Là sinh viên, đương nhiên các em sẽ muốn mình gặp nhiều thuận lợi trong chuyện học hành, thi cử, chứ chẳng ai muốn bị rớt môn, bị cấm thi hay bị đuổi học (buộc thôi học). Để tránh rơi vào các trường hợp không mong muốn ấy, sinh viên cần biết các nguyên nhân để phòng tránh. Có một bạn sinh viên đã hỏi Tự Tin Vào Đời, rằng có trường hợp nào mà bị nhà trường đuổi học không? Chúng ta sẽ cùng giải đáp trong bài viết này nhé!
Có trường hợp nào sinh viên bị đuổi học không?
Đương nhiên là có, chứ nếu không thì sẽ không có bài viết này. Trường hợp bị đuổi học đầu tiên và cũng khá dễ hiểu, đó chính là khi sinh viên vi phạm nội quy của nhà trường ở mức nghiêm trọng, hoặc tái diễn nhiều lần dù đã từng bị nhắc nhở, chẳng hạn như là gian lận thi cử, quay cóp, dùng tài liệu trong phòng thi, hoặc gây gổ đánh nhau, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, gây thương tích cho bạn bè,… thì sẽ bị buộc thôi học, huỷ toàn bộ kết quả học tập.
Ngoài ra, nếu sinh viên có kết quả học tập bị kém quá, thì sẽ bị nhận cảnh báo học tập, nếu vượt quá từ 2 cho tới 3 lần cảnh báo học tập trở lên (theo quy định từng trường), thì sinh viên cũng có thể bị buộc thôi học luôn. Cảnh báo học tập là trường hợp mà điểm trung bình học kỳ hoặc điểm trung bình tích lũy của sinh viên đạt dưới mức tiêu chuẩn của trường. Chẳng hạn như với sinh viên năm 1, nếu điểm trung bình tích lũy dưới 1.2 trên thang điểm 4 thì sẽ bị nhận 1 lần cảnh báo học tập. Sinh viên năm 2 nếu điểm trung bình tích luỹ dưới 1.4 sẽ bị cảnh báo học tập, tương tự đối với sinh viên năm 3 là 1.6, và sinh viên từ năm 4 trở lên là 1.8. Các em hãy đặc biệt lưu ý những cột mốc điểm này, tránh để mình học hành sa sút tới nỗi kết quả tích luỹ thấp hơn cả những mức điểm vốn dĩ đã rất thấp như thế, vì để tốt nghiệp ra trường thì mình cần tối thiểu là 2.0, còn các mức này thậm chí còn thấp hơn, nếu cứ học kém như thế thì khó mà ra trường được.
Sinh viên hãy học nghiêm túc vì tương lai của mình
Thật ra, chuyện cảnh báo học tập khi kết quả điểm số bị kém quá, nó chỉ là một hình thức để giúp sinh viên kịp thời thức tỉnh và học hành nghiêm túc hơn, chứ nhà trường cũng không muốn gây khó dễ cho các em. Chứ bây giờ nếu nhà trường không cảnh báo, không có nguy cơ bị đuổi học, bị buộc thôi học, thì khả năng cao rằng sinh viên sẽ tiếp tục chủ quan và bị điểm kém trong tương lai, chưa kể tới việc nếu học hành chểnh mảng như thế thì làm sao mà nắm vững kiến thức, nếu không có kiến thức thì sau này ra trường đâu có ứng dụng được gì trong công việc?
Chính vì vậy, sinh viên hãy cố gắng tập trung học thật tốt, không chỉ liên quan tới việc tốt nghiệp ra trường, để có tấm bằng đại học, mà nó còn giúp ích cho tương lai của mình nữa. Khi mình học tốt, đạt điểm cao, nắm vững kiến thức chuyên ngành, thì mình mới có thể tự tin tìm được nhiều việc làm tốt khi ra trường xin việc sau này. Chứ bây giờ mình cứ đi học như là bị ai bắt ép, cảm thấy không có hứng thú, không chăm chỉ, không có cố gắng, thì cuối cùng đâu có gì đọng lại trong đầu của mình? Hoặc nếu sinh viên đang có tâm lý học đối phó chỉ để lấy bằng đại học, ráng học chỉ để qua môn, đủ điểm tầm 2.0 để ra trường loại trung bình thôi, thì cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi xin việc sau này, dù có bằng đại học, nhưng xếp loại khá thấp, mà lại còn chưa nắm vững kiến thức nữa, lỡ khi phỏng vấn xin việc được hỏi những câu về kiến thức chuyên ngành, chuyên môn, thì các em cũng khó mà trả lời tốt được, nó rất là uổng cho 4 năm đại học của mình.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng có trường hợp nào bị đuổi học không, đồng thời, có một số lời khuyên để các em có thêm động lực cố gắng học tập. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.