Cuối năm là thời điểm mà mọi người thường sẽ bình tâm để nhìn lại một năm vừa qua, xem mình đã làm được gì, chưa hoàn thành được những dự định gì, bản thân còn thiếu sót ở đâu,… đồng thời, chúng ta cũng thường có xu hướng muốn đổi mới bản thân, thay đổi định hướng công việc, muốn khởi đầu một công việc mới, khiến không ít người lăn tăn rằng liệu cuối năm có nên nghỉ việc để bắt đầu lại không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy nhé!
>> Tạm biệt sếp và đồng nghiệp thế nào trước khi nghỉ việc?
Vì sao bạn có ý định nghỉ việc cuối năm?
Trước khi giải đáp băn khoăn rằng cuối năm có nên nghỉ việc để bắt đầu lại không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem vì sao bjn lại có ý định nghỉ việc cuối năm? Mỗi người sẽ có những lý do riêng, và có thể ra quyết định nghỉ việc vào bất kỳ lúc nào chứ không hẳn phải là cuối năm, tuy nhiên, có những yếu tố tác động đến tâm lý, khiến chúng ta thường có xu hướng muốn nghỉ việc vào thời điểm tháng 11, tháng 12 cuối năm. Đầu tiên, vào thời điểm cuối năm, chúng ta thường sẽ nhìn lại năm cũ, xem suốt gần 1 năm qua mình đã làm được gì, nếu thấy có quá nhiều dự định còn dang dở, công việc đang bị đình trệ, chẳng thấy tiến triển, cũng chẳng có kết quả gì khả quan, thậm chí thấy bạn bè xung quanh ở công ty khác gặt hái được nhiều thành công, trong khi mình ở đây chẳng làm nên trò trống gì, thì lại càng khiến bạn muốn nghỉ việc.
Song song đó, thường chúng ta cũng có tâm lý trì hoãn, mặc dù có lúc cảm thấy quá bế tắc, chán nản công việc, nhưng cũng ráng làm cho xong, cố gắng nhẫn nhịn cho qua, nhưng tới cuối năm khi mọi thứ dồn nén quá mức, bạn không chịu nổi được nữa, thì cũng dễ có tâm lý muốn nghỉ việc ngay lập tức. Vậy cuối năm có nên nghỉ việc để bắt đầu lại không?
Cuối năm có nên nghỉ việc để bắt đầu lại không?
Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào quyết định riêng của mỗi người, và cũng ảnh hưởng nhiều bởi tình hình tài chính cá nhân. Chẳng hạn như vào dịp cuối năm nay, bạn đang có một khoản tiền tiết kiệm tạm ổn, đủ để dự phòng trường hợp mình nghỉ việc xong chưa tìm được việc mới ngay, hoặc đi làm ở chỗ mới thì thời gian đầu lương cũng sẽ chưa ổn như ở công ty cũ, tức là bạn có sẵn dự phòng tài chính rồi thì cứ mạnh dạn nghỉ việc để bắt đầu lại, còn nếu bạn đang khó khăn tài chính, không có nhiều tiền tiết kiệm, thì bạn thật sự không nên nghỉ việc vào lúc này.
Ngoài ra, cũng có một số người đi làm cho rằng đã ráng tới cuối năm rồi, thì ráng làm thêm cho hết năm đi, chứ cuối năm nghỉ việc xong tìm việc mới cũng khó, hoặc khi tìm được việc rồi, đang làm được một xíu, chưa kịp thử việc xong thì lại bị kỳ nghỉ Tết cắt ngang, khiến công việc bị gián đoạn giữa chừng, mất mood làm việc. Điều này cũng có ý đúng, vì thông thường, thị trường lao động vào cuối năm sẽ không sôi nổi như dịp đầu năm, tức là vẫn có nhiều công ty đăng tin tuyển dụng vào cuối năm, nhưng sẽ không nhiều bằng sau khi nghỉ Tết, đồng nghĩa rằng nếu bạn nghỉ việc vào cuối năm thì sẽ khó tìm được việc mới, có nguy cơ phải loay hoay và thất nghiệp một thời gian.
>> Nghỉ việc cần báo trước bao nhiêu ngày để không vi phạm hợp đồng?
Hãy nghỉ việc khi không thể tiếp tục, không còn phù hợp
Tuy có một số yếu tố bất lợi khi nghỉ việc vào cuối năm như chúng ta đã làm rõ ở phần trước, nhưng khi bạn cảm thấy không còn phù hợp với công việc nữa, không còn đam mê, không còn động lực, không thể tiếp tục làm việc, thì tốt nhất bạn nên xin nghỉ ngay, bất kể đó là vào cuối năm hay vào lúc nào. Khi ép bản thân ráng tiếp tục làm một công việc mình không thích, không hào hứng, thì bạn đang có lỗi với chính mình, đang tự làm khó, làm khổ chính mình, đi làm mà như cực hình, lúc nào cũng thấy mệt mỏi, chán nản, mất thời gian của bản thân.
Song song đó, khi gượng ép làm một công việc mình không thích, mình đã quá chán nản, thì tất nhiên bạn sẽ khó lòng tập trung, không hoàn thành tốt công việc, thậm chí đi làm với tâm thế ung dung, làm việc hời hợt, làm đại cho có, làm lẹ cho xong, dễ để xảy ra nhiều sai sót trong công việc, bị cấp trên trách mắng, nhiều khi lại bị cho nghỉ việc theo cách không mấy tích cực. Vậy thì bạn nên ra quyết định nghỉ việc luôn ngay từ khi thấy mình không còn phù hợp, chứ đừng ráng nán lại làm thêm, bất kể lúc đó là thời điểm cuối năm hay vào lúc nào.
Nghỉ việc cuối năm có thể mất thưởng Tết, lương tháng 13
Trong phần trước, chúng ta đã thống nhất quan điểm rằng khi nào thấy không hợp, không còn đam mê và yêu thích công việc nữa thì nên nghỉ luôn, không nên ráng làm thêm, vì sẽ không tốt cho cả bạn lẫn công ty. Tuy nhiên, vẫn còn một điều khiến nhiều người muốn nán lại làm, không vội nghỉ việc vào cuối năm, vì sợ có thể sẽ bị mất tiền thưởng Tết, không được nhận lương tháng 13. Chúng ta thường hay nghĩ lương tháng 13 giống như là công sức làm việc suốt cả năm trời của mình, bây giờ cuối năm mà nghỉ việc, mất lương tháng 13 thì khá uổng.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng lương tháng 13 là điều không bắt buộc phải có, mà sẽ phụ thuộc vào quy định riêng của từng công ty và chịu ảnh hưởng bởi dòng tiền, tình hình kinh doanh trong năm đó nữa. Chẳng hạn như nếu công ty đang kinh doanh thua lỗ, chi phí vận hành còn chưa lo xong thì thật sự rất khó có lương tháng 13 hay thưởng Tết, bây giờ bạn ráng chờ đợi một điều chưa chắc sẽ có, thì nó cũng khá mông lung và càng khiến mình đau đầu hơn. Tất nhiên cũng không loại trừ khả năng sắp tới công ty của bạn sẽ có lương tháng 13, nên tuỳ bạn cân nhắc và quyết định thôi, nhưng hãy lưu ý rằng nếu bạn ráng nán lại làm việc, thì hãy cố gắng tập trung và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhé.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng cuối năm có nên nghỉ việc để bắt đầu lại không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> 6 dấu hiệu nhận biết nhân viên sắp nghỉ việc
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.