Thông thường, sau kỳ nghỉ hè, thì học sinh, sinh viên sẽ tất bật quay trở lại với guồng học tập, tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng để bắt đầu một năm học mới thuận lợi, mang về kết quả tốt nhất có thể. Điều này với nhiều bạn thì sẽ thấy bình thường, nhưng với một số bạn thì lại khá căng thẳng, áp lực, nhất là với các bạn có năng lực học tập chưa tốt, hoặc đang ở giai đoạn chuyển cấp, chuẩn bị nhập học cấp 3, đại học, phải đối diện với môi trường học hoàn toàn mới, với nhiều khác biệt so với lúc trước. Nếu căng thẳng trước khi nhập học, thì phải làm sao để giải toả?
>> Tân sinh viên lên Hà Nội nhập học cần chuẩn bị gì?
Căng thẳng, lo lắng trước khi nhập học
Anh ơi, mai là ngày đầu em học cấp 3, em lo quá, em xem thời khoá biểu thì toàn các môn học không phải thế mạnh của em. Em rất muốn giơ tay phát biểu để gây ấn tượng, vì thế, em đã chuẩn bị bài trước, nhưng ở em vẫn luôn thường trực một nỗi lo sợ trả lời sai, sợ không biết trả lời, sợ bị đàm tiếu. Anh có bí quyết nào giúp giảm căng thẳng trước khi nhập học trong trường hợp này không anh?
Căng thẳng trước khi nhập học, làm sao để giải toả?
Chào em, căng thẳng trước khi nhập học không phải là cảm giác của riêng em, mà là cảm giác chung của rất nhiều bạn khác, nhất là trong giai đoạn chuyển cấp, từ cấp 2 lên cấp 3, từ cấp 3 lên đại học. Chắc em cũng hình dung được rằng khi bước sang một môi trường mới như thế, thì cách giảng dạy, cách học và thi cũng sẽ có nhiều khác biệt, khó hơn, phức tạp hơn so với lúc trước. Đối với một số bạn có năng lực học hỏi tốt, đạt học lực loại giỏi lúc trước, thì khi chuyển cấp cũng sẽ tồn tại nhiều điều khiến mình lo lắng, sợ rằng mình có thể bị tuột xuống học lực thấp hơn. Còn với các bạn lúc trước năng lực học tập chỉ ở mức trung bình khá, thì lại càng lo lắng, áp lực nhiều hơn. Càng nghĩ tới, thì mình lại càng lo lắng, cảm xúc càng dồn nén, càng khiến mình đau đầu, vậy làm sao để giải toả, để thoát khỏi cảm giác hỗn độn ấy?
Đầu tiên, em cần phải gạt bỏ sự lo lắng sang một bên, đồng ý rằng các môn học sẽ khó hơn, cách học và thi cũng sẽ phức tạp hơn, nhưng nó sẽ không khó tới mức khiến mình phải bỏ cuộc, vì thực tế các anh chị khoá trên vẫn đều vượt qua được, thì em cũng sẽ làm được. Tiếp theo, hãy củng cố sự tự tin vào năng lực bản thân, tin rằng nếu cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ và nghiêm túc học tập thì mình hoàn toàn có thể học tốt, đạt được điểm số cao và nắm vững tất cả kiến thức môn học. Tất nhiên, em sẽ không thể ép bản thân tin vào một điều vô lý, không khả thi, không thật sự tồn tại, chính vì thế, em cần phải thật sự nỗ lực và cố gắng trong học tập, chứ đừng chỉ dừng lại ở suy nghĩ nhé. Đối với chuyện phát biểu trong lớp cũng thế, em đã thật sự dành thời gian để chuẩn bị bài trước, thì mình cứ thế mà tự tin giơ tay phát biểu thôi, chẳng có gì phải lo lắng, nếu lỡ trả lời sai cũng chẳng ai đàm tiếu hay trêu chọc em đâu, mình đang học hành nghiêm túc chứ đâu phải giỡn chơi, mình đang phát biểu xây dựng bài mà, sao các bạn cười được?
>> 3 cách giúp sinh viên tự tin giơ tay phát biểu
Làm thế nào khi các môn học không phải thế mạnh của mình?
Sau khi gạt bỏ được cảm giác lo lắng, căng thẳng trước khi nhập học sang một bên, thì em đã có thể bắt đầu một năm học mới với tinh thần sảng khoái, tràn đầy năng lượng rồi. Từ đây, mình sẽ bắt đầu xử lý nốt một băn khoăn nữa của em, đó chính là làm thế nào để vượt qua khi các môn học không phải thế mạnh của mình?
Mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau về cách học tập. Có một số bạn cho rằng môn nào thế mạnh, môn nào mình thích thì tập trung học môn đó cho đàng hoàng, còn các môn không phải thế mạnh, không có hứng thú thì học sương sương cho đủ điểm qua môn thôi cũng được. Nhưng đối với anh thì khác, lúc trước, anh theo trường phái cố gắng học đều tất cả các môn, không quá ưu ái môn nào, và cũng không bỏ bê bất kỳ môn học nào, cho dù ban đầu mình có thích nó hay không, môn đó dễ hay khó, giảng viên có khó tính không,…
Anh sẽ luôn đối mặt và xử lý tất cả môn học, cho dù lúc mới nhập học có căng thẳng, e ngại thế nào, thì khi mình có đủ quyết tâm, đủ nỗ lực và nghiêm túc, thì sẽ đều vượt qua được, hãy nghĩ rằng tất cả môn học đều quan trọng, đều cung cấp kiến thức hữu ích giúp mình mở rộng kho tàng tri thức, nâng cao năng lực bản thân. Anh có một bí quyết nhỏ dành cho em, đó là hãy thử tìm ra những điểm thú vị trong từng môn học, đó sẽ chính là cảm hứng học tập, giúp em cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp nhận kiến thức, thậm chí còn hào hứng, tự chủ động đọc thêm các kiến thức bên ngoài sách vở để mở mang thêm vốn hiểu biết cho bản thân, kiểu như khi thấy mình học được những kiến thức mới, thì mình sẽ cực kỳ vui sướng ấy. Nếu làm được điều đó, thì em sẽ không còn bị mắc kẹt trong cảm giác hoang mang, căng thẳng, cho rằng môn học không phải thế mạnh của mình nữa, mà ngược lại, còn giúp em học tốt hơn, thoải mái hơn trong quá trình học tập luôn.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng căng thẳng trước khi nhập học thì phải làm sao để giải toả? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với em. Chúc em học tốt!
>> Sinh viên năm 1 cần lưu ý những gì trước khi nhập học?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.