Cân đối điểm số là điều mà nhiều sinh viên quan tâm, nhất là khi các em đặt mục tiêu cụ thể rằng mình muốn tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại xuất sắc. Để theo đuổi các mục tiêu ấy, sinh viên cần phải tập trung cao độ trong quá trình học, đảm bảo điểm số của mình trong khoảng an toàn, hoặc nếu còn thiếu một chút, thì phải có kế hoạch để tối ưu điểm trung bình, bao gồm chuyện học lại, học cải thiện. Tuy nhiên, lạm dụng chuyện ấy quá cũng không tốt, vậy sinh viên nên dựa vào đâu để cân nhắc chuyện đăng ký học cải thiện điểm ở đại học?
>> Sinh viên học cải thiện có bị hạ bằng đại học không?
Sinh viên lăn tăn chuyện học lại để cải thiện điểm
Liên quan tới chủ đề học cải thiện, có một bạn sinh viên đã gửi băn khoăn của mình cho Tự Tin Vào Đời rằng: “Em hiện là sinh viên năm 3, đang học cao đẳng về dược, tầm 7 năm sau là sẽ ra trường. Em bị điểm kém 2 môn, có 6 tín chỉ và 7 tín chỉ. cả 2 môn này đều là thực hành vấn đáp. Năm 2 thì em được khá, năm nay vì 2 môn này nên em bị kéo điểm xuống nhiều. Cho em hỏi là em có nên học lại để cải thiện điểm không ạ, và 2 môn này vì là thi vấn đáp nên em rất sợ đối diện với việc phải thi lại. Em cũng sợ là nếu mà đăng ký học lại thì sẽ mất thêm thời gian và điểm cũng chưa chắc sẽ cao hơn so với lúc trước. Em phải làm sao đây ạ?”
Mình muốn học cải thiện để tăng điểm hay nâng kiến thức?
Chào em, anh hiểu được băn khoăn hiện tại của em xoay quanh vấn đề điểm số và xếp loại học lực, em đang muốn học lại để có cơ hội cải thiện, nâng cao điểm số, đây cũng là mục đích chính khi sinh viên cân nhắc đăng ký học cải thiện. Tuy nhiên, song hành cùng mục tiêu ấy thì em cũng cần chú ý thêm đến chuyện nâng cao kiến thức, giúp mình có cơ hội được tiếp thu lại kiến thức môn học, để mình hiểu đúng, hiểu rõ và nắm vững hơn. Chẳng hạn như trong lần học đầu tiên, mình vừa bị điểm kém, mà vừa không vững kiến thức, thì khi học lại lần nữa để cải thiện điểm, cũng chính là dịp để mình học lại những kiến thức ấy thêm lần nữa, giúp chúng in sâu vào trong đầu, và sẽ hữu ích khi đi làm sau này. Vì thế, điều đầu tiên mà em có thể dựa vào để cân nhắc chuyện học cải thiện chính là mong muốn vừa tăng điểm, vừa nâng cao kiến thức môn học, giúp mình có được gấp đôi động lực để ráng học hành nghiêm túc, chăm chỉ hơn.
>> Mình học được gì khi lần đầu học cải thiện để nâng điểm trung bình?
Liệu học lại môn đó có giúp tăng điểm lên nhiều không?
Học cải thiện là cơ hội giúp sinh viên nâng cao điểm số, tuy nhiên, các em cần cân nhắc xem liệu học lại môn đó có thể giúp mình tăng điểm lên nhiều không. Khả năng tiếp thu của mình cũng có giới hạn, sinh viên không thể ép mình ráng học lại quá nhiều môn, sẽ dễ bị quá tải. Song song đó, nếu muốn tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc thì sinh viên cũng cần lưu ý không học lại quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình học. Vì thế, sinh viên phải cân nhắc xem đăng ký học cải thiện môn nào sẽ tối ưu điểm số được nhiều nhất. Chẳng hạn như có thể nâng điểm trung bình môn học lên tận 2 điểm, thì môn đó đáng để mình học cải thiện, chứ nếu chọn đại những môn chỉ có khả năng tăng tầm 0.5 điểm thì thôi, sinh viên nên dành thời gian và công sức để ráng học tốt các môn học sắp tới sẽ tốt hơn, không nên tốn quá nhiều nỗ lực cho những điều mà chỉ mang lại kết quả khá ít ỏi, trừ khi chính bản thân các em cảm nhận rằng mình còn đang khá yếu, chưa vững kiến thức môn đó, cần phải học lại để trau dồi kiến thức, để giúp ích cho công việc sau này, thì có thể đăng ký học lại môn ấy.
Mình học cải thiện 2 môn cùng lúc có bị quá sức không?
Nếu sau khi cân nhắc 2 yếu tố nêu trên, em thấy rằng song song với chuyện tăng điểm, thì mình cũng muốn học cải thiện để củng cố lại kiến thức, đồng thời, khi học lại thì em cũng có khả năng sẽ kéo được điểm lên nhiều so với lúc trước, thì em tự có được câu trả lời cho mình rồi đấy. Tuy nhiên, trong tình huống của em, anh thấy rằng em có dự định học cải thiện 2 môn cùng lúc, đây cũng có thể là một thử thách dành cho em. Nếu học cải thiện 1 môn thôi thì không sao, đa số sinh viên sẽ đủ khả năng để thu xếp ổn thoả, cân đối thời gian để học tốt tất cả các môn, bao gồm các môn chính thức trong học kỳ, và các môn học cải thiện, học lại. Tuy nhiên, khi con số lại từ 2 môn trở lên, thì em phải cân nhắc tới khả năng của mình, xem liệu với sức học của mình thì có thể chu toàn kết quả học tập không, hay có khả năng bị đuối?
>> 4 điều cần lưu ý khi sinh viên học cải thiện
Có đủ can đảm đối mặt với môn học ấy thêm lần nữa không?
Điều cuối cùng mà sinh viên cần dựa vào khi cân nhắc đăng ký học cải thiện, chính là liệu mình có đủ can đảm để đối mặt với môn học ấy thêm lần nữa không? Những môn có kết quả học tập không tốt, điểm thấp, đa số đều là những môn học khó, với kiến thức phức tạp, giảng viên khó tính, đề thi lắt léo, quá trình học cũng nhiều áp lực. Chẳng hạn như trong trường hợp của em, cả 2 môn mình dự định học cải thiện điểm đều thi vấn đáp, hỏi đáp trực tiếp với giảng viên, và đây cũng là nỗi ám ảnh, là cơn ác mộng của nhiều sinh viên.
Liệu em có chuẩn bị tinh thần để đối diện lại với kỳ thi vấn đáp ấy thêm một lần nữa chưa? Em chỉ cần trả lời là rồi hay chưa, còn chuyện mình có làm tốt hay không là chuyện của tương lai, nhưng anh tin rằng nếu em tập trung, cố gắng và chăm chỉ học tập, thì em hoàn toàn có thể học tốt hơn, vừa củng cố kiến thức, vừa nâng cao điểm số, cải thiện kết quả học tập của mình, chứ đừng quá lo lắng rằng chuyện học lại sẽ khiến mình tốn thời gian mà chưa chắc điểm sẽ cao hơn, lo lắng như thế chỉ khiến em chùn bước, chứ chẳng giúp ích được gì.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng nên dựa vào đâu để cân nhắc đăng ký học cải thiện điểm ở đại học? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Học cải thiện bao nhiêu tiền, học phí có mắc hơn không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.