Chính Sách Công Ty Gắt Gao, Gây Khó Khăn Cho Nhân Viên Thì Phải Làm Sao?

Để đảm bảo công ty vận hành ổn định, và nhân viên làm việc nghiêm túc, thì phải có chính sách, quy định, quy trình làm việc rõ ràng, cụ thể, kèm theo những chế tài xử lý khi có các trường hợp vi phạm, không tuân thủ quy định công ty. Đây là điều hoàn toàn bình thường, bất kỳ công ty nào cũng có những chính sách riêng, chứ không thể để cho nhân viên muốn làm gì thì làm, bỏ mặc công việc bị đình trệ, chểnh mảng. Tuy nhiên, nếu chính sách công ty quá gắt gao, gây khó khăn cho nhân viên, thì cũng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực quá mức, vậy phải làm sao khi gặp trường hợp này?

>> Làm văn phòng thấy không hợp công việc thì phải làm sao?

Ai là người lập ra nội quy, chính sách công ty?

Trước khi giải đáp rằng chính sách công ty gắt gao, gây khó khăn cho nhân viên thì phải làm sao, thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem ai là người lập ra nội quy, chính sách công ty? Thông thường, người sáng lập công ty sẽ cùng với ban giám đốc họp, thảo luận để thống nhất quy trình làm việc giữa các phòng ban, đồng thời, sẽ lập ra những nội quy, chính sách công ty cụ thể, kèm theo những chế tài áp dụng khi có nhân viên vi phạm chính sách. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thì cần có sự tham gia và thống nhất ý kiến của trưởng phòng nhân sự, và chủ tịch công đoàn của công ty (do toàn thể nhân viên công ty bầu chọn theo từng nhiệm kỳ). Tóm lại, ban lãnh đạo công ty có quyền lập ra, chỉnh sửa và bổ sung nội quy, chính sách công ty, nhưng cần phải thông qua trưởng phòng nhân sự và công đoàn để đảm bảo không có những quy định trái với Luật Lao Động, và không có những quy định chèn ép nhân viên quá đáng.

Công ty có quyền trừ lương khi nhân viên vi phạm nội quy?

Như đã làm rõ ở phần trước, nội quy, chính sách nhân viên sẽ đi kèm những chế tài, biện pháp xử lý kỷ luật khi nhân viên vi phạm, nhưng không được trái với quy định của Luật Lao Động, vậy liệu công ty có quyền trừ lương khi nhân viên vi phạm nội quy không, Luật Lao Động có cấm điều đó không? Đối với những trường hợp vi phạm nội quy, chính sách công ty và để lại thiệt hại, gây tổn thất về tài sản, tiền bạc của công ty một cách cố tình, kèm theo bằng chứng rõ ràng, thì tất nhiên người lao động phải có nghĩa vụ đền bù thiệt hại cho công ty, có thể trích tiền cá nhân, hoặc chủ động đồng ý trừ thẳng vào tiền lương tháng tiếp theo của mình, đây là điều bình thường mà ai cũng hiểu, cũng đồng tình.

Tuy nhiên, với các trường hợp vi phạm nội quy, chính sách khác, không có thiệt hại vật chất cụ thể, thì công ty không được phép trừ lương nhân viên khi chưa được người lao động đồng ý, mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, hình thức kỷ luật khác. Khi bạn đang đọc những thông tin này, bạn tiếp thu được một kiến thức mới trong Luật Lao Động để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình khi đi làm, thì tất nhiên ban giám đốc, phòng nhân sự, bộ phận HR của công ty đã biết điều này từ lâu, nên hầu như họ sẽ không bao giờ đưa ra biện pháp trừ lương khi nhân viên vi phạm nội quy, mà sẽ thay thế bằng các hình thức tương tự khác, chẳng hạn như cắt thưởng, giảm bonus, phạt không được tăng lương, thăng chức trong vòng 6-12 tháng tiếp theo, mặc dù cũng ảnh hưởng tới thu nhập của bạn, nhưng không phải biện pháp trừ lương, nên sẽ không vi phạm Luật Lao Động. Ngoài ra, có một điều bạn cần lưu ý thêm rằng trong trường hợp nội quy lao động của công ty có quy định riêng về chuyện trừ lương, không tính công khi đi làm trễ, quên chấm công, không đảm bảo chuyên cần, và bạn đã đồng ý với điều này, thì công ty có quyền áp dụng các biện pháp ấy.

>> Chán công việc, nhưng ngại tìm việc mới thì phải làm sao?

Chính sách công ty gắt gao khiến nhân viên áp lực thế nào?

Mặc dù đã biết rằng công ty không thể tự ý đưa ra các quy định trừ lương một cách vô tội vạ, tuy nhiên, vẫn có những hình thức chế tài khác khi nhân viên vi phạm chính sách. Đồng thời, công ty cũng có thể đưa ra nhiều quy định, nội quy, chính sách khắt khe, khiến nhân viên cảm thấy mình bị kiểm soát một cách quá mức, tự dưng bị áp lực không chỉ bởi công việc, mà còn bởi những chính sách gắt gao của công ty. Chẳng hạn như khi đi làm, đáng lẽ bạn chỉ cần tập trung vào khối lượng công việc, ghi nhớ deadline và đặt KPI cụ thể về chất lượng công việc, kết quả làm việc, và chỉ chịu áp lực bởi những yếu tố đó thôi là cũng đủ mệt mỏi rồi, nhất là trong tình hình kinh tế, kinh doanh khó khăn như hiện nay, cơm áo gạo tiền cũng đã khiến chúng ta quá mệt mỏi, quá áp lực, phải cố gắng lắm mới vượt qua được.

Vậy mà bây giờ tự dưng phải làm việc trong một môi trường có quá nhiều quy định, công ty đưa ra nhiều chính sách quá gắt gao để kiểm soát nhân viên, sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực hơn gấp bội. Rồi lại càng chạnh lòng hơn khi nhìn bạn bè xung quanh, thấy họ đang làm việc vui vẻ ở công ty khác, nơi có môi trường thoải mái hơn, quan tâm tới cảm nhận của nhân viên hơn, chứ không bị kiểm soát chặt chẽ, không phải chju những chính sách gắt gao như công ty mình. Bản thân mình cũng đâu đến nỗi tệ tới mức không tìm được việc làm mới, chính vì thế, một số người đã nghĩ tới chuyện dừng lại, chấm dứt công việc hiện tại, kết thúc sự mệt mỏi bằng cách đi tìm việc mới. Liệu đó có phải giải pháp tối ưu nhất chưa? Chính sách công ty gắt gao, gây khó khăn cho nhân viên thì phải làm sao?

Chính sách công ty gắt gao, gây khó khăn cho nhân viên thì phải làm sao?

Khi cảm thấy chính sách công ty quá gắt gao, giống kiểu đang gây khó khăn cho nhân viên, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thì hãy khoan nghĩ tới chuyện nghỉ việc. Đó chỉ là giải pháp bất đắc dĩ sau cùng, sau khi bạn đã cân nhắc các phương án khác mà chưa chọn được giải pháp nào tối ưu, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, để tìm được một công việc phù hợp, đúng ý mình, với mức lương tương đương và môi trường làm việc tốt hơn là điều rất khó. Thật ra, công ty nào cũng có vấn đề, bạn không phải nhân viên công ty khác, nên bạn không thấy được những vấn đề tùm lum đang tồn tại ở đó, mà bạn chỉ mới chứng kiến được những áp lực, mệt mỏi, những điều không hợp lý, gắt gao trong chính sách công ty mình đang làm thôi, giờ bạn mà đổi việc thì cũng chưa chắc nơi đó hoàn toàn phù hợp.

Chính vì thế, trước tiên, bạn cần phải thử tìm cách giải quyết vấn đề mà hiện tại mình đang gặp phải, cụ thể là chuyện chính sách công ty đang quá gắt gao, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực quá mức. Trước tiên, bạn cần chắc chắn rằng đây là tình hình chung của mọi người, tức là đồng nghiệp xung quanh cũng đang thấy kiệt quệ, mệt mỏi trước những điều gắt gao trong chính sách công ty, chứ không phải là cảm giác chủ quan của một mình bạn. Hãy quan sát hoặc hỏi trực tiếp các đồng nghiệp thân thiết, để có được góc nhìn khách quan hơn. Tiếp theo, khi đã xác định đây là vấn đề chung, thì bạn và đồng nghiệp có thể cùng nhau bàn bạc, thảo luận để thống nhất giải pháp tối ưu nhất, cụ thể trong từng trường hợp, đi sâu vào những quy định của công ty đang khiến mọi người thấy quá gò bó, cần phải thay đổi, điều chỉnh lại. Lưu ý rằng đây là lúc mọi người cùng thảo luận để đóng góp, xây dựng, chứ không phải là tụ tập nói xấu công ty.

Sau khi đã xác định được những điều đó, thì mọi người cứ mạnh dạn gửi đề xuất về phòng nhân sự hoặc công đoàn công ty, khả năng cao rằng sẽ được lắng nghe và điều chỉnh, vì hầu như chẳng công ty nào muốn làm khó dễ nhân viên, họ vẫn luôn tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên làm việc, đóng góp, mang về nhiều giá trị cho công ty. Còn nếu chẳng có gì thay đổi, ý kiến của tập thể nhân viên không được lắng nghe, không được tôn trọng, và công ty cũng chẳng đưa ra bất kỳ phản hồi gì về chuyện này, kiểu như phớt lờ, mặc kệ, thì đó thật sự là môi trường thiếu chuyên nghiệp và bạn không nên gắn bó. Khi ấy, bạn có thể nghĩ tới giải pháp cuối cùng là tìm kiếm một công việc mới.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng chính sách công ty gắt gao, gây khó khăn cho nhân viên thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Cuối năm công việc không thuận lợi thì phải làm sao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Làm Sao Để Tạo Được Nhiều Giá Trị Trong Công Việc?

Chuyển Sang Làm 1 Công Việc Hoàn Toàn Mới, Nên Hay Không?

Vì Sao Thử Việc Bằng 85% Lương Chính Thức, Có Thấp Quá Không?