Khi đi làm, trong công ty sẽ có nhiều cấp bậc, thấp nhất là nhân viên bình thường junior, fresher, là những bạn sinh viên mới ra trường hoặc người chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành. Cao hơn một chút sẽ là senior, supervisor, rồi tới team leader, manager, và bậc cao nhất thường sẽ là director. Sở dĩ có sự phân chia cấp bậc như thế là để doanh nghiệp vận hành trơn tru, hiệu quả, phân chia rõ ràng vai trò, trách nhiệm và teamwork được thuận lợi hơn, cấp cao hơn sẽ có quyền quyết định lớn hơn. Khi nhắc tới chủ đề này, thì nhiều người cũng thắc mắc rằng vì sao sếp cần trao quyền cho nhân viên cấp dưới? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé.
>> Làm sao để thoát khỏi tâm lý sợ sếp, rén cấp trên?
Trao quyền là gì?
Trao quyền là cụm từ dùng để chỉ trường hợp cấp trên trao bớt quyền quyết định một số công việc cho nhân viên cấp dưới, khi họ có đủ sự tin tưởng về năng lực và khả năng ra quyết định của nhân viên ấy. Đây là điều hoàn toàn bình thường và diễn ra phổ biến ở nhiều công ty, nhất là những doanh nghiệp lớn, đông nhân viên, cấp trên cực kỳ bận rộn, có quá nhiều việc cần làm, cần giám sát và quyết định, nên họ đã trao bớt quyền cho những nhân viên đáng tin cậy. Đồng thời, thông báo cho tất cả các nhân viên, các phòng ban liên quan biết được về việc mình đã trao quyền, rằng người nhân viên ấy có những quyền cụ thể như thế nào. Chẳng hạn như sếp trao cho bạn quyền duyệt nội dung bài content của nhân viên content marketing, thì bạn thật sự đã đủ năng lực để làm tốt điều đó, và đủ khả năng quyết định xem nội dung nào được duyệt, được đăng, nội dung nào cần chỉnh sửa lại.
Vì sao sếp cần trao quyền cho nhân viên cấp dưới?
Sau khi đã tìm hiểu rằng trao quyền là gì, thì bạn cũng sẽ dễ dàng hình dung được vì sao sếp cần trao quyền cho nhân viên cấp dưới. Đầu tiên, sếp trao quyền cho nhân viên để giảm tải khối lượng công việc mà họ cần phụ trách, tránh trường hợp vì quá bận nên khiến công việc bị trì hoãn, đình trệ, có quá nhiều điều đang xếp hàng chờ mình phải xem qua, phải kiểm tra, phê duyệt. Nếu lúc đó sếp kiên quyết ôm hết việc, không chịu trao quyền, thì sớm muộn gì cũng sẽ bị quá tải, và khiến công việc bị đình trệ, nguy cơ trễ deadline, gây nhiều thiệt hại cho công ty.
Bên cạnh đó, sếp trao quyền cũng là một hình thức để động viên, khích lệ tinh thần của nhân viên cấp dưới, rằng những ai có kết quả làm việc tốt, có đủ năng lực, được sếp tin tưởng, tín nhiệm thì mới được trao quyền. Chứ cấp trên sẽ không bao giờ trao quyền một cách ngẫu hứng, trao đại cho những ai chưa đủ khả năng, vì điều đó sẽ khiến mọi chuyện rối tung lên và tiềm ẩn nhiều hậu quả khôn lường. Vì thế, khi đi làm mà được cấp trên trao quyền, thì bạn sẽ cực kỳ tự hào, hãnh diện, rằng những nỗ lực, cố gắng trong công việc của mình đã được ghi nhận, đây cũng là một bước đệm quan trọng để bạn có cơ hội được cân nhắc thăng tiến lên vị trí cao hơn nếu vẫn tiếp tục giữ vững phong độ.
>> Đi làm mà không thân với cấp trên thì có sao không?
Làm sao để cấp trên tin tưởng trao quyền cho bạn?
Như đã làm rõ ở phần trước, được cấp trên trao quyền là một điều cực kỳ tự hào, mà hầu hết mọi người đều muốn mình sẽ là nhân vật đặc biệt, được sếp tin tưởng như thế. Vậy làm sao để cấp trên tin tưởng trao quyền cho bạn? Điều mấu chốt chính là bạn phải có năng lực làm việc thật sự tốt, thể hiện qua việc nắm vững kiến thức chuyên ngành, thành thạo chuyên môn, làm việc có trách nhiệm và mang lại kết quả làm việc tốt trong một thời gian đủ dài để có thể khiến cấp trên tin tưởng, công nhận năng lực. Thậm chí, nếu bạn mang lại kết quả công việc tốt vượt ngoài mong đợi, mang lại nhiều giá trị cho công ty hơn so với kỳ vọng của cấp trên, thì khả năng cao rằng bạn sẽ được cấp trên tin tưởng trao quyền, có cơ hội được tăng lương, thăng tiến trong tương lai.
Tóm lại, chuyện được cấp trên trao quyền không phải do hên xui, và càng không bao giờ có sự thiên vị rằng những ai thân cận, thường xuyên nịnh hót thì sẽ được trao quyền. Đó là quan điểm không chính xác, bạn đừng mất công, mất thời gian để làm nhũng việc vô ích ấy. Thay vào đó, hãy dành thời gian để trau dồi năng lực, phát triển bản thân, nỗ lực làm việc và tiến bộ từng ngày. Khi bạn càng giỏi, càng vững vàng năng lực, thì chuyện được trao quyền sẽ sớm xảy ra thôi.
Cần làm gì khi được sếp trao quyền?
Trước khi được sếp trao quyền, thì chúng ta sẽ luôn nỗ lực, cố gắng hết mình trong công việc, nhằm ghi điểm và tạo ấn tượng tốt với cấp trên. Nhưng khi được sếp trao quyền rồi thì có một số người không giữ được tinh thần làm việc tốt như trước, tự dưng lại chểnh mảng công việc, hoặc tự cao, tự tin thái quá về bản thân, cho rằng quyền lực trong tay mình rồi thì mình muốn làm gì thì làm, xem thường những nhân viên khác. Đó là một thái độ không tốt, sẽ khiến những nỗ lực trong quá khứ của bạn sớm tan thành mây khói, vì cấp trên hoàn toàn có thể quan sát, đánh giá và rút lại những quyền đã trao nếu thấy rằng mình đã trao cho nhầm người. Và tất nhiên, đó là một cái kết không bẽ bàng mà chẳng ai mong muốn mình sẽ phải đối mặt, tự dưng được trao quyền xong bị rút lại, tất nhiên sẽ cực kỳ xấu hổ, bị đồng nghiệp bàn tán này kia.
Sếp trao quyền cho bạn tức là họ đã đặt niềm tin vào bạn, cho bạn cơ hội để tiếp tục phát huy năng lực và thăng tiến lên những vị trí cao hơn. Điều bạn cần làm sau khi được trao quyền chính là tiếp tục cố gắng, nỗ lực không ngừng, duy trì phong độ làm việc và mang lại nhiều giá trị hơn khi sở hữu những quyền ấy. Hãy cho cấp trên thấy rằng họ đã lựa chọn đúng người, mình hoàn toàn có thể toả sáng hơn, tiến bộ hơn, và đủ năng lực để thăng tiến lên các vị trí cao hơn, mang lại nhiều giá trị trong công việc hơn.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng trao quyền là gì, vì sao sếp cần trao quyền cho nhân viên cấp dưới, làm sao để được cấp trên tin tưởng trao quyền? Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Cảm thấy sếp chưa tin tưởng mình thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.