Học cải thiện là một khái niệm mới ở đại học, khi lần đầu tiên nghe tới vấn đề này, tân sinh viên sẽ băn khoăn không biết học cải thiện là gì, học để làm gì, khi nào nên học cải thiện và cần lưu ý những gì? Mình cũng thế, khi chưa học cải thiện thì mình cũng còn e ngại, vì nghĩ tới việc phải học lại từ đầu, làm lại bài kiểm tra, bài thi cuối kỳ, gặp lại rất nhiều thử thách khó nhằn của một môn học mà lúc trước mình đã bị điểm kém. Nó giống như kiểu bạn phải đối mặt lại một lần nữa với điều mà bạn cực kỳ sợ, ám ảnh… Vậy mình đã học được gì khi lần đầu học cải thiện để nâng điểm trung bình? Hãy cùng xem thử nhé!
>> Sinh viên đại học bị rớt môn nhiều có sao không?
Lần đầu biết cảm giác điểm kém, học cải thiện là gì?
Lần đầu biết cảm giác điểm kém, phải học cải thiện để nâng cao điểm trung bình, đó là khi mình mới còn năm nhất, mới lên đại học mà đã chểnh mảng như vậy rồi, nghĩ lại thấy giận chính mình ghê, sao lại không chịu học hành chăm chỉ hơn chứ? Mình biết các bạn cũng thế, đa số chúng ta sẽ lần đầu bị điểm kém, phải học cải thiện từ khá sớm, khi mình mới năm 1, năm 2 thôi, tất nhiên cảm giác lúc đó sẽ cực kỳ buồn, ám ảnh, thậm chí còn tự ti về năng lực bản thân, cho rằng mình yếu kém nên mới bị như thế, chứ các bạn khác vẫn đạt điểm cao bình thường mà.
Tuy nhiên, nếu cứ đắm chìm trong suy nghĩ tiêu cực này, thì cũng chẳng giúp bạn giải quyết được vấn đề, mình còn trẻ, tương lai còn dài, ngã ở đâu, đứng lên ở đó, mình vẫn có cơ hội học cải thiện để nâng cao điểm số mà.
Đối mặt lần nữa với môn học mà mình bị ám ảnh
Khi quyết định học cải thiện để nâng cao điểm trung bình, thì mình phải chấp nhận đối mặt lần nữa với môn học mà mình bị ám ảnh. Đó là một môn học khó, kiến thức phức tạp, giảng viên khó tính và đề thi cũng chẳng đơn giản. Mặc dù thế nhưng mình hiểu rõ hơn ai hết, rằng việc bị điểm kém phần lớn nằm ở bản thân mình, chưa chịu cố gắng học hành đàng hoàng, thấy kiến thức khó, khô khan nên trong lớp không chịu nghe giảng, về nhà nhìn đống bài tập cũng thấy nhức đầu, lười nhác không làm bài tập luôn. Đó thật sự là khoảng thời gian ám ảnh, với một môn học mà mình không hứng thú, mà còn thấy sợ nó nữa. Vậy mà giờ đây, khi đã bị điểm kém, thì chẳng còn đường nào khác, mình bắt buộc phải học cải thiện để nâng cao điểm trung bình, thì mới mong sau này có thể tốt nghiệp ra trường loại giỏi. Mình chấp nhận đối mặt lần nữa với môn học ám ảnh ấy, gặp lại giảng viên khó tính năm xưa, làm lại toàn bộ bài tập, đối diện lại với áp lực thi cử,…
>> Điểm trung bình thấp có nên học cải thiện không?
Nhất định không được cúp tiết khi học cải thiện
Khi học cải thiện, mình cũng phải tham gia lại từ đầu tất cả buổi học, đối mặt với toàn bộ kiến thức mà mình ít nhiều cũng đã từng nghe qua, giờ phải nghe lại lần nữa thì nhiều bạn sẽ cảm thấy chán nản, không còn gì thú vị nữa. Khi đó, bạn sẽ dễ nghĩ đến chuyện cúp tiết, đi trễ, về sớm, hoặc vào lớp lại lo làm việc riêng, không chịu tập trung nghe giảng,… đây là một sai lầm cực lớn mà nhất định bạn không được mắc phải, nhất là khi lần đầu học cải thiện ở đại học.
Khi học cải thiện, bạn đã phải tốn tiền đóng học phí, tốn thời gian, công sức để đi học, với mong muốn rằng sẽ nâng cao điểm trung bình, đạt kết quả học tập tốt hơn. Để đạt được mục tiêu đó thì nhất định bạn phải tập trung cao độ, không được học hành chểnh mảng như trước, và nhất định không được cúp tiết, không được lười biếng.
Học cải thiện giúp mình rút kinh nghiệm từ những lỗi sai cũ
Khi lần đầu học cải thiện ở đại học, mình cũng rất run, lo lắng rằng không biết mình có đạt kết quả tốt hơn lúc trước không, hay là vẫn sẽ y như cũ, hoặc tệ hơn, phải nhận về điểm số thấp hơn? Nhưng lo lắng ấy không kéo dài quá lâu, mình đã sớm nhận ra được rằng học cải thiện giúp mình rút kinh nghiệm từ những lỗi sai cũ, để mình không mắc phải những sai lầm đó nữa, tất nhiên, điều này sẽ giúp mình tăng cơ hội đạt được điểm cao hơn lúc trước. Chẳng hạn như lần trước mình học hành chểnh mảng, không tập trung nghe giảng, lười làm bài tập, thì bây giờ, khi học cải thiện, mình đã rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất định không đi vào vết xe đổ lúc trước, phải tập trung, cố gắng và chăm chỉ học tập hơn.
>> Mải làm thêm nên học hành chểnh mảng, phải làm sao để cải thiện?
Không được chủ quan khi làm lại bài kiểm tra, bài thi
Khi học cải thiện, bạn có thể nâng cao điểm số, nhưng cũng có trường hợp điểm trung bình bị kéo xuống thấp hơn trước (nếu trường của bạn quy định rằng học cải thiện sẽ lấy điểm của lần học sau cùng). Học cải thiện bị điểm kém là rủi ro mà bạn có thể phải đối mặt nếu mắc phải nhiều lỗi sai, chưa hoàn thành tốt việc học cải thiện. Một trong những yếu tố tác động lớn đến điểm số khi học cải thiện chính là điểm các bài kiểm tra, bài thi. Dẫu biết rằng khi học cải thiện thì mình cũng đã nắm vững kiến thức hơn lần học đầu tiên, nhưng bất kỳ sự chủ quan nào cũng đều phải trả giá, nếu lỡ chủ quan khi làm lại bài kiểm tra, bài thi, thì bạn sẽ dễ mắc lỗi, để xảy ra những sai sót đáng tiếc, khiến mình bị điểm kém một cách oan uổng. Nhất là khi lần đầu học cải thiện, nhiều bạn sinh viên chưa ý thức được điều này nên đã lỡ mắc phải.
Định học để nâng điểm, ai ngờ nâng luôn kiến thức
Khi lần đầu học cải thiện ở đại học, có một điều khiến mình cực kỳ bất ngờ, rằng lúc đầu chỉ định học để nâng điểm trung bình, ai ngờ tự dưng nâng luôn kiến thức, nắm vững kiến thức môn học ấy hơn rất nhiều, vì mình được học tận 2 lần cơ mà, không vững cũng uổng đó. Vậy là mặc dù bạn phải tốn tiền, tốn công, tốn thời gian học cải thiện, phải đối mặt lần nữa với môn học mà mình ám ảnh, phải làm lại toàn bộ bài kiểm tra, bài thi, nhưng đó chính là cơ hội để bạn ôn lại kiến thức môn học một cách kỹ lưỡng hơn, những điều mà lúc trước mình bị mơ hồ, chưa rõ, hiểu nhầm, thì bây giờ đã được làm rõ. Vừa nâng cao điểm số, vừa nắm vững kiến thức môn học hơn – Đó chính là thành quả xứng đáng khi bạn dám tự tin đăng ký học cải thiện, nỗ lực hơn, tập trung học đàng hoàng hơn, không bị chểnh mảng, lười nhác như lúc trước.
Trên đây là những cảm nhận, kinh nghiệm và lưu ý mà mình tự rút ra được khi lần đầu học cải thiện để nâng điểm trung bình. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Sinh viên học cải thiện có bị hạ bằng đại học không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.