Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 73) – GD Thể Chất, Bạn Thân Ở Đại Học

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 73, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về chuyển trường, chuyển ngành, GDQP, giáo dục thể chất, bạn thân ở đại học và các bước nâng cao kỹ năng giao tiếp.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 71) – Cafe học bài, làm thêm shop thời trang

1. Chuyển trường, chuyển ngành có học lại từ đầu không?

Một số sinh viên dự định chuyển trường, chuyển ngành vì cảm thấy không hợp với ngành đã chọn, càng học càng thấy chán nản. Liệu chuyển trường, chuyển ngành có phải học lại từ đầu không? Nếu sinh viên đã hoàn tất thủ tục chuyển trường, chuyển ngành theo đúng quy định, thì sẽ được bảo lưu toàn bộ kết quả các môn đã học, mặc định được miễn học lại các môn ấy trong tương lai. Tức là nếu ngành mà sinh viên dự định chuyển sang có những môn giống ngành cũ, được công nhận tương đương nhau, thì sinh viên sẽ không cần học lại, càng nhiều môn tương đồng, thì càng đỡ được nhiều. Còn nếu sinh viên chuyển sang một ngành khác hoàn toàn, không có môn học tương đồng, thì bắt buộc phải học từ đầu, chứ không thể quy đổi môn học, vì kiến thức 2 ngành hoàn toàn khác nhau.

2. GDQP và GDTC có tính vào điểm trung bình không?

Các trường đại học sẽ đều có các bài kiểm tra, bài thi để chấm điểm khi sinh viên học Giáo dục quốc phòng (GDQP) & Giáo dục thể chất (GDTC), để tính ra điểm trung bình của môn học đó, nhưng liệu điểm này có tính vào GPA không? Cả GDQP và GDTC sẽ không tính vào điểm trung bình tích luỹ, không ảnh hưởng gì tới GPA của sinh viên, mà điểm môn học sẽ được quy đổi thành đạt hoặc không đạt, vậy nếu không đạt thì sao?

Nếu không đạt môn GDQP và GDTC, thì sinh viên sẽ phải học lại môn đó, vì đây là yêu cầu bắt buộc cần có để được xét tốt nghiệp ra trường, chưa hoàn thành thì sinh viên không được tốt nghiệp. Một số bạn cũng lăn tăn rằng rớt môn GDQP và GDTC có tính vào tổng số tín chỉ học lại, kéo theo nguy cơ bị hạ bằng đại học không, thì đa số trường đại học sẽ không tính điều này.

>> Vì sao sinh viên nên có 1 nhóm bạn thân ở đại học?

3. Lỡ không có bạn thân ở đại học thì phải làm sao?

Đầu tiên, hãy nhìn lại chính bản thân xem liệu các em có đang có những thói quen xấu hoặc một điều gì đó khiến mọi người ngần ngại, không dám kết thân, không muốn chơi chung? Chẳng hạn như nóng tính, lười học, ham chơi, dễ cáu gắt,… Nếu phát hiện ra mình có những điểm chưa tốt thì cần khắc phục ngay để bạn bè xung quanh có cảm nhận tốt hơn về mình.

Tiếp theo, hãy cố gắng phát triển bản thân để mình giỏi hơn, vững vàng năng lực hơn, vì mọi người thường sẽ muốn kết thân với người giỏi, người có tư duy tốt và mang năng lượng tích cực. Thay vì bị động ngồi một chỗ chờ người khác đến bắt chuyện, thì hãy chủ động tìm kiếm và bắt chuyện với những người mà mình thấy phù hợp, nhiều điểm chung và có thể chơi lâu dài. Cuối cùng, hãy cho mình và bạn bè thời gian để đôi bên gắn bó, thấu hiểu, trải qua nhiều thử thách, càng chơi lâu thì sẽ càng thân hơn, chứ không thể nào chỉ mới chơi chung 2-3 tuần rồi thân ngay.

4. Các bước cơ bản giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp

1. Chào hỏi: Bạn có thể chào thành tiếng, kèm theo tên của người đó, có thể kết hợp với ngôn ngữ hình thể, chẳng hạn như là gật đầu chào và nở một nụ cười tươi với một nét mặt thân thiện.

2. Giới thiệu bản thân: Với lần đầu gặp mặt, thì giới thiệu bản thân sẽ là điều cần thiết và là phép lịch sự cơ bản. Hãy giới thiệu ngắn gọn để đối phương hiểu 1 cách tương đối về mình.

3. Kết nối ánh mắt: Hãy nhìn vào mắt đối phương khi giao tiếp, không liếc ngang liếc dọc, vừa tăng sự tin cậy, vừa thể hiện rằng bạn tôn trọng họ và dành toàn bộ thời gian để trò chuyện với họ.

4. Dùng ngôn ngữ cơ thể: Từ nụ cười, cử chỉ tay, nét mặt,… đều góp phần vào sự thành công của buổi giao tiếp. Tránh việc cứ đứng im như tượng, nét mặt đơ ra, sẽ khiến cuộc giao tiếp trở nên sượng.

5. Không ngắt lời: Hãy tập trung lắng nghe, không được ngắt lời khi đối phương đang chia sẻ, vừa là phép lịch sự, vừa giúp bạn hiểu rõ, hiểu đúng nội dung mà đối phương muốn trình bày với mình.

Cẩm nang sinh viên tập 73 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện chuyển trường, chuyển ngành, GDQP, giáo dục thể chất, bạn thân ở đại học và các bước nâng cao kỹ năng giao tiếp. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 72) – Mẫu đề cương, nộp khoá luận trễ

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?