Đùn Đẩy Công Việc, Dấu Hiệu Nhận Biết & Cách Xử Lý

Đang làm việc bình thường, nhưng bạn thấy hình như có điều gì đó sai sai, sao tự dưng mình có nhiều việc cần làm thế nhỉ, và khá nhiều trong số đó lại là những chuyện không liên quan, không có trong mô tả công việc, hoặc được đồng nghiệp nhờ vả, chuyền sang. Liệu đó có phải là tình trạng đùn đẩy công việc không, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số dấu hiệu nhận biết và cách xử lý.

>> Vì sao công ty phải kiểm soát giờ giấc làm việc của nhân viên?

Đùn đẩy công việc là gì?

Đùn đẩy công việc khi đi làm là trường hợp đồng nghiệp đẩy công việc của mình cho người khác, có thể là nhờ làm giùm, hoặc tự cho rằng người khác phải làm phần việc đó mặc dù không mấy liên quan tới họ. Chuyện này thường xảy ra khi công ty không có quy trình làm việc rõ ràng, quản lý lỏng lẻo, chưa phân định được ranh giới công việc, các công việc, nhiệm vụ của từng vị trí, từng phòng ban, khiến cho một số công việc mang tính chung chung, dễ bị đùn đẩy từ người này sang người khách, hoặc khi xảy ra sai sót trong công việc thì mọi người cũng dễ dàng đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Tác hại khi đi làm mà cứ đùn đẩy công việc

Sau khi tìm hiểu đùn đẩy công việc là gì, thì chúng ta sẽ thấy ngay rằng đó là một điều tiêu cực, là chuyện không nên có trong môi trường làm việc, vì khi đi làm mà cứ đùn đẩy công việc thì sẽ kéo theo nhiều tác hại và hệ luỵ khôn lường, chẳng hạn như:

  • Công việc bị trì hoãn, tồn đọng, trễ deadline, không được hoàn thành vì mọi người đùn đẩy cho nhau, không có người chịu trách nhiệm chính;
  • Dễ xảy ra sai sót khi làm việc, vì mỗi người làm một ít, rồi đẩy cho người khác, khó lòng đồng bộ và kiểm soát;
  • Nhân viên làm việc với tâm trạng không thoải mái, quan ngại rằng mình sẽ bị đùn đẩy công việc, rồi đang yên đang lành mà bị đẩy việc không liên quan cho làm, thì sẽ càng bực bội hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả công việc;
  • Một số nhân viên làm việc với tâm lý ỷ lại, cái gì không thích làm thì đẩy cho người khác, hoặc tự cho rằng công việc đó không liên quan tới mình nên cứ đẩy đi luôn, không quan tâm, không làm;
  • Công ty khó lòng phát triển, lãng phí nhiều nguồn lực, cả về thời gian, nhân lực lẫn tài chính, vì không kiểm soát rõ ràng các công việc mà để nhân viên đùn đẩy tùm lum…

>> Vì sao sếp cần trao quyền cho nhân viên cấp dưới?

Dấu hiệu nhận biết đồng nghiệp đang đùn đẩy công việc

Đi làm mà cứ đùn đẩy công việc sẽ gây nhiều tác hại cho công ty và ảnh hưởng không tốt tới tâm lý làm việc của bạn, chính vì thế, chúng ta cần sớm nhận ra và kịp thời xử lý, tránh để tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết đồng nghiệp đang đùn đẩy công việc:

  • Đồng nghiệp nhờ vả bạn quá nhiều, họ dùng lời ngon tiếng ngọt, viện cớ bận này bận kia để nhờ bạn làm giúp công việc, nhưng với tần suất nhiều quá mức, đó chính là dấu hiệu đùn đẩy công việc;
  • Đồng nghiệp than bận nhờ bạn làm giúp, nhưng bạn lại thấy họ rảnh, thảnh thơi, ngồi chơi;
  • Công việc đó liên quan tới vị trí, phòng ban của họ nhiều hơn, nhưng cứ đẩy sang cho bạn làm hoài;
  • Công ty không có quy trình làm việc rõ ràng, mà do đồng nghiệp kia tự nghĩ, tự quy định, nói rằng những việc này việc kia bạn phải làm, phải chịu trách nhiệm chính, trong khi cấp trên của bạn còn chưa thông qua;
  • Một số phòng ban không làm đúng vai trò của họ, mà cứ thấy tag tên, nhắc bạn vào làm chung hoài, chẳng hạn như phòng chăm sóc khách hàng khi nhận được yêu cầu của khách hàng lại không tự xử lý, mà cứ liên hệ nhờ bên sales làm giúp cái này cái kia, đồng ý 1-2 lần thì những lần sau mặc định đó là việc của sales luôn?

Khi thấy đồng nghiệp có 1-2 dấu hiệu trên thì bạn vẫn còn lăn tăn, chưa dám kết luận, nhưng khi họ có từ 3 dấu hiệu trở lên thì đó là sự thật, bạn đang bị đồng nghiệp đùn đẩy công việc rồi. Nếu không sớm giải quyết mà để tình trạng này kéo dài thì bạn sẽ dễ bị quá tải công việc, kiệt sức, và có kết quả làm việc sa sút, không tập trung chuyên môn khi suốt ngày phải làm cái này cái kia do đồng nghiệp đẩy sang.

Cách xử lý khéo léo khi bị đồng nghiệp đùn đẩy công việc

Khi thấy đồng nghiệp có các dấu hiệu rõ ràng của chuyện đùn đẩy công việc, thì bạn không được cam chịu, càng im lặng họ sẽ càng được nước lấn tới, nhưng bạn cũng cần xử lý một cách khéo léo, chuyên nghiệp, tránh bị người khác đánh giá này kia, và càng không được để đồng nghiệp lợi dụng sơ hở để quy chụp bạn là người lười biếng, ích kỷ, không chịu hỗ trợ, giúp đỡ người khác. Vậy khi bị đồng nghiệp đùn đẩy công việc thì bạn nên xử lý sao cho khéo?

Đầu tiên, bạn phải phân định thành 2 trường hợp, đó là những việc đã có quy trình, quy định và quy trách nhiệm, phân công rõ ràng, và những công việc còn đang mơ hồ, chưa có quy trình cụ thể, chưa phân công nhân viên hay phòng ban nào phụ trách. Nếu bạn đang bị đồng nghiệp đùn đẩy những công việc ở trường hợp 1, tức là đó không phải việc của bạn, mà đã được phân công cho đồng nghiệp kia, nhưng họ không chịu làm, suốt ngày cứ viện cớ này kia để đùng đẩy, thì bạn chỉ cần thu thập lại danh sách những lần họ đùn đẩy công việc trong khoảng 1 tháng gần đây, kèm theo những bằng chứng cụ thể cho thấy họ không quá bận rộn, chỉ là do họ lười biếng nên cứ đẩy việc hoài, rồi gửi tất cả cho cấp trên, quản lý của họ, để bên team đó tự nhắc nhở nhau rồi làm việc lại cho đàng hoàng. Hoặc nếu khéo hơn thì bạn sẽ gửi cho quản lý của bạn, để người đó tự trao đổi với quản lý bên team kia cho đồng cấp, tránh bị cho rằng bạn vượt cấp.

Còn trong trường hợp đó là công việc chưa có quy trình, quy định rõ ràng, thì bạn sẽ khó lòng trách móc hay quy trách nhiệm cho họ, khó lòng nói rằng họ đang đùn đẩy công việc, vì đây chỉ đang là góc nhìn từ phía bạn thôi. Cách tốt nhất là bạn hãy đưa chuyện này lên cấp trên, liệt kê danh sách những công việc dạo gần đây bạn phải làm, do đồng nghiệp khác đưa sang, nhưng chúng chưa có quy định, quy trình, chưa phân công người phụ trách cụ thể, để phía ban lãnh đạo tự thảo luận, quy định và phân chia lại cho rõ ràng, cho mọi người đều vui, đều hài lòng, không phải làm việc với một tâm trạng bực bội, cho rằng đang phải làm công việc không liên quan tới mình nữa.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ đùn đẩy công việc là gì, tiềm ẩn những tác hại nào, dấu hiệu nhận biết & cách xử lý khéo léo, hợp tình hợp lý. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> 3 cách từ chối khéo khi đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý