Dù không phải một trong những câu hỏi phỏng vấn thường gặp, nhưng “Điều gì khiến bạn tức giận, mất bình tĩnh?” vẫn là một câu hỏi phỏng vấn mà các em có thể gặp phải. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi điều đó khi họ muốn biết rằng các em có dễ nóng giận không, điều gì có thể khiến các em mất bình tĩnh trong công việc. Đồng thời, các em giải quyết các tình huống đó như thế nào để không làm ảnh hưởng xấu đến kết quả làm việc. Dưới đây là một số gợi ý dành cho các em.
>> 10 câu hỏi về kỹ năng xử lý tình huống phổ biến nhất khi phỏng vấn
Mô tả tình huống mất bình tĩnh trong quá khứ
Sẽ có vẻ giả tạo nếu các em nói rằng mình chưa bao giờ tức giận hay mất bình tĩnh. Không có ai hoàn hảo ngay từ đầu cả, để học được cách cân bằng cảm xúc và bình tĩnh trước đa dạng tình huống thì cần phải có một quá trình. Chính vì thế, không có gì phải ngại khi chia sẻ lại một tình huống mà mình mất bình tĩnh trong quá khứ, có thể là từ tận 2-3 năm trước rồi. Và bây giờ các em đã rút ra được bài học gì sau những lần đó để bây giờ mình trở thành một người bình tĩnh, biết cân bằng cảm xúc hơn.
Lưu ý rằng các em nên chọn các tình huống mà nguyên nhân của sự tức giận, mất bình tĩnh nằm ở chỗ là đối phương không hoàn thành tốt công việc, hoặc có những hành động ảnh hưởng xấu đến kết quả công việc, chứ không nên chọn các tình huống nóng giận vì lý do cá nhân, ngoài công việc hoặc do bản thân mình bị stress trong công việc quá nên tự nhiên nóng giận vô cớ (tức là phần này đang nói tới việc là những tình huống nào có thể khiến các em tức giận, mất bình tĩnh). Đồng thời, cần cẩn thận trong việc dùng từ ngữ miêu tả về tình huống tức giận, mất bình tĩnh trong quá khứ để tránh gây phản cảm với nhà tuyển dụng. Đặc biệt, không nên để họ hiểu lầm rằng mình là tâm điểm của các vấn đề trong văn phòng, không phải là người luôn đi soi mói rồi chỉ trích người khác rằng người này sai, người kia mắc lỗi, người nọ không hợp tác,…
Khẳng định rằng hiện tại mình là người bình tĩnh trong công việc
Kiểu như là sau một số lần mất bình tĩnh trong quá khứ thì hiện tại các em đã trở thành một người bình tĩnh trong công việc, biết cách nhìn nhận các vấn đề một cách khách quan, khéo léo hơn trong lời nói, hành động và quản lý được cảm xúc của mình. Tất nhiên là sẽ vẫn gặp phải những tình huống khiến mình không hài lòng nhưng các em đã biết cách giữ bình tĩnh, chứ không phải là một người nóng nảy, nếu tuyển vô làm là sẽ quậy banh công ty.
Đồng thời, các em cần thể hiện được rằng mình sẽ xử lý khéo léo như thế nào nếu gặp chuyện bất bình trong công việc, chẳng hạn như là phân tích nguyên nhân, đưa ra feedback và hướng giải quyết khách quan như thế nào, kiềm nén cảm xúc ra sao ngay cả khi người khác nóng giận, lớn tiếng với mình,…
Ngoài ra, nếu apply vào vị trí quản lý thì các em càng cần phải nhấn mạnh rằng mình sẽ không phải là một người quản lý nóng tính, luôn “hét ra lửa” để khiến nhân viên cấp dưới sợ mình. Thay vào đó, các em sẽ là một người quản lý tâm lý, biết nhìn nhận các vấn đề một cách khách quan, sẵn sàng feedback khi cấp dưới có lỗi sai chứ không dễ dàng tức giận, mất bình tĩnh. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp các em biết được hướng trả lời cho câu hỏi phỏng vấn “Điều gì khiến bạn tức giận, mất bình tĩnh?”. Chúc các em thành công trong buổi phỏng vấn sắp tới.
>> Phải làm gì khi khách hàng nóng tính, làm ầm lên và xúc phạm mình?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.