển trường, chuyển điểm thì phải làm sao?
3. Những điều cần lưu ý khi học quân sự nội trú
- Tư trang cần mang theo: Cố gắng tối giản, không bày vẽ quá nhiều thứ, chủ yếu là các vật dụng thiết yếu như tiền, quần áo, dụng cụ vệ sinh cá nhân, mền, gối, cục sạc điện thoại, móc áo, giày dép.
- Chi phí sinh hoạt: Trong khuôn viên khu quân sự sẽ bán đầy đủ đồ ăn 3 bữa, đồ ăn vặt và những vật dụng cần thiết, mỗi tuần, sinh viên chỉ cần mang theo tầm 800k là đủ, hoặc trừ hao nhiều hơn tí cũng được.
- Việc ăn uống: Menu các món ăn ở khu quân sự rất đa dạng, giúp sinh viên thoải mái thay đổi để tránh bị ngán, tuy nhiên, các món hot, mlem, thường sẽ mau hết, nhanh tay thì còn, chậm tay thì hết.
- Việc học và thi: Dù vẫn có các bài kiểm tra, bài thi lấy điểm, nhưng theo đánh giá chung thì sẽ không quá khó, sinh viên chỉ cần đi học đầy đủ, nghiêm túc, và chịu khó ôn tập một tí thì đều sẽ thuận lợi vượt qua.
- Việc xin ra ngoài: Khi học quân sự, sinh viên thường sẽ không được ra bên ngoài, tuy nhiên, nếu ngoại giao tốt với bác bảo vệ thì các em có thể xin ra ngoài một xíu, nhưng nhớ đi theo nhóm cho an toàn.
- Phương tiện di chuyển: Khu quân sự thường sẽ ở khá xa trường, xa chỗ trọ, sinh viên có thể di chuyển bằng xe buýt, nhưng sẽ khá đông, thường phải đứng, hoặc các em cũng có thể tự lái xe máy đi với bạn bè.
4. Sinh viên chuyển trường đại học cần điều kiện gì?
Vì thay đổi chỗ ở, tài chính gia đình khó khăn hoặc muốn thay đổi môi trường học, nên một số sinh viên đã nghĩ tới chuyện xin chuyển trường. Vậy sinh viên chuyển trường đại học cần những điều kiện gì?
1. Chuyển sang trường có ngành đào tạo trùng với nhóm ngành mình đang học: Tức là khi sinh viên qua trường mới sẽ học ngành tương tự, chứ không được chuyển sang một ngành hoàn toàn khác. Còn trong trường hợp vừa muốn chuyển trường, vừa muốn chuyển ngành, thì sinh viên phải thi tuyển hoặc xét tuyển lại sao cho thoả mãn điều kiện đầu vào của ngành & trường mình muốn chuyển qua.
2. Sinh viên chuyển trường đại học phải có sự đồng ý của hiệu trưởng cả 2 trường và hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cần thiết, nếu 1 trong 2 trường không chấp thuận, thì sẽ không được chuyển trường. Vậy những trường hợp nào sinh viên chuyển trường không được chấp thuận?
- Đang học năm 1 hoặc năm cuối;
- Đang bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên;
- Hộ khẩu nằm ngoài phạm vi tuyển sinh;
- Chưa đủ chuẩn đầu vào của trường mới.
Cẩm nang sinh viên tập 52 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện đóng góp cho CLB, điều kiện xin chuyển trường, điều thú vị và lưu ý khi học quân sự. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 50) – Mới lên đại học, đi làm thêm ngày lễ
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.