Học tài thi phận là một câu nói khá phổ biến mỗi khi sinh viên thấy mình cũng chăm chỉ, học hành đàng hoàng, mà kết quả thi cử lại không được như ý, không như mong đợi. Tất nhiên, sinh viên luôn muốn mình đạt điểm cao, chứ chẳng ai muốn mình bị điểm kém rồi than thở rằng học tài thi phận cả, nhưng thực tế thì thường phũ phàng, có những điều mình không mong đợi nhưng lại phải đối mặt. Có một bạn sinh viên gửi tới Tự Tin Vào Đời băn khoăn về chuyện mình có điểm quá trình tốt, nhưng điểm thi lại tệ, vậy phải làm sao trong trường hợp này?
>> Học hoài mà không thuộc bài thì phải làm sao?
Nuối tiếc vì điểm quá trình tốt nhưng điểm thi tệ
Huhu, em buồn quá. Sinh viên năm 1 mà em bỏ lỡ nhiều thứ quá. Kết quả kì 1 không cao, em chỉ được khá. Sang kì 2, em đã tích cực hơn, điểm quá trình đã cao hơn nhiều, mà điểm thi buồn quá. Em làm bài rất tự tin, biết điểm mà buồn thật sự. Em cảm thấy ghét bản thân quá, em phải làm gì để giữ vững phong độ học và thi cũng thế ạ? Em không muốn học tài thi phận như thế, phải làm sao đây ạ?
Điểm thi tệ kéo kết quả học tập xuống như thế nào?
Hi em, trước khi gỡ rối cho trường hợp học tài thi phận, điểm quá trình cao mà điểm thi lại tệ mà em đang gặp phải, thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem điểm thi tệ sẽ kéo kết quả học tập xuống như thế nào? Ở đại học, điểm trung bình môn sẽ được tính dựa trên 2 phần, là điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ. Thông thường, điểm thi cuối kỳ sẽ chiếm tận 50% – 70% điểm trung bình môn học, tức là sẽ tác động rất lớn tới kết quả điểm số, nếu điểm thi tệ sẽ kéo kết quả học tập xuống rất nhiều. Chẳng hạn như điểm quá trình em được 8, nhưng điểm thi lại chỉ có 3, và tính điểm môn học theo tỷ lệ 30-70, thì điểm trung bình môn học của em chỉ = 8 x 30% + 3 x 70% = 4.5, bị dưới trung bình và rớt môn, một kết quả kinh khủng ngoài sức tưởng tượng. Hoặc nếu tính theo tỷ lệ 50-50, thì điểm trung bình môn học của em vẫn bị kéo xuống rất nhiều, chỉ đạt 5.5 ở mức trung bình, và tất nhiên đây cũng không phải mức điểm mà em kỳ vọng.
Tóm lại, điểm thi tệ sẽ kéo kết quả học tập và tinh thần học của sinh viên đi xuống rất nhiều, để khắc phục điều này thì trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu xem vì sao sinh viên chăm chỉ nhưng điểm thi lại tệ hơn kỳ vọng?
>> Vì sao gần đến ngày thi học bài rất đầy đủ mà điểm không tốt?
Vì sao sinh viên chăm chỉ nhưng điểm thi thấp hơn kỳ vọng?
Học tài thi phận chắc chắn không phải là câu trả lời mà các em đang tìm kiếm, vì chẳng ai muốn điểm số của mình lại bị tác động hoàn toàn bởi yếu tố hên xui may rủi như thế. Thật ra, bản thân từng sinh viên chính là người tác động nhiều nhất tới kết quả học tập của mình, điểm cao hay thấp, nắm vững kiến thức hay không, đều nằm ở sự quyết tâm, chăm chỉ và nghiêm túc của các em trong chuyện học hành. Nếu sinh viên đang thấy rằng mình chăm chỉ nhưng điểm thi lại tệ hơn kỳ vọng, thì hãy tự nhìn lại, đánh giá khách quan xem mình đã chăm chỉ ở mức độ nào, có đủ để hiểu bài, nắm vững kiến thức chưa, hoặc thử so sánh với các bạn giỏi xem mình có chăm chỉ như họ chưa, hay chỉ đang bằng có 60 – 70% so với các bạn ấy. Tức là có nhiều trường hợp sinh viên tự cho rằng mình chăm chỉ, nhưng thật ra những cố gắng, nỗ lực của các em vẫn còn chưa đủ, vẫn còn quá bình thường so với những bạn khác.
Ngoài ra, cũng còn một nguyên nhân nữa rằng các em chưa thật sự tập trung trong giờ học, vừa học vừa chơi, bấm điện thoại, bị xao nhãng bởi những chuyện khác, thành ra thấy mình chăm chỉ ngồi trên bàn học suốt mấy tiếng đồng hồ, nhưng thực chất chẳng học được bao nhiêu, vì đã bị nhiều chuyện khác cắt ngang.
Điểm quá trình tốt nhưng điểm thi tệ thì phải làm sao?
Quay trở lại với băn khoăn chính của em, rằng điểm quá trình tốt nhưng điểm thi tệ thì phải làm sao? Theo quan điểm của anh, nếu em có thể nỗ lực học tập để đạt điểm quá trình tốt, thì thật sự em đã cố gắng rất nhiều so với học kỳ trước, và khả năng tập trung trong lúc học của em cũng khá ổn áp. Vậy thì vấn đề này tới từ đâu? Có thể em đang ôn thi chưa đúng cách, chẳng hạn như ôn tập lung tung, không đúng trọng tâm, hoặc khi có quá nhiều kiến thức cần học thì em lại lựa chọn cách học thuộc lòng, dễ nhớ dễ quên, tới khi vào phòng thi lại chẳng nhớ rõ, rồi lẫn lộn các kiến thức với nhau.
Song song đó, em cũng cần tự nhìn lại xem mình có phân bổ thời gian làm bài hợp lý chưa, hay là mất quá nhiều thời gian loay hoay cho những câu khó, rồi lại không đủ thời gian làm các phần khác. Hoặc mình đã đọc kỹ đề chưa, đã hiểu đúng và trả lời đúng trọng tâm chưa, có bỏ sót chỗ nào không, làm bài xong có dành thời gian dò lại kỹ lưỡng trước khi nộp chưa? Những điều đó liên quan tới kinh nghiệm phòng thi, kỹ năng làm bài thi để tối ưu hiệu quả. Nếu em thấy rằng mình còn đang thiếu sót trong vấn đề ấy, thì có thể tham khảo cụ thể tại đây.
Bài viết này đã giúp em gỡ rối vấn đề rằng điểm quá trình tốt nhưng điểm thi lại tệ thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.