Khi đi học, sinh viên luôn mong muốn quá trình học tập của mình diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, mang về kết quả học tập tốt, điểm số cao và tốt nghiệp ra trường đúng hạn. Tuy nhiên, trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau có thể khiến việc học của sinh viên gặp phải những biến cố, những điều không như mong đợi, chẳng hạn như bị cảnh báo học tập. Vậy cảnh báo kết quả học tập là gì, trường hợp nào sinh viên sẽ bị cảnh báo? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Sinh viên đại học rớt môn nhiều có được lên lớp không?
Cảnh báo kết quả học tập là gì?
Cảnh báo kết qủa học tập là trường hợp nhà trường kiểm tra kết quả học của sinh viên và đưa ra lời cảnh báo, nhằm giúp các em nắm được rằng tình hình học tập của mình đang thật sự tệ, nếu không sớm có sự thay đổi, không có phương án học hành nghiêm túc hơn thì khả năng cao rằng sẽ khó lòng tốt nghiệp ra trường. Việc xem xét kết quả học tập để tiến hành cảnh báo sẽ được thực hiện theo từng học kỳ, cứ mỗi khi kết thúc học kỳ, có kết quả điểm trung bình học kỳ và điểm trung bình tích luỹ, thì nhà trường sẽ có đủ cơ sở để xem xét, đánh giá và đưa ra cảnh báo. Vậy sinh viên sẽ bị cảnh báo kết quả học tập trong những trường hợp nào? Hãy cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo để nắm rõ, tránh để bản thân bị cảnh báo quá nhiều.
Trường hợp nào sinh viên bị cảnh báo học tập?
Theo quy định chung của Bộ giáo dục & đào tạo, vào cuối mỗi học kỳ chính, nếu sinh viên nằm trong các trường hợp sau sẽ bị cảnh báo kết quả học tập:
- Tổng số tín chỉ không đạt trong học kỳ vượt quá 50% trên tổng số tín chỉ mà sinh viên đăng ký trong học kỳ đó / hoặc tổng số tín chỉ đang nợ từ đầu khoá (chưa học lại để trả nợ môn) vượt quá 24 – Đây là trường hợp đương nhiên sẽ phải cảnh báo, vì điều này đồng nghĩa với việc sinh viên đang học rất tệ, để bản thân bị rớt môn, nợ môn tồn đọng quá nhiều;
- Điểm trung bình học kỳ đạt dưới 0.8 đối với học kỳ đầu của khoá học / hoặc dưới 1.0 đối với các học kỳ còn lại (trên thang điểm 4) – Điều này cũng đáng để cảnh báo, vì dưới 0.8 hay dưới 1.0 thể hiện rằng học lực của các em chỉ đang ở mức kém, không đủ điểm để xét tốt nghiệp ra trường;
- Điểm trung bình tích luỹ bị rơi xuống mức dưới 1.2 đối với sinh viên năm nhất, dưới 1. 4 với sinh viên năm hai, dưới 1.6 với sinh viên năm 3, dưới 1.8 với sinh viên các năm tiếp theo – Đây cũng là điều đương nhiên phải cảnh báo, vì kết quả học tập trong khoảng 1.2 – 1.8 chỉ đang ở mức xếp loại yếu, và theo quy định thì sẽ không được tốt nghiệp ra trường, khi nhận được cảnh báo học tập trong trường hợp này thì các em phải nhanh chóng thay đổi, có phương án học tập sao cho phù hợp để kéo điểm lên, tối thiểu phải đạt 2.0 thì mới đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường.
>> Cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học theo tín chỉ
Cảnh báo kết quả học tập tối đa bao nhiêu lần?
Cảnh báo học tập không đơn thuần chỉ là việc nhà trường đưa ra cảnh báo để nhắc nhở một cách đại khái, sinh viên nghe xong rồi bỏ qua, không cần bận tâm. Mà thực chất đã gọi là cảnh báo, và là cảnh báo chính thức từ phía nhà trường, thì nó sẽ kéo theo những quy định, chế tài để xử lý nếu sinh viên liên tục bị cảnh báo học tập quá nhiều lần.
Nó tương tự như trường hợp sau này đi làm, nếu chúng ta vi phạm nội quy công ty, lần đầu sẽ nhắc nhở, tiếp theo sẽ là các lần cảnh cáo, và nếu bị cảnh cáo quá số lần cho phép thì khả năng cao rằng nhân viên đó sẽ bị đuổi việc, chứ công ty sẽ không chấp nhận một người đi làm mà liên tục phớt lờ những cảnh báo từ phía công ty, xem thường quy định, nội quy công ty và không nghiêm túc với công việc. Vậy trong trường hợp sinh viên đi học, thì sẽ bị cảnh cáo kết quả học tập tối đa bao nhiêu lần trước khi đối mặt với chế tài xử lý?
Số lần cảnh báo kết quả học tập tối đa đối với mỗi sinh viên sẽ do nhà trường thống nhất và thông báo chính thức, kèm theo quy định cụ thể, tức là điều này sẽ linh hoạt theo quy định riêng của từng trường đại học, nhưng cần đảm bảo không vượt quá 2 lần liên tiếp. Chẳng hạn như trường A quy định rằng trong toàn khoá học, sinh viên chỉ được phép nhận cảnh báo kết quả học tập tối đa 3 lần, và không quá 2 lần liên tiếp. Nếu có sinh viên nào phải nhận cảnh báo tới lần thứ 4, hoặc bị cảnh báo liên tiếp 3 học kỳ, thì sẽ phải đối mặt với chế tài xử lý. Để nắm thông tin rằng trường mình đang quy định như thế nào, thì sinh viên chỉ cần search trên Google theo cú pháp “Cảnh báo kết quả học tập + tên trường + tối đa bao nhiêu lần”, thì sẽ ngay lập tức hiện ra kết quả.
Bị cảnh báo học tập quá số lần cho phép thì sẽ thế nào?
Chẳng sinh viên nào muốn mình phải nhận cảnh báo kết quả học tập, 1 lần thôi cũng không muốn, nên tất nhiên chuyện bị cảnh báo nhiều lần tới mức vượt quá số lần tối đa cho phép thật sự là một viễn cảnh mà không bạn nào muốn đối mặt. Điều đó vừa khiến các em xấu hổ, tự ti về khả năng học tập của bản thân, mà lại vừa phải đối mặt với biện pháp xử lý nghiêm từ phía nhà trường. Vậy sinh viên bị cảnh báo học tập quá số lần cho phép thì sẽ thế nào?
Đa số trường đại học sẽ thống nhất phương án rằng sinh viên sẽ bị buộc thôi học khi nhận cảnh báo kết quả học tập vượt quá số lần cho phép. Điều này khiến sinh viên cảm thấy áp lực, lo lắng, hoang mang, nhưng nó sẽ khiến các em học hành nghiêm túc hơn, cố gắng tập trung, nỗ lực và chăm chỉ để mang về kết quả học tập tốt, không để bản thân bị cảnh báo quá nhiều lần. Và chính từ sự nghiêm khắc trong quy định này đã giúp cho nhiều sinh viên tiến bộ hơn, cải thiện kết quả học tập rõ rệt, và tốt nghiệp ra trường đúng hạn, chứ nếu nhà trường không có biện pháp mạnh, thì khả năng cao rằng sẽ có nhiều bạn vẫn tiếp tục lơ là việc học, để kết quả học tập sa sút quá mức, tới khi hối hận thì cũng đã muộn, bị nợ môn quá nhiều, điểm trung bình tích luỹ quá thấp, khó lòng tốt nghiệp ra trường.
Bài viết này đã giúp sinh viên đại học hiểu được rằng cảnh báo kết quả học tập là gì, trường hợp nào sinh viên bị cảnh báo? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> 5 lầm tưởng của sinh viên về việc học cải thiện
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.