Nghỉ việc thường sẽ là điều khiến chúng ta cảm thấy ngại, tự dưng đang yên đang lành, đồng nghiệp xung quanh vẫn đang miệt mài làm việc, tiếp tục gắn bó với công ty, vậy mà mình lại quyết định nộp đơn xin nghỉ, tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Chính vì thế, có nhiều người đã quyết định rằng mình sẽ im lặng, tới khi nào nghỉ thì đồng nghiệp sẽ tự biết, chứ không dám mở miệng nói lời chào tạm biệt. Tuy nhiên, đó là một cách hành xử không hay, có phần thiếu tôn trọng những người đồng nghiệp thân thiết với mình. Vậy tạm biệt sếp và đồng nghiệp thế nào trước khi nghỉ việc?
>> Có nên nghỉ việc đột xuất không, có bị mất lương không?
Nên báo tin nghỉ việc với đồng nghiệp trước bao lâu?
Trước khi giải đáp vấn đề tạm biệt thế nào khi nghỉ làm, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem nên báo tin nghỉ việc với đồng nghiệp trước bao lâu, trước bao nhiêu ngày thì ổn? Sẽ không có câu trả lời cụ thể, vì quan điểm của mỗi người mỗi khác, và điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới tâm lý của đồng nghiệp xung quanh, miễn sao bạn nghỉ việc có thông báo trước để mọi người biết, hỏi thăm và tạm biệt, chứ đừng im lặng rời đi là được. Mà thật ra, khi bạn đã có ý định nghỉ việc, đã nộp đơn xin nghỉ và được duyệt, thì tự dưng cách hành xử, thái độ và cách nói chuyện của bạn với đồng nghiệp cũng sẽ có sự khác biệt, và đồng nghiệp cũng sẽ dễ dàng đoán ra khi thấy bạn có nhiều dấu hiệu của nhân viên sắp nghỉ việc.
Trong thực tế, mỗi người sẽ tự lựa chọn được thời điểm phù hợp để báo tin nghỉ việc và tạm biệt đồng nghiệp, thường sẽ trong vòng 2-3 tuần trước khi chính thức nghỉ làm, hoặc trong trường hợp đột xuất bất khả kháng phải nghỉ việc gấp, thì bạn cũng nên thông báo trước 1 tuần. Đây là khoảng thời gian hợp lý để mọi người xung quanh biết tin và lên kế hoạch tạm biệt, chia tay trước khi bạn nghỉ việc. Đồng thời, nếu công việc có nhiều nội dung cần bàn giao lại cho đồng nghiệp, thì khoảng thời gian trên cũng đủ để bạn sắp xếp, và dần bàn giao lại cho người phụ trách mới.
Khi đồng nghiệp hỏi lý do nghỉ việc thì trả lời thế nào?
Khi bạn thông báo chuyện nghỉ làm, bên cạnh việc chia tay, tạm biệt, thì đồng nghiệp cũng sẽ quan tâm và thắc mắc về lý do nghỉ việc, vậy khi được hỏi thì bạn nên trả lời thế nào? Nếu đó là lý do cá nhân, liên quan tới bản thân, gia đình mà bạn không thể tiết lộ, thì cứ nói chung chung là nghỉ việc vì chuyện riêng của gia đình, đồng nghiệp sẽ không hỏi sâu vào. Nếu bạn có định hướng riêng, thay đổi mục tiêu nghề nghiệp, thì cứ thoải mái chia sẻ với đồng nghiệp xung quanh, miễn sao đó là tín hiệu tích cực, chuyển công việc sẽ tốt cho bạn hơn, thì mọi người sẽ hiểu.
Tuy nhiên, nếu bạn nghỉ làm vì công ty hiện tại có nhiều vấn đề, có nhiều điểm không tốt, không thích hợp, thì bạn không nên chia sẻ thẳng thừng điều này, dù sao đi nữa thì đây cũng là nơi mình đã gắn bó suốt một thời gian, và những đồng nghiệp xung quanh vẫn còn tiếp tục làm việc ở đây, nên bạn không nên nói xấu, nói tiêu cực về công ty, mà có thể tìm một lý do chung chung khác, miễn sao bạn thống nhất quan điểm, thống nhất một cách nói với đồng nghiệp là được, tránh trường hợp mỗi người hỏi thì nói một lý do khác nhau, trước sau bất nhất, vì như thế sẽ rất kỳ.
>> Nghỉ việc xong hối hận, có quay lại công ty cũ làm được không?
Tạm biệt sếp và đồng nghiệp thế nào trước khi nghỉ việc?
Sau khi đã làm rõ một số vấn đề xoay quanh chuyện nghỉ làm, thì chúng ta sẽ cùng giải đáp xem nên tạm biệt sếp và đồng nghiệp thế nào trước khi nghỉ việc? Điều này sẽ phụ thuộc vào phong cách riêng của mỗi người, và mức độ thân thiết với từng đồng nghiệp trong công ty. Thông thường, đối với cấp trên, với sếp, thì bạn có thể chia sẻ rằng cảm ơn họ đã training, hướng dẫn, giúp đỡ mình trong suốt thời gian qua, bạn đã được chiếu cố và học hỏi được nhiều điều, phát triển bản thân nhiều hơn so với khi mới chân ướt chân ráo bước vào công ty làm việc, đồng thời, chúc cho sếp và công ty sẽ ngày càng vững mạnh, phát triển hơn trong tương lai. Nghe có vẻ khách sáo, nhưng đó là cách mà mọi người thường nói để tạm biệt sếp, chia tay cấp trên trước khi nghỉ việc. Còn đối với đồng nghiệp xung quanh, thì bạn có thể chia thành 2 nhóm, những người cùng phòng ban, thân thiết, thường xuyên phối hợp làm việc chung, thì có thể sẽ chia tay sướt mướt hơn, cùng nhắc lại một số kỷ niệm đáng nhớ, và cảm ơn họ đã luôn bên cạnh, giúp đỡ mình trong suốt thời gian qua, chúc họ sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tương lai, thăng tiến,… Còn đối với những đồng nghiệp cùng công ty, nhưng khác phòng ban hoặc không quá thân thiết, thì bạn chỉ cần đơn giản gửi lời chào tạm biệt là được, không cần quá cầu kỳ.
Có nên rủ đồng nghiệp đi ăn chia tay trong ngày cuối làm việc?
Song song với chuyện tạm biệt sếp và đồng nghiệp bằng lời nói, lời cảm ơn và những câu chúc tốt đẹp cho nhau, thì nhiều người cũng lăn tăn rằng có nên rủ đồng nghiệp đi ăn chia tay trong ngày cuối làm việc không? Tất nhiên câu trả lời là có rồi, sau này nghỉ làm, nhiều khả năng cũng mỗi người mỗi nơi, khó lòng tụ họp gặp mặt, ăn uống chung với nhau đông đủ nữa, nếu có họp mặt thì khả năng cao rằng cũng thiếu người này, người kia. Vì thế, nếu có thể sắp xếp thì bạn nên rủ đồng nghiệp đi ăn chia tay trong ngày cuối, sau khi đã kết thúc giờ làm việc. Hoặc nếu mọi người không sắp xếp được thời gian cuối giờ, thì có thể cùng nhau đi ăn trưa, hoặc order đồ ăn về văn phòng để cùng ăn uống tạm biệt trong giờ nghỉ trưa. Nếu thân với sếp, thì mọi người cũng có thể rủ sếp cùng tham gia bữa ăn chia tay vào ngày cuối làm việc luôn.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng nên tạm biệt sếp và đồng nghiệp thế nào trước khi nghỉ việc, khi bị hỏi lý do nghỉ việc thì trả lời thế nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Nghỉ việc bị công ty giam lương thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.