Trước khi bước tới buổi phỏng vấn, bạn cần có sự chuẩn bị trước, tự lường trước các câu hỏi thường gặp và tập dượt trả lời theo thông tin của mình. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn và trả lời lưu loát hơn. Nếu đang chuẩn bị phỏng vấn vị trí nhân viên Sales, tư vấn viên, thì bạn có thể tham khảo một số câu hỏi thực chiến, kèm gợi ý trả lời sau đây:
1. Vì sao bạn muốn làm sales – tư vấn viên?
Đây là câu hỏi cực kỳ phổ biến, nhằm đánh giá xem bạn đã cân nhắc kỹ về công việc này chưa, tránh trường hợp rằng bạn chỉ đang chọn đại, thấy có vị trí trống nên ứng tuyển. Đồng thời, công ty cũng muốn đánh giá xem bạn có khả năng sẽ gắn bó lâu dài không? Thường thì những ai đã tìm hiểu về vị trí sales, tư vấn viên, và thấy hứng thú với nó, trả lời được rằng vì sao bạn muốn làm sales, thì sẽ có khả năng gắn bó lâu dài với nghề, với công việc hơn, so với những ai không trả lời được câu hỏi này.
Tức là bạn phải dành thời gian tìm hiểu kỹ và xác định xem những điều gì khiến bạn muốn gắn bó với công việc này, chẳng hạn như bạn thích làm việc với khách hàng, thích tư vấn cho khách những sản phẩm, dịch vụ tốt, bạn muốn có mức lương cao, hoa hồng hấp dẫn của nghề sales, hay đơn giản rằng bạn thấy mình đang có sự yêu thích và muốn học hỏi, phát triển bản thân ở vị trí sales, tư vấn viên, cho dù trước đây có thể bạn chưa từng làm sales, nhưng giờ là lúc bạn sẵn sàng để học hỏi, để trau dồi bản thân với công việc mới này.
2. Bạn có những điểm mạnh nào để làm sales?
Ở bất kỳ công việc nào, dù là người mới vào nghề hay đã có nhiều kinh nghiệm, thì công ty vẫn muốn biết được rằng bạn có những điểm mạnh nào phù hợp với công việc, cụ thể rằng bạn có những điểm mạnh nào để làm sales? Đừng quá nghiêm trọng hoá, rồi đâm ra tự ti khi mình chỉ là người mới, thay vào đó, bạn hãy nhìn lại xem mình có những điểm mạnh nào liên quan tới công việc sales, đơn giản thôi cũng được, chẳng hạn như có khả năng ăn nói ổn, biết nắm bắt tâm lý và tạo lòng tin với khách hàng, bạn là người chăm chỉ, chịu khó làm việc, chịu được áp lực, hoặc đơn giản là bạn có kiến thức, kinh nghiệm liên quan tới lĩnh vực, tới sản phẩm, dịch vụ mà mình chịu trách nhiệm sales, tư vấn.
Chẳng hạn như bạn ứng tuyển vị trí nhân viên sales của phòng gym, và từng có kinh nghiệm làm PT rồi, bây giờ bạn chuyển qua làm sales thì đương nhiên phải học hỏi thêm nhiều về kỹ năng sales, chốt khách, nhưng ít ra bạn cũng đã có sẵn kiến thức, kinh nghiệm liên quan tới tập luyện, dinh dưỡng, biết cách nói chuyện với khách về chủ đề tập luyện rồi đúng không?
>> Chưa có kinh nghiệm, làm nhân viên kinh doanh được không?
3. Bạn đã học được những kiến thức, kinh nghiệm gì về sales?
Đây là lúc bạn chia sẻ những gì mà mình đã có kinh nghiệm về ngành sales nếu thực tế bạn từng làm các công việc liên quan. Còn nếu chưa, thì bạn hãy chia sẻ về những kiến thức mà mình đã đọc, đã học, liên quan tới sales, tư vấn viên, để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã có sự chuẩn bị trước cho công việc này, dù bạn là người mới nhưng bạn thật sự nghiêm túc với nghề, nên đã dành thời gian đọc trước tài liệu, giáo trình, liên quan tới kỹ năng sales. Hoặc bạn đã hỏi thăm kinh nghiệm từ một số người quen đang làm trong ngành, được họ chia sẻ về điều A, B, C,… bạn cảm thấy những điều đó rất hữu ích, đã ghi nhớ và sẽ ứng dụng trong công việc sau này.
Bạn cũng có thể tự chia sẻ thêm về quan điểm, tư duy của bạn liên quan tới công việc sales, chẳng hạn như muốn chốt khách thì phải chịu khó lắng nghe để khai thác nhu cầu của khách hàng, phải nói chuyện một cách tự nhiên, chia sẻ cho họ thấy mình đang tìm giải pháp giúp họ giải quyết các vấn đề, rồi cuối cùng mới chốt sales, hãy quan tâm khách hàng nhiều hơn chứ đừng chăm chăm nói về giá, về sản phẩm của mình.
4. Bạn có khả năng giao tiếp tốt với khách hàng không?
Giao tiếp được xem là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của sales, tư vấn viên, chính vì thế, khi phỏng vấn việc làm ở các vị trí này thì nhà tuyển dụng sẽ thường hỏi rằng, bạn có khả năng giao tiếp tốt với khách hàng không? Đương nhiên, bạn cần trả lời là có, vừa có thể giao tiếp lưu loát, tự tin, vừa biết cách đặt câu hỏi để khai thác thông tin, nắm bắt tâm lý khách hàng, tạo sự đồng cảm để tăng khả năng chốt đơn. Đồng thời, nếu có kỹ năng giao tiếp tốt thì bạn cũng sẽ tự tin hơn khi giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của công ty, tạo tự tin tưởng cao hơn so với những ai nói chuyện thiếu tự tin, lắp bắp, rụt rè.
Để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn này, bạn không nên nói suông, mà thực tế phải chứng minh được rằng trong quá khứ bạn đã từng giao tiếp tốt trong các trường hợp cụ thể nào, với những ai đã từng có kinh nghiệm về sales, tư vấn viên thì sẽ có lợi thế hơn một chút, nhưng nếu bạn là newbie, thì vẫn có thể kể lại các tình huống giao tiếp khác trong công việc, trong học tập, chứ không bắt buộc rằng phải là trường hợp giao tiếp với khách hàng.
>> Nhân viên kinh doanh chưa đủ số, không đạt target thì phải làm sao?
5. Bạn có chịu được áp lực doanh số không?
Đặc trưng của nhân viên sales, tư vấn viên chính là phải chịu áp lực doanh số hàng tháng, được công ty giao target mỗi tháng và phải bám sát chỉ tiêu đó. Nếu bị chậm tiến độ, doanh số mang về đang quá ít so với mục tiêu, thì bạn sẽ càng cảm thấy áp lực hơn, nhưng vẫn phải cố gắng làm sao để mang về đủ KPI, phải biết cách vượt qua những áp lực về doanh số, hay ít nhất là cũng phải chịu được áp lực ấy, chứ không để nó khiến mình bị stress, chùn bước, rồi bỏ cuộc.
Nếu muốn theo đuổi, gắn bó lâu dài và phát triển sự nghiệp với công việc nhân viên kinh doanh, tư vấn viên, thì bắt buộc bạn phải chịu được áp lực doanh số, phải tự tin trả lời rằng mình sẵn sàng đối mặt và vượt qua áp lực doanh số để mang về đủ KPI mỗi tháng mà công ty đưa ra. Bạn hoàn toàn biết cách chia nhỏ mục tiêu, cụ thể hoá chúng thành hành động hàng ngày, để làm sao có thể bám sát tiến độ KPI, tăng khả năng đạt được doanh số hàng tháng, chứ không để mình bị chậm tiến độ, không để chuyện doanh số trở thành áp lực quá lớn hay trở thành nỗi ám ảnh của mình. Với người mới ứng tuyển vào công việc nhân viên sales, tư vấn viên, đây có thể là một câu hỏi phỏng vấn khó đối với bạn, nhưng hãy tìm hiểu kỹ về ngành nghề này, bạn sẽ nhận ra rằng hầu như ai cũng bắt đầu từ đâu đó, nhưng dần dần đều sẽ quen với áp lực công việc và hoàn toàn có thể vượt qua.
6. Bạn có tự tin sẽ hoàn thành tốt công việc sales không?
Có một câu hỏi phỏng vấn thực chiến, và đã khiến không ít nhân viên kinh doanh, tư vấn viên cảm thấy lúng túng, đó chính là bạn có tự tin sẽ hoàn thành tốt công việc sales không? Đây là câu hỏi để kiểm tra sự tự tin và mức độ sẵn sàng của bạn cho công việc này. Công ty luôn muốn tìm một người có ý chí, có năng lượng và sự tự tin để đối mặt với những thách thức trong công việc, và nghề sales không phù hợp với những ai thiếu tự tin, không thể nào bạn làm tư vấn viên với một tinh thần rụt rè, quan ngại đủ thứ, rồi phải để các anh chị trong công ty động viên tinh thần, làm công tác tư tưởng, khích lệ này kia.
Thay vào đó, có thể bạn chưa có kinh nghiệm, cũng chưa hoàn thiện kỹ năng 100%, nhưng ít ra ngay từ đầu bạn cần thể hiện được tinh thần quyết chiến, thông qua việc trả lời chắc chắn rằng mình sẽ tự tin hoàn thành tốt công việc sales, hãy toát ra năng lượng của một người tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm trong công việc, thì sẽ giúp bạn trở nên nổi trội hơn so với các ứng viên khác và tăng khả năng được chọn.
Bài viết này đã giúp bạn điểm qua cách trả lời một số câu hỏi phỏng vấn thực chiến thường gặp ở vị trí nhân viên sales, tư vấn viên. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Làm sales không có tương lai, không chuyên môn, bị xem thường?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.