Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 71, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về ra trường muộn, làm nhóm trưởng, cafe học bài và lương đi làm thêm shop thời trang khoảng bao nhiêu?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 69) – Bỏ học đại học, thực tập & thử việc
1. Bất lợi khi sinh viên tốt nghiệp ra trường muộn
Nếu học hành không nghiêm túc, để rớt môn quá nhiều, học lại không kịp, thì sinh viên sẽ trễ tiến độ học tập, phải tốt nghiệp ra trường muộn, khi đó, các em sẽ phải đối mặt với 4 bất lợi sau:
- CV xin việc bị điểm trừ: Nhà tuyển dụng sẽ đặt nghi vấn rằng tại sao các em lại ra trường muộn, do lười biếng, không chịu học hành đàng hoàng, hay do không có chí cầu tiến?
- Bị hỏi xoáy về kiến thức khi phỏng vấn: Khi ra trường muộn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi xoáy nhiều câu hóc búa về kiến thức trong vòng phỏng vấn, để đánh giá chính xác về mức độ nắm vững kiến thức của các em.
- Đi làm muộn hơn so với bạn bè: Khi bạn đồng trang lứa đã ra trường đi làm, mình vẫn còn học chưa xong. Khi mình tốt nghiệp, thì các bạn cũng đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm việc rồi.
- Thử việc chung với các bạn nhỏ tuổi: Khi ra trường muộn, nhiều bạn đã bị ngại khi phải thử việc chung với những bạn nhỏ tuổi hơn, sợ bị hỏi tuổi thì không biết nên trả lời thế nào, sợ bị đánh giá này kia…
2. Sinh viên có nên làm nhóm trưởng ở đại học không?
Làm nhóm trưởng ở đại học là 1 thử thách khó khăn, kèm theo nhiều trách nhiệm phải gánh vác, khiến sinh viên thấy ngần ngại và lăn tăn không biết có nên làm nhóm trưởng không? Nhiều bạn trả lời là có, vì khi làm nhóm trưởng sẽ học được nhiều điều hữu ích như là kỹ năng lãnh đạo nhóm, phân chia công việc, theo dõi tiến độ, xử lý bất đồng và hỗ trợ các thành viên trong team. Nhóm trưởng cũng là người theo sát, nắm bao quát toàn bộ bài làm của cả nhóm, nên tự dưng cũng là người nắm vững kiến thức nhất, mình cực nhất nhưng mình là người hiểu bài nhất.
Tuy nhiên, làm nhóm trưởng ở đại học cũng tồn tại những thách thức, khiến cho nhiều sinh viên tới hiện tại vẫn nói không với việc làm nhóm trưởng, chưa dám thử sức với vai trò nhiều trọng trách này. Nhóm trưởng bận trăm công nghìn việc, phải đảm nhiệm vai trò leader, gánh vác trách nhiệm lớn nhất, vừa phải đảm bảo phần việc cá nhân như các thành viên khác, nếu không làm xuể sẽ bị tress. Dẫu biết sẽ khó, sẽ cực, phải chịu trách nhiệm lớn, nhưng cứ né tránh vị trí nhóm trưởng thì khi nào các em mới học được kỹ năng leadership, đây là kỹ năng quan trọng để thăng tiến khi đi làm sau này? Hãy bước ra khỏi vùng an toàn, mạnh dạn thử sức làm nhóm trưởng ở đại học, ai cũng có lần đầu, có sai sót thì mình sửa, rút kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân và nâng cao kỹ năng lãnh đạo nhóm.
3. Các quán cafe yên tĩnh để học bài, học nhóm ở TP.HCM
- The coffee house: Là quán cafe có không gian rộng rãi, thoải mái và wifi cực mạnh, rất phù hợp nếu sinh viên cần phải lên mạng tìm tài liệu học bài. Menu quán đa dạng và có nhiều chi nhánh.
- Chidori: Quán cafe có cả không gian bàn học và không gian ô ngủ, nếu sinh viên học bài mệt quá có thể tranh thủ nghỉ ngơi, chợp mắt một tí, có sẵn gối để nằm luôn.
- Thức coffee: Quán Thức cafe nổi tiếng với chuyện mở 24/7, phù hợp nếu sinh viên muốn học bài thâu đêm, đặc biệt là trong những lúc ôn thi học kỳ, nhưng không nên học quá sức nhé.
- Highland coffee: Quán bán cả nước lẫn bánh, nếu sinh viên đang ngồi học mà đói bụng có thể nhâm nhi thêm, và có nhiều chi nhánh thuận tiện khi tìm địa điểm gần mình.
- Phúc Long: Phúc Long vốn dĩ đã rất nổi tiếng, cộng thêm ưu điểm là thức uống ngon, không gian thoáng mát nên nhiều sinh viên đã lựa chọn để học bài, học nhóm.
- Cộng Cà Phê: Xét về độ yên tĩnh thì khỏi phải bàn, và không gian quán cafe cũng được trang trí theo kiểu cổ điển, tạo cảm giác yên bình, thư giãn, giúp sinh viên dễ tập trung để học bài.
- Chuk Tea: Dù mới ra mắt gần đây, nhưng với tầm giá vừa túi tiền sinh viên, nên Chuk Tea cũng dần trở thành địa điểm để sinh viên học bài, học nhóm phổ biến ở TP.HCM.
4. Tiền lương đi làm thêm shop thời trang khoảng bao nhiêu?
Khi đi làm thêm ở shop thời trang, sinh viên vừa học được nhiều kỹ năng mềm hữu ích, vừa kiếm thêm thu nhập để trang trải chi tiêu mỗi tháng. Vậy tiền lương làm thêm shop thời trang khoảng bao nhiêu? Nếu công việc không áp doanh số, chỉ có lương cứng, thì sinh viên làm thêm shop thời trang thường được trả 20.000đ/giờ, hoặc cố định tầm 3-4 triệu/tháng, đây là một con số tạm ổn khi đi làm thêm.
Nếu có thêm lương KPI, hoa hồng theo doanh số, thì bạn nào bán tốt, mang về doanh số cao, sẽ được thêm khoảng 1-2 triệu/tháng, giúp các em có thêm động lực để hoàn thành tốt công việc. Khi làm lâu, đạt kết quả công việc tốt, sinh viên đi làm thêm sẽ được cân nhắc lên quản lý, trưởng ca, thì lương cứng sẽ tăng lên, nhưng các em nên cân đối thời gian, tránh ảnh hưởng tới kết quả học.
Cẩm nang sinh viên tập 71 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện ra trường muộn, làm nhóm trưởng, cafe học bài và lương đi làm thêm shop thời trang khoảng bao nhiêu? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 70) – CLB Tiếng Anh, học theo cách hiểu
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.